Ưa nhìn, hài hước và siêng năng, Chen Gang (32 tuổi) là mẫu con rể lý tưởng trong mắt nhiều ông bố, bà mẹ Trung Quốc. Anh chàng lễ phép với người lớn tuổi, biết cách trò chuyện trong các bữa cơm, tiệc gia đình và luôn sẵn sàng giúp đỡ việc nhà cho bạn gái.
Tuy nhiên, tất cả biểu hiện hoàn hảo này chỉ là một phần công việc của Chen. Sinh sống tại thành phố Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc), Chen hiện là một người bạn trai, chú rể "hờ". Nhiều cô gái thuê anh đóng giả người yêu, thậm chí là chồng để ra mắt cha mẹ họ.
Không chỉ Chen, ngày càng có nhiều thanh niên Trung Quốc, cả nam lẫn nữ, kiếm sống bằng công việc này trong những năm gần đây, đặc biệt vào dịp lễ Tết. Ngoài Trung Quốc, dịch vụ cho thuê người yêu hiện có mặt tại Malaysia, Thái Lan...
Giới trẻ tại nhiều nước có xu hướng kết hôn muộn hơn. Ảnh: Reuters. |
Giới trẻ không mặn mà với hôn nhân
Với nhiều bậc cha mẹ tại Trung Quốc, "trai khôn dựng vợ, gái lớn gả chồng" chính là quy luật tất yếu của cuộc sống. Con cái ngoài 30 tuổi nhưng chưa chịu kết hôn, vẫn một mình về quê ăn Tết, được xem như bất hiếu, là nỗi xấu hổ của gia đình với hàng xóm, họ hàng.
Chính tư tưởng này khiến vấn đề kết hôn trở thành gánh nặng, áp lực đối với người trẻ Trung Quốc. Đặc biệt, sau thời gian dài áp dụng chính sách một con, những đứa con một, đứa cháu đích tôn không có nhiều anh chị em để san sẻ gánh nặng này. Cha mẹ càng thêm kỳ vọng và đặt nặng chuyện lập gia đình của con cái.
Nhiều người trẻ tại Trung Quốc không mặn mà với việc lập gia đình, sinh con. Ảnh: AP. |
Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, giới trẻ có quan điểm đối lập khi không còn coi chuyện lấy vợ, gả chồng là dấu mốc phải có hay thành tựu trong cuộc sống.
Sau nhiều thập kỷ gia tăng đăng ký kết hôn trên cả nước, lượng đăng ký kết hôn ở Trung Quốc năm 2015 giảm 6,3% so với năm 2014 và năm 2014 giảm 9,1% so với 2013. Tuổi kết hôn trung bình cũng tăng khoảng 1,5 tuổi trong 10 năm đầu của thế kỷ 21.
Việc trì hoãn kết hôn ở Trung Quốc là một phần của xu hướng toàn cầu. Giới trẻ Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng không mặn mà với chuyện hẹn hò, lập gia đình những năm gần đây.
Sự đối lập trong quan điểm về hôn nhân giữa cha mẹ và con cái tạo ra nhiều cuộc tranh luận trong một nền văn hóa đề cao các giá trị gia đình nhưng lại chính là mảnh đất sinh lời của dịch vụ cho thuê người yêu ngày càng phổ biến tại châu Á.
Áp lực từ gia đình về chuyện kết hôn khiến nhiều người mệt mỏi mỗi dịp về quê. Ảnh: Reuters. |
Thuê người yêu hờ, vợ/chồng hờ ra mắt dịp Tết
Bắt đầu sắm vai "bạn trai hờ" vào năm 2010, Chen dần phát hiện ra món hời lớn hơn từ những cuộc hôn nhân giả. Anh lần đầu kết hôn vào năm 2014 sau lời đề nghị của một phụ nữ trẻ ở Sơn Đông, Trung Quốc.
"Tôi đã có khoảng 1.500 nhân dân tệ (hơn 5 triệu đồng) mỗi ngày cho các nghi lễ, thủ tục và kiếm được hơn 15.000 nhân dân tệ (hơn 50 triệu đồng) sau một đám cưới", Chen nói với tờ South China Morning Post.
Anh chàng 8X đã kết hôn và ly dị ba lần. Mỗi đám cưới giả đều được Chen cùng khách hàng của anh chuẩn bị rất cẩn thận để đảm bảo không ai bên nhà gái nghi ngờ. Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2 năm trước, Chen thậm chí còn tự thuê bạn gái cho chính mình để làm hài lòng cha mẹ ở quê, vẫn luôn cằn nhằn anh về việc kết hôn.
