Theo ABC News, khu vực phía nam Lindi, Tanzania, ghi nhận hơn 20 ca mắc, trong đó, 3 trường hợp tử vong. Kết quả sơ bộ từ phòng thí nghiệm vào đầu tháng 7 loại trừ nguyên nhân là virus Ebola, Marburg và SARS-CoV-2. Điều này khiến căn bệnh trở nên bí ẩn.
Triệu chứng dễ nhầm lẫn
Trong cuộc họp báo ngày 18/7, Bộ trưởng Y tế Tanzania Ummy Mwalimu cho biết các mẫu xét nghiệm của bệnh nhân dương tính với leptospirosis. Đây là bệnh do vi khuẩn truyền nhiễm gây ra, ảnh hưởng đến cả động vật và con người.
Ông Mwalimu nói: “Tôi muốn thông báo với công chúng kết luận đợt bùng phát căn bệnh bí ẩn gần đây là bệnh sốt nấm xoắn khuẩn hay 'homa ya Mgunda', leptospirosis. Đến nay, không ai trong số các ca tiếp xúc gần có triệu chứng bệnh".
Bệnh nhân đầu tiên nhiễm leptospirosis được báo cáo ở Trung tâm Y tế Mbekenyera, làng Mbekenyera của vùng Lindi vào ngày 5/7. Trong vòng 3 ngày, bệnh viện đã tiếp nhận trường hợp thứ hai, sau đó là 20 ca. Các bệnh nhân có triệu chứng tương tự bệnh do virus Ebola hoặc Marburg gây ra như sốt, nhức đầu, mệt mỏi, chảy máu, đặc biệt từ mũi.
Giám đốc y tế của Tanzania, tiến sĩ Aifelo Sichalwe, trấn an người dân nên giữ bình tĩnh và khuyến cáo bất kỳ ai có triệu chứng tương tự nên đi khám ngay lập tức.
Bộ Y tế Tanzania đã cử nhóm chuyên gia tới vùng Lindi để điều tra vụ bùng phát bí ẩn và thực hiện các biện pháp ngăn vi khuẩn lây lan thêm, truy vết, tìm kiếm người có triệu chứng tương tự và cách ly họ. Các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới tại Tanzania cũng đang theo dõi tình hình chặt chẽ, làm việc với Bộ Y tế nước này nhằm xét nghiệm thêm để loại trừ các bệnh khác.
Sự xuất hiện ca bệnh bí ẩn ở Tanzania ban đầu khiến các nhà khoa học lo ngại họ nhiễm virus nguy hiểm Marburg. Ảnh: BSIP. |
Căn bệnh hiếm dễ bị bỏ qua
Bệnh leptospirosis lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ động vật sang người, chủ yếu khi con người tiếp xúc với nước tiểu của động vật mắc bệnh hoặc môi trường bị ô nhiễm. Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua các vết cắt hoặc trầy xước trên da, màng nhầy của miệng, mũi và mắt. Theo WHO, bệnh rất hiếm khi lây truyền từ người sang người.
Bệnh leptospirosis thường dễ bị bỏ qua và tương đối ít người biết về nó. Ca bệnh phân bổ trên toàn thế giới nhưng phổ biến nhất ở các khu vực nhiệt đới, cận nhiệt đới. Theo WHO, đây là căn bệnh nghiêm trọng nhưng có thể điều trị được với các triệu chứng giống một số bệnh nhiễm trùng không liên quan như cúm, viêm màng não, viêm gan, sốt xuất huyết hoặc sốt xuất huyết do virus.
Gần đây, WHO cảnh báo châu Phi đang phải đối mặt với nguy cơ bùng phát các mầm bệnh truyền từ động vật sang động vật không phải con người, sau đó chuyển loài và lây nhiễm sang người ngày một nhiều. Theo phân tích mới của Liên Hợp Quốc, số vụ dịch từ động vật lây sang người đã tăng 63% trong thập kỷ 2012-2022.
Phân tích cho thấy từ năm 2001 đến năm 2022 có 1.843 sự kiện sức khỏe cộng đồng đã được ghi nhận ở khu vực châu Phi của WHO. Trong đó, 30% là đợt bùng phát bệnh truyền từ động vật sang người. Con số này đã tăng lên trong 2 thập kỷ qua nhưng WHO lưu ý có sự gia tăng đặc biệt vào năm 2019 và 2020. Thời điểm này, các mầm bệnh truyền từ động vật chiếm 50% sự kiện sức khỏe cộng đồng.
Theo phân tích, bệnh do virus Ebola và các bệnh sốt xuất huyết do virus khác chiếm gần 70%. Trong khi đó, bệnh sốt xuất huyết, bệnh than, dịch hạch, bệnh đậu mùa khỉ và một loạt bệnh khác chiếm 30% còn lại.
Nhà dịch tễ học Luke Nyakarahuka phun chất khử trùng lên 2 nhà khoa học Jonathan Towner và Brian Amman tại Vườn quốc gia Queen Elizabeth, Uganda, vào năm 2018. Họ đang nghiên cứu cách dơi truyền virus Marburg sang người. Ảnh: Bonnie Jo Mount/The Washington Post. |
Tiến sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc Khu vực của WHO, cho rằng: "Nhiễm trùng bắt nguồn từ động vật và sau đó lây sang người đã xảy ra trong nhiều thế kỷ nhưng nguy cơ nhiễm trùng và tử vong hàng loạt tương đối hạn chế ở châu Phi. Cơ sở hạ tầng giao thông yếu kém là rào cản tự nhiên cho lục địa này. Tuy nhiên, với sự cải thiện giao thông ở châu Phi, nguy cơ các mầm bệnh truyền từ động vật đến các trung tâm đô thị lớn ngày càng tăng. Châu Phi giờ đây trở thành điểm nóng về các bệnh truyền nhiễm mới nổi".
WHO cảnh báo có thể một số quốc gia sẽ chứng kiến số ca mắc, tử vong khi dịch bệnh lây truyền từ động vật xâm nhập các thành phố lớn. Điển hình như một số quốc gia Tây Phi đã chứng kiến đợt bùng phát Ebola năm 2014-2016 - đợt bùng phát lớn nhất và chết chóc nhất từng được ghi nhận.
Tiến sĩ Moeti kêu gọi: "Chúng ta cần chung tay ngăn chặn và kiểm soát các bệnh lây truyền từ động vật sang người như Ebola, bệnh đậu mùa khỉ, thậm chí cả các loại virus corona khác".
Dịch Đậu mùa khỉ
WHO tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa ban bố đợt bùng phát đậu mùa khỉ ở châu Phi là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu lần thứ 2 trong 2 năm.
Hàn Quốc xác nhận 3 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ
Đến nay, tổng số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận tại Hàn Quốc 16 trường hợp, đa số không có lịch sử du lịch nước ngoài.
Người nhiễm HIV có nguy cơ tử vong cao hơn khi mắc đậu mùa khỉ
Nghiên cứu cho biết nếu mắc bệnh đậu mùa khỉ, người nhiễm HIV sẽ hình thành các vết loét lớn khắp cơ thể và có nguy cơ tử vong lên đến 15%.
Bệnh lây qua đường tình dục bùng phát mạnh trên toàn cầu
Mặc cho tương tác xã hội bị giảm đi nhiều trong 3 năm đại dịch, các bệnh lây truyền qua đường tình dục vẫn gia tăng trên toàn thế giới.
WHO cảnh báo đậu mùa khỉ vẫn là căn bệnh gây nguy hiểm trên toàn cầu
Theo The Siasat Daily, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đợt bùng phát mạnh mẽ của bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế (PHEIC).