"Alo, alo mọi người nghe rõ không ạ? Nếu nghe rõ xin để lại bình luận để Nhật Nam bắt đầu buổi livestream ạ".
Đứng ở cổng TAND TP.HCM, Nam cố gắng nói lớn tiếng, trên tay là hai chiếc điện thoại đều đang ở chế độ live trên Facebook.
Người này đang cố gắng phát trực tiếp phiên tòa xét xử sơ thẩm Nguyễn Kim Trung Thái (37 tuổi) và Nguyễn Võ Quỳnh Trang (27 tuổi) liên quan vụ bé N.T.V.A. (8 tuổi, con gái của Thái) bị bạo hành.
"Đã cố gắng sắp xếp, đi nhanh hết cỡ nhưng cũng không thể tới trước những người khác", Nam nói.
Xung quanh, hàng chục YouTuber, Facebooker khác cũng đang miệt mài "tác nghiệp". Họ đi lại trước cổng TAND TP.HCM, tay giơ cao điện thoại với hy vọng bắt trọn mọi diễn biến, đồng thời không ngừng tường thuật từng chi tiết quan sát được.
Cao Nhật Nam chạy xe từ An Giang lên TP.HCM để livestream phiên tòa xét xử vụ bé 8 tuổi bị bạo hành. |
Đầu tư
7h30, Nam đã có mặt tại TAND TP.HCM. Nhìn thấy hàng chục YouTuber khác đều đang giơ máy phát trực tiếp, anh biết mình đã đến trễ. Có người đã ở đây từ 5h30-6h.
Vội vàng rút "bộ đồ nghề" từ ba lô, Nam nhanh chóng mở điện thoại rồi bấm nút live. Kênh của anh đã có sẵn khoảng 104.000 lượt đăng ký trên mạng.
"Vừa xuống xe là live luôn. Tôi còn chưa kịp ăn uống gì cả".
Sau một tiếng, đoạn livestream thu hút khoảng 4.000 lượt xem. Người này liên tục nhắc mọi người bấm live, share và đăng ký để tiếp tục theo dõi diễn biến mới nhất.
Nam cho biết mỗi tháng chỉ đăng 1-2 video lên kênh để cập nhật những câu chuyện thời sự. Tuy vậy, không phải vụ án nào, phiên xét xử nào YouTuber này cũng đến.
"Một số vụ mà quá lộn xộn, rối ren thì tôi không làm. Trước phiên xét xử vụ bé 8 tuổi bị bạo hành khoảng 3 tuần, tôi có cập nhật vụ việc thầy giáo dâm ô nữ sinh ở Tây Ninh. Clip cũng thu được hơn 2 triệu lượt xem", Nam nói.
Hàng chục YouTuber có mặt bên ngoài TAND TP.HCM sáng 21/7. |
6h, Long, YouTuber có khoảng 36.000 người đăng ký, bắt đầu livestream từ cổng chính của TAND TP.HCM. Người này đã tạm nghỉ một ngày chạy xe ôm vì muốn trực tiếp theo dõi phiên tòa.
Tay cầm hai chiếc điện thoại, Long dùng một máy để phát trực tiếp lên kênh cá nhân, một máy quay video lưu làm dữ liệu.
Đứng sát bên, Thái Tuấn (35 tuổi) cố gắng chen chân trong đám đông để có vị trí livestream đẹp nhất.
"Quý vị để lại bình luận, thích, chia sẻ nhiệt tình để chúng tôi tiếp tục cập nhật tình hình. Hiện tại, rất đông người đang có mặt tại đây để nói lên tiếng nói của mình", Tuấn nói vào chiếc mic cầm trên tay.
Tuấn cho Zing biết mình là một trong những người có mặt sớm nhất để chờ theo dõi phiên xét xử. "5h là tôi đã lục đục chuẩn bị đồ, chạy xe từ nhà ở Củ Chi lên đây".
Đi cùng còn có 2 người khác, đều sở hữu kênh YouTube với khoảng 10.000-20.000 lượt đăng ký. Nội dung trên những kênh này đa dạng, từ ẩm thực, lễ hội cho đến các vụ án rúng động dư luận.
"Cứ cái gì có view, thu hút người xem thì chúng tôi làm", Tuấn cho hay.
Cả 3 đều đi từ rất sớm nên chưa kịp ăn uống gì. "Giờ đói lắm nhưng có phải lăn, lê, bò, lết cũng quyết bám trụ ở đây, không đi đâu cả", một người trong nhóm nói.
Khi phóng viên đi theo, tự xưng là người mới và dò hỏi cách để "theo nghề", Cao Ân (ngụ Bình Phước) cho biết mình phải đầu tư 3 chiếc điện thoại, một số dụng cụ kèm theo như tay cầm chống rung, mic, tai nghe, gói cước... để cùng lúc đưa video được lên nhiều nền tảng.
"Nhưng đầu tư nhất là sức khỏe. Bất kể nắng, mưa, xa gần ra sao, có vụ hot là phải đi thì mới có nhiều người xem. Tay cầm 3 chiếc điện thoại một lúc, đã giơ máy lên là không được hạ xuống. Chân di chuyển, chen chúc liên tục. Miệng cũng nói không ngừng để giữ tương tác với người xem. Lời kêu gọi cũng phải đánh trúng tâm lý người xem, không được quên kêu gọi like, share cho kênh của mình. Mỗi hôm livestream về là tôi đau khắp mình mẩy", Cao Ân hướng dẫn.
