Các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Yên Lập, Phú Thọ, cho biết đã tiếp nhận bệnh nhân N.T.P. (16 tuổi, trú tại Hưng Long, Yên Lập) đến khám với triệu chứng nghẹt, chảy máu mũi, mệt mỏi không rõ nguyên nhân.
P. cho hay trước đó 10 ngày, bệnh nhân có tắm ở thác nước. Qua nội soi, bác sĩ phát hiện con đỉa dài khoảng 3 cm sống trong mũi bệnh nhân. Dị vật này đã sống ký sinh trong mũi P. nhiều ngày, mềm, trơn, nấp vào các xoang mũi nên rất khó gắp ra. Sau khi áp dụng thủ thuật, các bác sĩ đã lấy được con đỉa ra khỏi mũi bệnh nhân. Hiện, P. đã ổn định sức khỏe và được xuất viện.
Con đỉa được gắp ra từ mũi bệnh nhân. Ảnh: BSCC. |
BS Trần Thế Hảo, khoa Khám bệnh, cho biết khí hậu nóng ẩm là điều kiện tốt để sinh vật ký sinh phát triển, nhất là trong vùng rừng núi, thác nước, suối, ao, hồ.
"Khi chui vào cơ thể người, chúng có thể rất nhỏ, khó nhận biết. Tuy nhiên, sau một thời gian hút máu trong cơ thể người, chúng sẽ lớn rất nhanh và gây các triệu chứng bệnh khác nhau, nguy hiểm nhất là ký sinh ở khí quản sẽ làm ngạt thở, có thể dẫn đến tử vong", BS Hảo nói.
Bác sĩ khuyến cáo người dân cần cẩn trọng khi đi làm ở nương rẫy, suối, ao, hồ. Nếu có hiện tượng chảy máu mũi hoặc ho kéo dài, nghẹt thở, chảy máu cam, chảy máu đường tiết niệu, chảy máu ở mắt sợ ánh sáng, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế để thăm khám, nội soi. Việc này giúp loại trừ trường hợp ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể.
Ngoài ra, vào mùa hè, các gia đình thường đi chơi, bơi lội ở nơi có sông, suối nên cảnh giác tình trạng đỉa, vắt chui vào và ký sinh trong cơ thể. Người dân tuyệt đối không uống nước tại các khe, suối.