"Trước đó, cha tôi từng không muốn nói chuyện với tôi. Tuy nhiên, sau khi đưa cô gái đó về nhà, tôi thấy nụ cười trên khuôn mặt nhăn nhó của ông. Cha cũng bắt đầu nói chuyện lại với tôi", Chen kể.
Nam giới Trung Quốc được cho là chịu nhiều áp lực hơn do tình trạng thừa nam thiếu nữ ở độ tuổi kết hôn. Ảnh: Getty. |
Theo Sina, trước dịp Tết Nguyên đán một tháng, chưa tính đến chuyện cưới xin, những người độc thân tại Trung Quốc bắt đầu lo lắng về việc không có người yêu đưa về quê ra mắt. Họ tìm tới các dịch vụ cho thuê "gấu" trên mạng xã hội như giải pháp tạm thời để tránh bị cha mẹ hối thúc.
Giá để có "người yêu hờ" về ra mắt cha mẹ là 500-2.000 nhân dân tệ/đêm (khoảng 1,7-6,9 triệu đồng), nhưng thường đắt hơn vào mỗi dịp lễ Tết hay ở các thành phố lớn và có thể lên đến 6.000 nhân dân tệ/đêm (hơn 20 triệu đồng). Người dùng được lựa chọn dịch vụ và giao dịch với đối tượng thông qua các mạng xã hội, trang web.
Trên ứng dụng Wechat còn có riêng một nhóm cho thuê "gấu" với danh sách dài các ứng viên bao gồm hình ảnh và thông tin cơ bản.
Một số nơi còn cung cấp nhiều dịch vụ khác ngoài đóng giả người yêu như định kỳ gọi điện thăm hỏi các bậc phụ huynh, hỗ trợ công việc nhà… Tất cả đều cần trả thêm tiền.
Người trẻ Trung Quốc từ các thành phố lớn trở về quê mỗi dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Xian. |
Rủi ro cho cả đôi bên
Một số giao dịch thường được thực hiện trực tuyến, không có bên thứ 3 giám sát nên đôi lúc gây rắc rối cho cả bên thuê và bên được thuê.
Tin vào những quảng cáo trên mạng, một kỹ sư máy tính 30 tuổi tại Trung Quốc đã phải mất tiền. Vì cha mẹ là người rất kỹ tính, anh chàng đưa ra khá nhiều yêu cầu với "bạn gái hờ" khi quyết định thuê người yêu ra mắt dịp Tết.
Sau khi trả 100 nhân dân tệ (khoảng 350.000 đồng) để được trò chuyện với cô gái, anh rất hài lòng và muốn gặp mặt. Lúc này, cô gái đề nghị anh trả thêm 200 nhân dân tệ (khoảng 700.000 đồng) vì phải di chuyển khá xa, chàng kỹ sư đã đồng ý.
Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, cô gái không muốn đóng giả bạn gái và về quê ra mắt gia đình cùng chàng trai nữa. Liên lạc với trung tâm cung cấp dịch vụ sau đó, nam kỹ sư chỉ được hoàn lại 100 nhân dân tệ.
Dịch vụ cho thuê người yêu về ra mắt cha mẹ dịp lễ Tết đang ngày càng phổ biến ở nhiều nước châu Á. Ảnh: Reuters. |
Không chỉ mất tiền, một cô gái 20 tuổi tại Quý Châu (Trung Quốc) còn từng suýt bị cưỡng hiếp sau khi nhận lời đóng giả bạn gái cho một người đàn ông quen trên mạng với giá 500 nhân dân tệ (khoảng 1,7 triệu đồng).
"Tôi không nghĩ nhiều mà đồng ý vì đang cần tiền. Hơn nữa, người đàn ông đó nói chỉ về gặp mặt cha mẹ, công việc rất nhẹ nhàng", nữ sinh cho biết.
Trên đường đi, cô gái bị đối tượng thuê mình tịch thu điện thoại, có ý định giở trò đồi bại. Rất may trước khi đi, 9X đã nói chuyện với bạn thân của mình và thỏa thuận nếu mất liên lạc với cô, sẽ báo cảnh sát.
Nữ sinh sau đó đã được cảnh sát giải thoát. Được biết, đối tượng thuê cô từng có tiền án cưỡng hiếp phụ nữ.