Để các video của mình luôn có đông người xem, người này còn phải xem video của các "đồng nghiệp" để xem có gì hay hơn.
"Như hôm nay, phiên tòa bị hoãn, lượng xem của tôi sẽ giảm. Chiều nay chắc tôi phải kiếm một vài quán ăn để tới livestream, bù cho buổi sáng. Phải đầu tư và dành thời gian dữ lắm mới làm được YouTuber chứ không chỉ đơn giản là tới rồi quay đâu", Cao Ân nói, rồi vội vàng chạy đuổi theo một đám đông đang bám sát nhóm luật sư, với mong muốn "kiếm thêm một ít view".
Có thu nhập
Trong 3 tiếng đứng trước TAND TP.HCM, Thượng Chính (ngụ quận Bình Thạnh) không hạ điện thoại xuống một giây nào, dù những gì người này quay được chỉ là cảnh ồn ào, kích động ở ngoài phiên tòa.
Sau vài giờ, đoạn phát trực tiếp đạt 4.000 lượt xem ở cả hai nền tảng YouTube và Facebook.
"Có vụ việc nào nóng trong xã hội, tôi sẽ có mặt ở hiện trường. Với gần 150.000 người đăng ký trên YouTube, tôi kiếm hơn 10 triệu đồng/tháng từ công việc quay video, phát trực tiếp", anh Chính nói.
"Thu nhập còn tùy vào lượt xem, không tháng nào giống tháng nào. Có lần livestream câu chuyện thời sự, được hơn 1 triệu lượt view thì thu nhập cũng khá. Nhưng phải làm rất lâu mới ra tiền, nắng, mưa, lăn lộn, chật vật lắm chứ không 'ngon ăn'", người này chia sẻ thêm.
Chính cho biết kiếm được hơn 10 triệu đồng/tháng thông qua các đoạn phát trực tiếp. |
Tương tự, dù chỉ quay được dòng người lộn xộn ở cổng TAND TP.HCM, không được vào bên trong phiên tòa, nhưng Nguyễn Hoàng Nhung (ngụ Bình Tân) cho biết chỉ cần vụ nào hot, có livestream là có người xem.
"Tôi quay cảnh luật sư đi ra đi vào, xe chở người đi tới đi lui, phỏng vấn mỗi người ở đây một câu, lâu lâu quay mặt mình vô nữa. Cứ vậy là được khoảng 4 tiếng rồi", Nhung kể.
Khi được phóng viên hỏi cách kiếm tiền, Hoàng Nhung cho biết kênh cần có hơn 1.000 người đăng ký, người xem đạt 4.000 giờ trong 1 năm, sau đó sẽ được bật chức năng kiếm tiền.
Người này cũng nhấn mạnh công việc này phải "sáng tạo và chăm chỉ". Vì chỉ cần bị phát hiện có dấu hiệu ăn cắp bản quyền, sử dụng video khác để lồng ghép, kênh sẽ bị "ăn gậy". Hoàng Nhung nói đi nói lại việc "YouTuber chân chính là phải có mặt ở mọi điểm nóng, bất chấp nắng nóng hay mưa gió".
"Tháng nào có nhiều sự vụ hot là tháng đó kiếm nhiều tiền. Tôi phải sáng tạo cách nói chuyện, quay phim, chịu khó di chuyển, đi lại, phỏng vấn, tạo ảnh đại diện thu hút, đặt tên video thật nổi bật, chuẩn SEO. Có tháng cao nhất tôi kiếm được 13 triệu, có tháng 6-7 triệu đồng, nhưng cũng có lúc chỉ 1-2 triệu đồng, coi như đủ tiền đi lại" Hoàng Nhung cho biết.
Sáng 21/7, TAND TP.HCM xét xử công khai vụ bé N.T.V.A (8 tuổi) bị bạo hành dẫn đến tử vong.
Bị can Nguyễn Kim Trung Thái (37 tuổi, cha bé gái) bị truy tố về tội Hành hạ người khác và Che giấu tội phạm theo Điều 389, tổng hợp khung hình phạt cao nhất là 8 năm tù.
Nguyễn Võ Quỳnh Trang (27 tuổi, người tình của Thái) bị truy tố về tội Giết người và Hành hạ người khác theo Điều 123 và Điều 140 Bộ luật Hình sự, tổng hợp khung hình phạt cao nhất là tử hình.
Quá trình thủ tục, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (bảo vệ quyền và lợi ích của bị hại) đề nghị xác định tỷ lệ thương tật, thương tích của bị hại trong các ngày 7-10-11-12/12/2021 và xác định bị cáo Thái là đồng phạm với bị cáo Trang về tội Giết người, Cố ý gây thương tích.
Sau khi hội ý, nhận thấy việc xác định thương tích là bắt buộc, HĐXX cho rằng cần hoãn phiên tòa, trả hồ sơ cho VKS để điều tra bổ sung, xác định lại tỷ lệ thương tích của bị hại theo yêu cầu của luật sư.