Lo lắng
Hà Linh, học sinh lớp 12 THPT Lê Xoay (Vĩnh Phúc) chia sẻ, năm nay, em thi xét tuyển đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) khối A và D. Điểm số của Linh là 23 điểm khối D và 24 điểm khối A. Em có nguyện vọng muốn nộp hồ sơ vào ĐH Ngoại thương Hà Nội.
Tuy nhiên, Hà Linh vẫn rất lo lắng vì điểm đầu vào ĐH Ngoại thương Hà Nội dự báo sẽ nhỉnh hơn năm 2014. “Điều em lo hơn cả là việc các trường có thường xuyên cập nhật dữ liệu 3 ngày/1 số hồ sơ nộp vào, rút ra để thí sinh theo dõi hay không. Hơn nữa, nếu những ngày cuối lượng hồ sơ bất ngờ đổ dồn về trường thì khả năng trượt nguyện vọng 1 của em là hiển hiện” – Linh tâm sự.
Thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia 2015. Ảnh: VietNamNet. |
Cũng chính vì việc được rút ra, nộp vào như vậy nên trong kỳ thi vào ĐHQG Hà Nội hồi cuối tháng 5 vừa qua, Hà Linh đã trượt vào ĐH Kinh tế thuộc ĐHQG Hà Nội.
Tổng điểm bài thi năng lực của Linh được 100 điểm. Ban đầu em tính toán và tin tưởng khả năng đỗ của mình rất cao. Nhưng đến gần ngày cuối cùng, lượng hồ sơ chuyển vào tăng đột biến khiến điểm trúng tuyển lên 101.
Khi này Linh mới vội vã nhờ người thân xuống Hà Nội rút hồ sơ chuyển sang ngành Đông Phương học thuộc Trường ĐH Khoa học Xã hội&Nhân văn. Tuy đỗ nhưng Linh cho biết mình không theo học ngành này vì không yêu thích.
Nhà không có mạng Internet nên những ngày này Linh cho biết mình phải thường xuyên ra ngoài quán để cập nhật dữ liệu của trường mình yêu thích. Linh chia sẻ: “Em lên các trạng mạng, đọc bình luận của mọi người về điểm số để xem mức độ cao thấp ra sao.
Nếu cảm thấy không chắc chắn đỗ vào Trường ĐH Ngoại thương, Linh sẽ chuyển hướng sang Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội hoặc Trường ĐH Thương mại.
Gia đình, nhà trường vào cuộc
Trong khi đó, Hoàng Nam quê ở Thanh Oai, Hà Nội cho biết số điểm thi của em là 21 điểm (ở khối A)
Thay vì vui mừng yên tâm em lại tỏ ra lo lắng. “Ở lớp em, số bạn được ngang bằng hoặc nhỉnh hơn một chút khá nhiều. Vì thế cuộc cạnh tranh cực kỳ khốc liệt” – Hoàng Nam chia sẻ.
Những ngày này, cả gia đình của Nam đứng ngồi không yên vì điểm số của em. Anh trai Hoàng Nam hiện làm việc ở trung tâm thủ đô sẽ lo việc rút, nộp hồ sơ cho em. Bố mẹ em là giáo viên THPT lo nghe ngóng tin tức từ các học sinh và theo dõi điểm trên mạng cho em.
Trong khi đó, Hà Linh cho biết ở trường em những bạn không có điều kiện theo dõi Internet được thầy cô thường xuyên cập nhật thông tin đăng ký, nộp hồ sơ thông qua hệ thống sổ liên lạc điện tử và điện thoại.
Hà Linh cũng phải huy động các anh chị em hiện đang học tập, làm việc ở Hà Nội thường xuyên theo dõi tình hình qua mạng và lo rút, nộp hồ sơ cho em.
Chị Thu Lan, có con học THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho biết con chị thi khối D được 20,5 điểm. Số điểm quá bấp bênh nên những ngày này chị và con thường xuyên phải ôm máy tính để cập nhật thông tin điểm số và lượng hồ sơ nộp vào các trường.
Chị cũng dự kiến sẽ phải tranh thủ thời gian để nghỉ làm, đi rút và nộp hồ sơ cho con trong những ngày tháng 8 tới.
Trong khi đó hiện nay nhiều thí sinh đang cuống cuồng đi nộp hồ sơ phúc khảo vì điểm thi thấp hơn thực tế bài làm.
Thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia 2015. Ảnh: VietNamNet. |
Một thí sinh dự định xét tuyển vào trường ĐH tốp đầu của Hà Nội và dự thi tại cụm thi ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ: “Em tính phần thi trắc nghiệm của môn Tiếng Anh đạt 6,75 điểm và em cũng viết rất tốt phần luận. Tuy nhiên tra cứu kết quả thì chỉ được 6,75 điểm, như vậy em hoàn toàn không có điểm phần luận. Chắc chắn em sẽ làm đơn xin phúc khảo vì việc em không được điểm nào phần luận là quá vô lý".
Một cán bộ làm công tác tuyển sinh lâu năm cho biết: Đối với môn thi Ngoại ngữ thì có hai phách. Một phách ở phần trắc nghiệm và một phách ở phần viết luận.
Nếu trong quá trình đỗ dữ liệu vội vàng và không để ý thì có thể dẫn đến việc quên đưa điểm phần tự luận vào và dĩ nhiên thí sinh sẽ không có điểm phần này. Chính vì thế, Bộ GD-ĐT cần rà soát lại dữ liệu môn Ngoại ngữ để kiểm tra quy trình thực hiện đã chính xác hay chưa?
Hết sức thận trọng
Theo lời khuyên của nhiều giáo viên, trước khi nộp đơn, phụ huynh và học sinh nên tìm hiểu kỹ về thông tin các ngành, các trường đã định hướng từ trước. Nếu cảm thấy có mức điểm hợp lý thì nộp đơn xét NV1.
Việc theo dõi các thông tin về điểm thi, tuyển sinh cũng cần sát sao vì đây là kỳ thi có cách thức xét tuyển khác mọi năm.
Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT - cho rằng, các trường ĐH, đặc biệt là nhiều trường tốp giữa có nguồn tuyển dồi dào thì sẽ càng dễ chọn thí sinh hơn, trường tốp cao thì càng dễ hơn.
Từ trước đến này, quy luật chung là ngành nào điểm đầu vào cao thì vẫn cao (tầm từ 23 đến 24 điểm), điểm mức khá là từ 19 đến 22 điểm và thấp hơn từ 15 đến 17 điểm.
Quy chiếu với mức điểm chuẩn năm ngoái, nếu em nào có mức điểm vượt hẳn trên 2 điểm so với điểm hằng năm thì hoàn toàn yên tâm nộp đơn vào.
Theo ông Nghĩa, thí sinh nên tham khảo điểm chuẩn năm ngoái và cần chú ý thêm lượng đầu vào của từng ngành để cân đối nguyện vọng một cách hợp lý.
Học sinh phải tham khảo phổ điểm mà bộ vừa công bố để biết được có bao nhiêu người bằng hoặc thấp hơn, cao hơn điểm của mình để lựa chọn trường xét tuyển cho phù hợp.