Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch đau mắt đỏ: Cả nhà đeo kính đi ngủ

Nhà có 6 người thì 5 người bị đau mắt đỏ, để tránh cho bé My 3 tuổi còn lại không bị lây bệnh, cả nhà đành đeo kính 24/24.

Khốn đốn vì dịch bệnh

Thấy tivi thông báo Hà Nội và nhiều tỉnh miền Bắc đang có dịch đau mắt đỏ, gia đình chị Ngọc (Gia Lâm, Hà Nội) đã cẩn thận “phòng thủ” mỗi người một lọ thuốc nhỏ mắt, vậy mà vẫn không tránh khỏi dịch bệnh này. Ban đầu là đứa con cả nhà chị, nhiều bạn trong lớp mắc bệnh, dù đã cẩn thận dặn con không nên nhìn vào mắt các bạn đang bị bệnh, nhất là ở cự li gần, thế nhưng cháu vẫn bị lây.

Đón con ở cổng trường, thấy con liên tục đưa tay lên dụi, kêu ngứa mắt, chị vội vàng đưa con đến bác sĩ, sau khi thăm khám và phát thuốc, trên đường về, chị còn rẽ vào hiệu kính sắm cho con thêm đôi kính râm với lý do: con đeo để khỏi lây bệnh cho những thành viên trong gia đình.

Tuy nhiên, trong nhà dù có phòng trừ thế nào cũng không tránh nổi. Từ cơ quan, hàng xóm đến những khu vực tập dưỡng sinh của của bố mẹ chồng chị, đâu đâu cũng xuất hiện người mắc bệnh này. Cả 5 người trong nhà chị cũng không tránh khỏi, trừ bé út Trà My (3 tuổi).

Để tránh bệnh cho con, chị Ngọc thường xuyên nhỏ thuốc mắt cho My, sinh hoạt hàng ngày của con cũng được đưa vào “khu cách li” với những thành viên còn lại. Không những thế, cả nhà phải đeo kính 24/24, đụng mặt nhau là không khỏi bật cười, chồng chị tủm tỉm: “nhà mình giống đội quân mafia rồi”.

Nhất là vào bữa cơm, nhìn “đội quân” mắt kính trên bàn ăn, mắt đỏ ngầu, bé My mấy ngày đầu ngơ ngác, sau cứ đến bữa ăn là bé lại hồn nhiên thốt lên: “Cháu mời gia đình mafia ăn cơm”.


Cùng hoàn cảnh với gia đình chị Ngọc, gia đình anh Khang (Cầu Giấy, HN) cả tuần nay lâm vào hoàn cảnh khốn đốn vì dịch bệnh này. Bé nhà anh, vì bị nhiễm bệnh nên phải nghỉ học để tránh lây lan cho các bạn khác.

Con nghỉ học, hai vợ chồng thay phiên nhau đưa con đến chỗ làm. Khiến nhiều người trong cơ quan sợ lây nên không ai dám tiếp xúc với cháu bé. Ngay cả vợ chồng anh cũng bị liệt vào đối tượng “cần bị cách li”. Không ai đến quá gần, nói chuyện cũng quay đi chỗ khá.

Cả nhà "như mafia" chỉ vì dịch đau mắt đỏ.

Cẩn trọng không thừa

Các chuyên gia khuyến cáo khi thấy có dấu hiệu nóng rát mắt, đau, cảm giác cộm mắt, nhìn mờ, mi mắt sưng nhẹ, người dân nên đến bác sĩ chuyên khoa để khám và điều trị đúng cách, tuyệt đối không tự mua thuốc điều trị, nhằm tránh biến chứng.

Bệnh do virus nên có thể tự khỏi trong vòng 7-10 ngày, dù không điều trị, nhưng phải luôn giữ mắt sạch sẽ, không bị bụi bẩn, không dụi mắt, không xem tivi, đọc sách báo, chơi máy tính. Việc giữ vệ sinh quyết định tới 70% hiệu quả điều trị và nếu giữ gìn tốt, bệnh có thể khỏi trong vòng 3-4 ngày. Tuy nhiên, có khi phải mất từ 1 đến 3 tuần bệnh mới khỏi, nên bệnh nhân và các bậc cha mẹ không nên sốt ruột.

Theo các bác sĩ chuyên ngành, virus gây bệnh đau mắt đỏ lây qua đường tiếp xúc, nên người bị đau mắt nên nghỉ học, nghỉ làm, tránh tiếp xúc gần với mọi người và dùng riêng đồ dùng cá nhân, bát đũa ăn cơm. Nếu giữ vệ sinh không tốt, bệnh có thể biến chứng viêm giác mạc, để lại sẹo giác mạc, giảm thị lực dẫn đến mù lòa. Đã có bệnh nhân đau mắt đỏ không đến cơ sở y tế mà tự ý mua thuốc về nhỏ dài ngày, bị biến chứng thành thiên đầu thống.

Các loại thuốc chữa đau mắt đỏ hiệu quả như Clodexa, Nemydexa, Dexaclor, Polydexa... đều phải được sử dụng đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Vì có chất gây giảm miễn dịch mắt, nên nếu dùng liều cao, nhiều ngày có thể gây tăng nhãn áp, dẫn đến mù lòa.

Những người đã khỏi bệnh vẫn có thể tiếp tục mắc, vì tuýp virus gây bệnh miễn dịch chỉ khoảng hai tháng, nên có người mắc 2 lần trong một đợt dịch.

Trung bình mỗi ngày bệnh viện Mắt trung ương (Hà Nội) có khoảng 200 người đến khám bệnh đau mắt đỏ. Nhiều trường hợp cả gia đình đều bị lây bệnh. Thời điểm này là đỉnh của dịch, hiện số bệnh nhân đau mắt đỏ chiếm gần 20% tổng số bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh về mắt.

Bệnh hay xuất hiện vào mùa lũ lụt, độ ẩm cao, khí hậu thất thường, đến tháng 11 gió mùa lại hết. Đây là bệnh lành tính, có thể tự khỏi sau 7-10 ngày. Có trường hợp tự chữa không đúng cách, bệnh có thể kéo dài hơn. Có người bị 10 ngày đến khám mà mắt vẫn đỏ. Điều trị cũng phải mất từ 1 đến 3 tuần mới khỏi.

Theo Người Đưa Tin

Bạn có thể quan tâm