Nhiều "cổ cồn trắng" tìm đến spa để thư giãn vì áp lực công việc cuối năm. Ảnh: Andrea Piacquadio/Pexels. |
21h thứ sáu, Phương Anh (25 tuổi, quận 3, TP.HCM) vẫn ngồi ở phòng chờ tại một spa quen thuộc gần nhà để điều trị cơn đau cổ, vai, gáy. Cô đã đặt lịch từ trước, nhưng do không thể sắp xếp công việc để đến đúng giờ, Phương Anh buộc phải đợi đến khi khách hàng khác thực hiện xong liệu trình của họ.
“Tôi đã có một tuần rất bận rộn và mệt mỏi vì sắp báo cáo quý IV", Phương Anh chia sẻ với Zing.
Theo Statista, nhu cầu đến spa để làm đẹp, giảm áp lực ngày càng tăng đối với người trẻ. Vào cuối năm 2020, thị trường spa toàn cầu đạt tổng giá trị 106 tỷ USD. Trong đó, thị trường chăm sóc sức khỏe và chăm sóc sắc đẹp đang tăng trưởng nhanh chóng trên toàn thế giới. Phân khúc lớn nhất của thị trường là chăm sóc cá nhân (personal care).
Chi tiền massage, gội đầu thư giãn
Cách đây 2 tháng, Phương Anh đăng ký một liệu trình 10 buổi tại spa nằm trên đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Đây là đoạn đường thuận tiện mà nữ nhân viên văn phòng di chuyển từ công ty về nhà.
Do tính chất công việc, cộng với tư thế ngồi máy tính sai khiến tình trạng đau cổ, vai, gáy của cô trở nên trầm trọng hơn trong nhiều tháng qua.
Chia sẻ với Zing, Phương Anh cho biết mình vốn không định bỏ ra quá nhiều tiền cho việc massage, thư giãn, chăm sóc sức khỏe vào thời điểm này vì còn nhiều thứ phải chi tiêu. Tuy nhiên, những cơn đau đến mức không ngủ được khiến Phương Anh quyết định chi trả hơn 8 triệu đồng để được thư giãn.
“Tôi mất ngủ triền miên, phải sử dụng đỡ bình chườm nóng đặt phía dưới cổ. Sáng nào thức dậy, tôi cũng thấy cơ thể uể oải, thiếu sức sống", Phương Anh nói.
Từ khi chi số tiền lớn để chăm sóc sức khỏe, cô cố duy trì và đến spa thực hiện theo liệu trình để có kết quả tốt nhất. Phương Anh hy vọng khi sức khỏe cải thiện, cơ thể thoải mái sẽ giúp cô làm việc tốt hơn, hoàn thành kịp những hạng mục đã đề ra trước cuối năm.
Phương Anh lựa chọn mua gói liệu trình 10 buổi để cải thiện tình trạng đau vai, gáy. |
Trong khi đó, Khương Vũ (30 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội), chuyên viên IT tại một tập đoàn lớn cũng gặp nhiều vấn đề về sức khỏe do đặc thù công việc. Gắn bó với ngành công nghệ thông tin đã 7 năm, ngày nào anh cũng phải dành trung bình 10-12 tiếng/ngày chỉ để ngồi trước màn hình máy tính.
Đầu năm, Khương Vũ đặt mục tiêu mua một căn hộ chung cư, do đó cả năm qua, anh buộc phải nhận thêm các dự án bên ngoài để kiếm thêm thu nhập. Công việc đặc biệt bận rộn, dự án dồn dập vào mùa cao điểm khiến Vũ quan ngại về vấn đề sức khỏe bản thân.
Nam nhân viên văn phòng đã chấp nhận chi trả 4 triệu đồng cho một chiếc ghế công thái học để cải thiện vấn đề cột sống. Tuy nhiên, Vũ vẫn thường xuyên đau mỏi vùng cổ, vai, gáy.
