Chiều 31/8, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết tính từ đầu năm đến ngày 30/8, cả nước ghi nhận 108.925 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 26 trường hợp tử vong. Trong đó, số trường hợp nhập viện là 91.656 trường hợp. So với cùng kỳ năm 2016 (63.850/19) số mắc nhập viện tăng 43,5%, số tử vong tăng 7 trường hợp.
Trong tuần từ 21-27/8 cả nước ghi nhận 6.292 trường hợp mắc, không tử vong, so với tuần trước từ 14-20/8 (7.102) số ca mắc giảm 11,4%.
Theo các chuyên gia y tế việc phun thuốc diệt muỗi là một trong nhiều biện pháp giúp hạn chế dịch sốt xuất huyết. Ảnh: Nguyễn Vân. |
Trong 8 tháng đầu năm, Hà Nội ghi nhận 22.296 trường hợp mắc, 7 trường hợp tử vong. Đến thời điểm hiện nay, dịch đã có xu hướng chững lại và giảm, cụ thể, số mắc trong tuần từ ngày 21-27/8 (gần 3.000 trường hợp), giảm hơn so với tuần trước (hơn 3.500 trường hợp).
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: “Hà Nội hiện đã giảm xuống 18% ca mắc sốt xuất huyết, các bệnh viện đã giảm đến 40-50% bệnh nhân nhập viện, tình hình dịch đã có xu hướng đi xuống, nhưng chúng ta không thể chủ quan, lơ là”.
Hiện nay các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ như Nam Định, Thanh Hóa cũng xuất hiện dịch sốt xuất huyết. Do vậy, Bộ Y tế khuyến cáo các địa phương này phải có biện pháp phòng chống dịch như Hà Nội đang làm.
Ngoài sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng cũng đang bắt đầu vào mùa. Cả nước đã ghi nhận 54.737 trường hợp mắc tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 24.695 trường hợp nhập viện, không có người tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số bệnh nhân nhập viện tăng 5,5%, số mắc tăng ở 3 khu vực miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên, tăng nhiều nhất tại khu vực miền Nam. Bệnh cũng không có vắc xin, thuốc điều trị đặc hiệu.