Sự xuất hiện và bùng phát dịch do biến chủng Delta không chỉ khiến số bệnh nhân Covid-19 tăng đột biến, hàng loạt giải pháp khống chế dịch cũng ảnh hưởng ít nhiều đến công tác cấp cứu, điều trị những bệnh lý khác.
Điển hình trong số này là đột quỵ - bệnh lý cấp tính mà thời gian để giữ mạng sống chỉ được tính bằng giây.
Hơn 70% người đột quỵ không thể nhập viện
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Thắng, Phó chủ tịch Hội Đột Quỵ Việt Nam, Trưởng khoa Bệnh lý Mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), trong đợt dịch Covid-19 vừa qua ở TP.HCM, số lượng bệnh nhân đột quỵ nhập viện giảm rõ rệt.
Điển hình tại Bệnh viện Nhân dân 115, trong điều kiện bình thường, khoa Bệnh lý Mạch máu não tiếp nhận, điều trị hơn 1.000 ca mỗi tháng. Tuy vậy, trong thời điểm Covid-19 bùng phát, chỉ khoảng 5 bệnh nhân nhập viện mỗi ngày.
“Điều đáng buồn là số bệnh nhân đến kịp giờ vàng để điều trị gần như bằng 0. Số bệnh nhân được điều trị tái thông cấp cứu bằng thuốc tiêu sợi huyết hoặc lấy huyết khối bằng dụng cụ cũng chỉ 1-2 người/ tháng”, PGS Thắng nói.
PGS.TS Nguyễn Huy Thắng, Phó chủ tịch Hội Đột Quỵ Việt Nam. Ảnh: BSCC. |
Ông cho biết trong giai đoạn khốc liệt của dịch, gần như toàn hệ thống y tế, cơ sở vật chất tập trung cho bệnh nhân Covid-19. Các quy trình tiếp nhận bệnh nhân cũng không được như bình thường. Ngoài ra, tâm lý lo ngại mắc Covid-19 trong các cơ sở y tế cũng khiến nhiều bệnh nhân đột quỵ không đến bệnh viện để điều trị kịp thời.
“Covid-19 gây hậu quả nặng nề như chúng ta đã thấy, nhưng hậu quả gián tiếp của nó, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các bệnh nhân mắc bệnh lý mạn tính và cấp tính khác, những thiệt hại này có lẽ ngành y tế cũng chưa thể thống kê được”, Phó chủ tịch Hội Đột Quỵ Việt Nam nói với Zing.
Di chứng đột quỵ mới là điều đáng sợ
Ở Việt Nam, bệnh nhân đột quỵ đang tăng nhanh ở cả 2 giới và các lứa tuổi. Y học hiện đại đã có nhiều tiến bộ trong điều trị và cứu sống bệnh nhân, tuy nhiên, trên 50% người bị đột quỵ vẫn phải gánh chịu nhiều di chứng sau khi xuất viện.
“Cách đây 25 năm, các thầy thuốc gần như đầu hàng với đột quỵ vì chưa có biện pháp nào ngăn cản sự tàn phá tế bào não do đột quỵ gây ra. Còn đến thời điểm này, chúng tôi khẳng định đột quỵ là căn bệnh có thể chữa được”, PGS.TS Nguyễn Huy Thắng khẳng định.
PGS Thắng cũng nhấn mạnh rằng tàn phế và di chứng sau đột quỵ mới là điều đáng lo sợ nhất. Do đó, phòng ngừa đột quỵ là quan trọng nhất vì khả năng điều trị thành công cũng chỉ vào khoảng 50%.
Đột quỵ hoàn toàn có thể phòng ngừa một cách hiệu quả nếu kiểm soát chặt chẻ và lâu dài các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rung nhĩ, hút thuốc lá, béo phì...
“Một số người quan niệm đột quỵ là trời kêu ai nấy dạ, nếu xui thì bị. Điều này không đúng. Không phải tự nhiên mà một người bị đột quỵ, mà trên 90% bệnh nhân đột quỵ đều có nguyên nhân”, PGS Thắng nhấn mạnh.