Khương Vũ đánh giá đây là vấn đề chung của nhân viên văn phòng, đặc biệt là dân IT. Nhiều đồng nghiệp của anh cũng thường xuyên than vãn về việc đau nhức xương khớp, tê mỏi phần cổ đến bắp tay.
Tuy nhiên, vấn đề chưa dừng lại ở đó. Khi thực hiện thăm khám tổng quát, Vũ được bác sĩ chẩn đoán về nguy cơ mắc bệnh tiền đình sớm. Anh được chỉ định uống thuốc hoạt huyết và tiêm bổ não theo kê đơn của bác sĩ, đồng thời nên sử dụng thêm phương pháp gội đầu dưỡng sinh để hỗ trợ điều trị.
Chia sẻ với Zing, Vũ cho biết trước đây anh chưa từng thực hiện liệu trình gội đầu dưỡng sinh chuyên sâu. Do đó, anh từng hoài nghi về hiệu quả mà phương pháp này đem lại.
Để quá trình hỗ trợ điều trị bệnh phát huy tác dụng, Khương Vũ phải thường xuyên ghé spa thực hiện liệu trình với mức giá 2 triệu đồng/buổi. Đây là số tiền tương đối lớn so với thu nhập của anh.
“Tôi quyết định mua gói trị liệu có giá 60 triệu đồng/năm. Mặc dù phải chi trả số tiền lớn ngay lập tức, tôi vẫn tiết kiệm được một khoản đáng kể”, Vũ chia sẻ.
Anh cho rằng đây là thời điểm bận rộn nhất trong năm của dân “cổ cồn trắng". Vì thế, đi massage, gội đầu giải tỏa căng thẳng trở thành nhu cầu chung.
Spa dồn lực phục vụ khách văn phòng
Tìm đến một cửa tiệm massage gần trụ sở các văn phòng tại quận Ba Đình, Hà Nội vào khoảng 17h, chúng tôi được Phương Nguyễn, quản lý chuỗi cơ sở chăm sóc sức khỏe, cho biết hiện tại đã nhận kín khách, không còn nhân viên nào trống lịch.
Chia sẻ với Zing, Phương Nguyễn ước tính dân văn phòng chiếm đến 70% tổng số lượng khách hàng đến sử dụng dịch vụ vào cao điểm cuối năm, cận Tết. Khách công sở đến với các spa do Phương quản lý thường có độ tuổi từ 25-35, chủ yếu làm việc ở gần các các cơ sở massage, quanh khu vực quận Ba Đình, Đống Đa.
“Do đặc thù công việc, khách hàng văn phòng thường có các vấn đề sức khỏe như đau mỏi vai gáy, nhức đầu, áp lực vùng đầu dẫn đến rụng tóc. Đặc biệt, giai đoạn cuối năm, do căng thẳng, tình trạng của họ trở nên nghiêm trọng hơn.
Để giải quyết dứt điểm, họ phải thực hiện liệu trình 15-30 buổi trị liệu. Đó là lý do khách công sở thường quay lại spa với tần suất cao", Phương Nguyễn cho biết.
Theo phóng viên quan sát, mỗi cơ sở spa này có thể phục vụ 10-12 khách một lúc trong giờ cao điểm. Tuy nhiên, với những khách vãng lai không đặt lịch trước, họ sẽ khó được phục vụ vào các khung giờ 12h-14h hoặc 17h-20h.
Tuy vậy, do công việc bận rộn khiến phần lớn khách hàng chỉ có thể đến spa 1-2 lần/tháng. Đối với các trường hợp khách thực hiện liệu trình chuyên sâu để hỗ trợ điều trị bệnh lý, Phương Nguyễn buộc phải yêu cầu họ tuân thủ lịch hẹn.
Vào các khung giờ 10h-11h, 15h-16h, các kỹ thuật viên tại spa mới có thời gian nghỉ ngơi vì vắng khách hơn. |
“Các spa do tôi quản lý có mức giá thành thuộc phân khúc cao. Vì thế, khách văn phòng đến với chúng tôi thường có thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng", cô nói.
