Khoảng tháng 9/2023, anh C.X.D. (trú tại Tiểu khu Đèo Gió, thị trấn Vân Tùng, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn) có nhu cầu học bằng lái ôtô hạng FC.
Ma trận quảng cáo cấp/đổi giấy phép lái xe online
Trong quá trình tìm hiểu trên mạng xã hội Facebook, thấy tài khoản mang tên “Trần Việt Hoài” đăng tải nhiều nội dung hỗ trợ đăng ký thi giấy phép lái xe, đăng ký thi nâng hạng giấy phép lái xe hạng D, E, FC, nên anh D đã liên hệ và kết bạn qua theo hướng dẫn của chủ tài khoản Facebook này.
Sau một thời gian trao đổi thống nhất giữa hai bên về việc cam kết nhận hồ sơ học nâng hạng bằng lái FC của anh D với số tiền phải nộp là 15,5 triệu đồng. Sau khi anh D chuyển số tiền trên theo hướng dẫn của tài khoản Facebook “Trần Việt Hoài”, thì đối tượng đưa ra nhiều lý do không đúng với thoả thuận trước đó, đồng thời chặn mọi liên lạc với anh D. để chiếm đoạt số tiền trên.
Nghi bị lừa, anh D. đã trình báo cơ quan công an. Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bắc Kạn đã vào cuộc điều tra làm rõ. Qua đó xác định chủ tài khoản “Trần Việt Hoài” là đối tượng Lâm Thạnh Di (SN 1992) trú tại phường Núi Sam, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang.
Thực tế trong thời gian vừa qua, số lượng người dân đi làm thủ tục cấp, đổi giấy phép lái xe tăng đột biến đã dẫn đến một số địa điểm làm thủ tục quá tải, xếp hàng dài chờ đến lượt.
Đối tượng Lâm Thanh Di. |
Do đó, nhiều người đã tìm đến dịch vụ cấp, đổi giấy phép lái xe online với mong muốn tiết kiệm thời gian. Thực tế hiện nay không khó để tìm kiếm dịch vụ cấp, đổi bằng lái xe trên mạng. Mức phí cho dịch vụ này từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.
Thậm chí, có đối tượng còn quảng cáo, khách hàng không cần đến Sở Giao thông vận tải để chụp ảnh và bên dịch vụ sẽ tự lo giấy khám sức khỏe, giấy phép lái xe sẽ được gửi về tận nhà sau khi hoàn thiện. Khách hàng chỉ cần cung cấp cho phía làm dịch vụ bản sao một số giấy tờ cá nhân, căn cước công dân, ảnh thẻ.
Tuy nhiên, Cục An ninh thông tin, Bộ Thông tin truyền thông cho rằng nếu không cẩn trọng, việc thuê dịch vụ này có thể khiến người dân rơi vào bẫy lừa đảo. Quá trình làm rõ nhiều vụ án lừa đảo thông qua hình thức cấp/đổi giấy phép lái xe cho thấy phần lớn đối tượng quảng cáo dịch vụ cấp/đổi giấy phép lái xe đều không có địa chỉ thật, không có thông tin trong hệ thống đào tạo lái xe được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Bên cạnh việc có thể bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cục An toàn thông tin cũng cho biết việc cung cấp thông tin cá nhân với người lạ như các đối tượng đổi giấy phép lái xe online có thể khiến người dân gặp một số vấn đề như: bị đánh cắp và rao bán thông tin; bị quấy rầy bởi quảng cáo rác, thậm chí bị hack mất dữ liệu.
Để phòng ngừa các nguy cơ trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân đặc biệt là người có nhu cầu cấp, đổi bằng lái xe nên đến Bộ phận tiếp nhận hồ sơ của Sở Giao thông vận tải nơi đã cấp giấy phép lái xe để được hướng dẫn làm thủ tục hoặc có thể thực hiện đổi giấy phép lái xe trực tuyến toàn trình (mức độ 4) trên Cổng Dịch vụ Công Quốc gia.
Tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân thông qua bất kỳ hình thức nào để tránh bị đánh cắp dữ liệu, tiếp tay cho đối tượng thực hiện hành vi phạm tội. Khi có cuộc gọi lạ hoặc tiếp xúc với hội nhóm cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội, tuyệt đối không thực hiện giao dịch chuyển tiền khi chưa tìm hiểu và xác minh danh tính của đối tượng đó.
Nếu chẳng may trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, người dân cần bình tĩnh, khẩn trương liên hệ với cơ quan Công an gần nhất để làm các thủ tục trình báo.
Cảnh giác trước dịch vụ hỗ trợ làm visa giá rẻ
Thời gian gần đây, lợi dụng nhu cầu của người xuất khẩu lao động trong giải quyết các thủ tục pháp lý, tìm nhà ở, hỗ trợ việc làm, đặc biệt là làm “Visa giá rẻ”, nhiều đối tượng đã tận dụng thời cơ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn tinh vi.
Các đối tượng lừa đảo tạo lập website, tài khoản Facebook giả mạo các công ty xuất khẩu lao động uy tín, đăng tải hình ảnh đưa tiễn người lao động ở sân bay, đưa ra nhiều chương trình ưu đãi với chi phí “làm visa” chỉ bằng một nửa so với công ty chính ngạch khiến nhiều nạn nhân “sập bẫy” lừa đảo.
Với kinh nghiệm 7 năm sinh sống, làm việc tại Nhật Bản, Trần Thị Kim Gương (SN 1989, trú tại xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) đã lên các hội nhóm trên mạng xã hội về xuất khẩu lao động để tìm kiếm nạn nhân đưa vào bẫy “lừa” của mình.
Đánh vào tâm lý ham rẻ, muốn nhanh chóng, đơn giản thủ tục, đối tượng đã dẫn dụ, thường xuyên nhắn tin tương tác tạo uy tín về chất lượng dịch vụ hỗ trợ làm visa; thậm chí cho người lao động mượn tiền để làm thủ tục. Bằng thủ đoạn này, Gương đã chiếm đoạt 272 triệu đồng của một phụ nữ nguyên quán Krông Pa, Gia Lai, hiện lao động tại Nhật Bản.
Để tránh bị lừa đảo, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân đặc biệt là những người lao động có nhu cầu đi nước ngoài làm việc, cần hết sức tỉnh táo và cảnh giác trước hình thức lừa đảo trên.
Người dân khi có nhu cầu làm visa lao động cần tra cứu các doanh nghiệp dịch vụ được cấp giấy phép tại Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thông qua địa chỉ website.
Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân: CCCD, CMND, mã OTP, số thẻ ngân hàng cho bất kỳ ai hoặc trên bất kỳ trang web lạ nào.
Khi phát hiện ra dấu hiệu hoặc đã trở thành nạn nhân của những trường hợp lừa đảo, người dân cần nhanh chóng tố giác các hành vi lừa đảo đến các cơ quan có thẩm quyền để hạn chế rủi ro, thiệt hại, đồng thời bảo đảm quyền lợi hợp pháp của mình.
Độc giả của Znews có thể tìm đọc các cuốn sách tại Tủ sách pháp luật để tìm hiểu thêm về Luật tố cáo, Luật khiếu nại, Luật hình sự, Luật dân sự.