Reuters đưa tin sáng 7/7, cố đô Bagan của Myanmar đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Thế giới trong một cuộc họp vừa diễn ra ở Baku, Azerbaijan.
Trước đó, Bagan lần đầu tiên được đề cử vào danh sách Di sản Thế giới năm 1995.
Cố đô Bagan (Myanmar) vừa được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. |
Quyết định công nhận này có ý nghĩa rất quan trọng đối với thành phố cổ sở hữu 3.500 chùa tháp, đền đài và các công trình được xây dựng từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 13. Theo đó, việc làm này hứa hẹn góp phần làm bùng nổ ngành du lịch Myanmar.
Phát biểu thay mặt phái đoàn Myanmar tham dự cuộc họp tại Baku, nhà ngoại giao Kyaw Zeya chia sẻ: "Bagan là di sản sống, đã trải qua nhiều thách thức trong hơn một nghìn năm qua. Hôm nay là một ngày tuyệt vời và đáng nhớ khi Bagan được công nhận là Di sản Thế giới. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực bảo tồn và quản lý Bagan để di sản quý giá này tồn tại thêm hàng nghìn năm nữa".
Từ 30/6-10/7, cuộc họp của UNESCO diễn ra ở Baku thảo luận về 43 đề cử cho nhiều hạng mục.
Hội đồng quốc tế ghi nhận các nỗ lực của Myanmar trong việc bảo vệ di sản như thông qua luật di sản mới, có kế hoạch để giảm tác động của các khách sạn và sự phát triển du lịch xung quanh các ngôi đền cổ... Hội đồng cũng khẳng định Bagan có vai trò lịch sử quan trọng và sẽ tiếp tục là nơi tôn vinh Phật pháp.
Năm 2016, trận động đất 6,8 độ richter đã làm hỏng các công trình kiến trúc cổ, hư hại gần 200 ngôi đền ở thành phố cổ của Myanmar.