Một tháng trước, bệnh nhân H.H.T. (36 tuổi) ho khạc có đờm, ra một ít máu. Gần đây, bệnh nhân xuất hiện khàn tiếng từng lúc, thăm khám tại bệnh viện tuyến huyện được chẩn đoán viêm thanh quản, đã uống thuốc nhưng không đỡ.
Chiều 23/4, bệnh nhân T. đến Bệnh viên Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) kiểm tra, nội soi thanh quản. Bác sĩ nghi ngờ có dị vật là một con đỉa ở khí quản. Đây là vị trí hy hữu, ít gặp, chỉ thường thấy ở mũi và tai.
Khi soi qua dây thanh, bác sĩ nhìn thấy một con đỉa nằm dọc theo khí quản. Ê-kíp bác sĩ đã tiến hành lấy con đỉa ra khỏi khí quản bệnh nhân. Sau khi gắp đỉa ra ngoài, các bác sĩ tiếp tục kiểm tra lại đường thở, tìm các điểm chảy máu, bơm rửa sạch khí phế quản. Hiện bệnh nhân thấy dễ chịu và thở bình thường.
Con đỉa gắp ra từ khí quản bệnh nhân. Ảnh: BVCC. |
TS Nguyễn Đạo Tiến, bác sĩ trực tiếp điều trị, cho biết con đỉa dài 13-15 cm khi chuyển động vươn mình. Nếu không được chẩn đoán và lấy ra khỏi khí quản, đỉa có thể gây chảy máu kéo dài, tắc nghẽn. Đặc biệt, đỉa hút no máu sẽ kích thích gây ho và có thể gây nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới.
Bệnh nhân cho hay không tắm ao, sông, suối nhưng có thói quen ăn rau sống. Các bác sĩ khuyến cáo không nên ăn đồ ăn tươi sống vì có thể gây nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng đường tiêu hoá, mang theo các sinh vật khác như vắt, đỉa.