Một ca phẫu thuật cấp cứu cho người bệnh tại Bệnh viện Nhân dân 115. Ảnh: Benhvien115. |
Theo chuyên gia này, mỗi năm có khoảng 14.000-15.000 bệnh nhân đột quỵ nhập viện, gần như tất cả đều có nguyên nhân. Các trường hợp đột quỵ không tìm được nguyên nhân rất ít.
Chẳng hạn, một người đến khám bệnh có huyết áp cao đến 240 mmHg nhưng vẫn không có dấu hiệu bất thường. Chính sự bình thường này làm cho người bệnh mất cảnh giác và không tuân thủ điều trị. Thực tế, huyết áp cao lâu năm là nguy cơ tiềm tàng đột quỵ.
Tương tự, người hút thuốc lá, béo phì, tiểu đường, rung nhĩ… có nhiều lý do, đôi khi chúng ta không quan tâm nhiều đến nguy cơ đột quỵ, đến một ngày nào đó xảy ra thì trở tay không kịp.
“Nếu những yếu tố này không được kiểm soát hữu hiệu, đột quỵ xảy ra gần như chắc chắn trong một sớm một chiều”, ông nói thêm.
Những sai lầm khi cấp cứu người đột quỵ
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Thắng, đột quỵ rất dễ nhận biết. Nếu một người nhận biết được những triệu chứng của đột quỵ thì có thể chẩn đoán được gần như 90%.
Hầu hết triệu chứng khởi phát là yếu, liệt nửa người cùng bên; đột ngột méo miệng, nói không rõ, đớ. Khi thấy bản thân hoặc người thân có 3 triệu chứng này, khả năng rất cao là đột quỵ.
Khi phát hiện bệnh nhân đột quỵ, người thân không nên can thiệp bất cứ điều gì mà chỉ cần đưa họ đến bệnh viện cấp cứu.
Ông dẫn chứng khá nhiều người cho bệnh nhân uống thuốc hạ áp và chờ khi huyết áp trở về bình thường mới đưa bệnh nhân nhập viện, điều này sai hoàn toàn vì việc hạ áp đột ngột có thể làm cho tế bào não chết nhanh hơn.
Một số người cho người bệnh uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc. Việc uống thuốc khi chưa đánh giá chức năng nuốt có thể làm tăng nguy cơ viêm phổi do hít sặc.
Theo bác sĩ Thắng, tắm đêm không phải yếu tố trực tiếp gây đột quỵ. Ảnh: Freepik. |
PGS Thắng cho rằng các loại thực phẩm chức năng được giới thiệu phòng chống đột quỵ không phải là thuốc, không có bất cứ bằng chứng khoa học nào để điều trị đột quỵ. Do đó, ông không khuyến cáo bệnh nhân sử dụng các thực phẩm chức năng để điều trị đột quỵ.
Thời tiết, nhiệt độ cũng không phải yếu tố trực tiếp gây đột quỵ, bởi nguy cơ này ở người sống ở các nước ôn đới, nhiệt đới là như nhau. Thời tiết có thể là yếu tố ảnh hưởng các nguy cơ khác, ví dụ huyết áp. Tương tự, tắm đêm cũng không phải là yếu tố trực tiếp gây đột quỵ.
Các phương pháp khác như châm kim vào đầu ngón tay, ngón chân, cạo gió, vắt chanh… cũng không chứng minh hiệu quả và không nên làm vì có thể gây mất thời gian vàng để cấp cứu đột quỵ.
Một số nghiên cứu ở Mỹ cho thấy “thời gian kim cương” điều trị đột quỵ là khoảng 60 phút sau khi khởi phát triệu chứng. PGS Thắng chia sẻ suốt 25 năm làm nghề, ông chưa thấy bệnh nhân nào được điều trị kịp cửa sổ thời gian này, trừ các trường hợp đột quỵ xảy ra tại bệnh viện.
"Nguyên nhân là hầu hết người bệnh đến muộn, một phần lý do là người nhà giữ lại để châm kim, vắt chanh, hạ áp…, nhưng những điều này đều sai lầm, làm mất đi thời gian quý báu của bệnh nhân”, PGS Thắng nói.