Để tiết kiệm, một số khách công sở quyết định mua gói gia đình có giá khoảng 50-60 triệu đồng với thời hạn sử dụng một năm.
Tình trạng đông đúc này cũng dễ được nhận thấy khi tìm đến một tiệm spa ở trung tâm quận Phú Nhuận, TP.HCM. Vào khung giờ cao điểm, bảo vệ trông coi xe cũng hoạt động hết công suất khi khách hàng ra vào nườm nượp tại cơ sở chăm sóc sức khỏe này.
Theo chị Nguyễn Thị Lụa, chủ chuỗi cơ sở spa, massage, cho biết thời điểm tháng 12, tháng 1 là cao điểm của ngành dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Thậm chí, thay vì chỉ duy trì kỹ thuật viên từ 6-8 người cho một cửa hàng, chị Lụa buộc phải tuyển dụng thêm và đào tạo cấp tốc vào cuối năm để có 10-12 nhân viên làm việc tại một chi nhánh.
Chia sẻ với Zing, chị Lụa cho biết theo quan sát của mình, khách hàng của spa chủ yếu là nhân viên văn phòng. Do đó, lịch chăm sóc sức khỏe của họ cũng có đặc thù riêng.
“Khách hàng chủ yếu đến spa vào tầm 17h-21h tối và đặc biệt đông vào ngày cuối tuần. Nếu không xếp lịch trước, chúng tôi khó có thể phục vụ được chu đáo. Không ít lần tôi đã phải từ chối khách hàng vì các cơ sở đều quá tải", chị Lụa cho biết thêm.
Chủ cơ sở spa thừa nhận cao điểm cuối năm cũng khiến rất nhiều quản lý đau đầu trong cách giữ chân khách hàng.
"Nếu chỉ chạy theo số lượng, không chú trọng đến chất lượng sẽ rất dễ mất khách, ảnh hưởng đến toàn bộ các chi nhánh khác của spa. Do đó, chúng tôi thống nhất chỉ nhận khách trong khả năng cho phép để đảm bảo họ có đủ không gian thư giãn, riêng tư", chị nói thêm.
Theo phóng viên quan sát, để tối ưu trải nghiệm của khách hàng, không gian, màu sắc, mùi hương của spa cũng được các quản lý chú ý, chăm chút mặc dù lượng khách hối hả ra vào. Mùi sả, chanh phảng phất, âm nhạc nhẹ nhàng, trà gừng nóng... là những lý do giúp hàng dài khách hàng vẫn thoải mái ngồi đợi đến lượt trị liệu của mình.
Không chỉ đáp ứng lượng khách hàng đông đảo đến trực tiếp spa, chị Lụa cho biết cơ sở kinh doanh của mình còn nhận được những hợp đồng của các doanh nghiệp để mua gói trị liệu dành cho nhân viên tại văn phòng vào cuối năm.
Một số doanh nghiệp đăng ký những gói massage tại công ty để giúp nhân viên thư giãn, phục hồi thể lực. |
Theo lời chị, kỹ thuật viên tại spa sẽ đến tận văn phòng, thực hiện các kỹ thuật điều trị đau mỏi vai, gáy, cột sống cho nhân viên trong khoảng 15-30 phút, tùy theo gói của các doanh nghiệp đăng ký.
“Điều này giúp nhân viên của công ty không phải di chuyển, tốn kém thời gian, vẫn đảm bảo chất lượng và tiến độ công việc", chị nhận xét.
Lifestyle gửi đến độc giả gợi ý về sách hay, phong cách đọc hiện đại của giới trẻ, đặc biệt là Gen Z. Ngoài ra, những người mê đọc sách cũng có thể khám phá thêm góc nhìn của các gương mặt trẻ nổi bật về lựa chọn đọc sách.