Ngô Thị Ngọc Thương (lớp 8, trường Nuôi dạy Trẻ em khuyết tật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là cô bé hay cười, hoạt ngôn và dường như không gặp rào cản khi giao tiếp. Tuy nhiên từ nhỏ, Ngọc Thương đã tập sống trong thế giới thiếu ánh sáng. Khi muốn nhìn một vật rõ hơn, em phải nhìn rất gần. Thậm chí trong quá trình học, em phải dùng điện thoại để chụp nội dung trên bảng, sau đó phóng to ảnh để đọc.
Khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt lẫn học tập, song Thương vẫn cho thấy khát vọng sáng ngời với mong muốn trở thành một người có ích và tích cực.
"Dù làm nghề gì, em cũng muốn trở thành người có ích"
Tưởng chừng khả năng thị giác hạn chế gây nhiều bất tiện, Ngọc Thương vẫn lạc quan và trở thành một trong những học sinh tiêu biểu của trường nuôi dạy trẻ em khuyết tật tại địa phương. “Em ước mơ trở thành một chuyên viên dưỡng sinh và có khả năng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn mình”, Thương tâm sự.
Ngọc Thương là cô bé hồn nhiên, ước mơ trở thành chuyên viên dưỡng sinh. |
Tương tự Ngọc Thương, Nguyễn Anh Duy (lớp 9, trường Nuôi dạy Trẻ em khuyết tật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng có xuất phát điểm kém may mắn hơn bạn bè đồng trang lứa với đôi tai không nghe được.
Là trẻ khiếm thính, Anh Duy vướng phải những trở ngại nhất định trong việc tiếp nhận thông tin. Dù vậy, em vẫn thường xuyên cập nhật tin tức về thế giới xung quanh và đi đầu trong các hoạt động vì môi trường như chăm sóc cây xanh, sáng tạo mô hình từ những vật liệu tái chế do trường tổ chức. Những hoạt động này đã truyền cảm hứng cho Duy ước mong trở thành một người có thể đóng góp những sản phẩm thân thiện với môi trường. Đồng thời, em cũng phấn đấu là một công dân có ích với năng lượng tích cực luôn thường trực trong mình.
Vượt qua mọi giới hạn, Duy tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ và bảo vệ môi trường. |
Mỗi năm, vào dịp khai giảng hoặc Tết thiếu nhi do nhà trường cùng Tập đoàn SCG tổ chức, Thương và Duy được trải nghiệm các hoạt động lồng ghép nội dung giáo dục thiết thực như bảo vệ môi trường, rèn luyện bản lĩnh sống…
Cả hai đặc biệt thích nghe chia sẻ từ những diễn giả trong cộng đồng khuyết tật. Đối với các em, đây là những “siêu anh hùng”. Bởi các anh chị gặp bất lợi về thể chất, hoàn cảnh, nhưng không ngừng nỗ lực mở cánh cửa bước ra thế giới tươi đẹp. Những diễn giả ấy đã trở thành hình mẫu cho các bạn trẻ như Thương và Duy. Để từ đây, bên cạnh hoài bão của mình, các em cũng ấp ủ bản thân có thể tự tin lan tỏa tinh thần và truyền đi khát vọng sống như thế.
"Tôi đang trên hành trình dệt ước mơ của mình"
Lê Quốc Hưng (29 tuổi, thợ dệt thủ công tại Limloop) từng tự ti vì những hạn chế của bản thân khi không thể nghe và nói bình thường. Đứng trước ngưỡng cửa chọn ngành nghề, anh đã băn khoăn về mong muốn lẫn năng lực của mình: “Làm sao để làm một công việc vừa sức nhưng vẫn đảm bảo được phát huy khả năng?”.
Quốc Hưng (áo đen) với niềm đam mê sáng tạo thời trang bền vững làm từ nilon. |
Sau khi có cơ duyên làm việc tại một doanh nghiệp, Hưng đã có bước chuyển mình từ một anh chàng thiếu tự tin trở thành thợ dệt túi lành nghề. Với vai trò này, Hưng được chấp nhận, tin tưởng và thỏa sức phát triển năng lực. Anh được ví như một “anh hùng dệt may" vì khả năng tỉ mỉ, sáng tạo và luôn giúp đỡ các đồng nghiệp.
Không dừng ở đó, Hưng vẫn mong muốn được tiếp tục học hỏi và phát triển những mảng khác như truyền thông số để trở nên đa nhiệm hơn. Anh cho rằng bản thân đặc biệt vì đã vượt qua mặc cảm và biến những điều không thể thành có thể. “Hy vọng các bạn sẽ luôn có niềm tin giống tôi. Tôi làm được và tôi mong rằng các bạn cũng thế", Hưng nói.
Sự đồng điệu của những khát vọng không lời
Nhân dịp Quốc tế thiếu nhi 2023, Hưng được tham gia chiến dịch “Em và ước mơ xanh” - sáng kiến của Tập đoàn SCG kết hợp doanh nghiệp xã hội Limloop, nơi anh đang công tác. Thông qua các hoạt động trong khuôn khổ chiến dịch, anh được gặp gỡ Ngọc Thương và Anh Duy.
Tại buổi chia sẻ “Khát vọng không lời", Quốc Hưng cùng các diễn giả khác như anh Võ Quốc Thắng (nhân viên của hãng thời trang TokyoLife) và CEO trẻ Thành Nguyễn (ông chủ của một salon tóc kiêm đào tạo nghề tạo mẫu tóc dành cho người khiếm thính) đã truyền cảm hứng qua hành trình vươn lên của mình.
Buổi chia sẻ “Khát vọng không lời" mang lại điểm chạm tâm hồn cho người tham gia. |
Nếu Hưng cất lên tiếng nói về những khát vọng sâu thẳm, Thắng chia sẻ câu chuyện gần gũi về hành trình hòa nhập cuộc sống của một học sinh chuyên biệt, thì Thành lại thể hiện tinh thần “sống là để cho đi” thông qua việc tạo điều kiện cho thế hệ sau cùng vun đắp sự nghiệp.
Xuyên suốt buổi trò chuyện với các em, Hưng nhìn thấy mình ngày trước, cũng hồn nhiên và mang những trăn trở rất học trò. Sự đồng điệu này đã giúp Hưng vững tin hơn về con đường đang đi. Ở phía Ngọc Thương và Anh Duy, các em có cơ hội tỏ bày tiếng lòng, đồng thời được khích lệ để không từ bỏ những khát khao. Không cần quá ồn ào, người tham gia chương trình đã kết nối với nhau bằng toàn bộ sự thấu cảm đến từ tâm hồn.
Ngoài ra, chương trình còn mở ra cơ hội trải nghiệm thực tế cho những học sinh như Thương và Duy qua một ngày làm việc tại Limloop. Hưng đã trực tiếp hướng dẫn các em quy trình sản xuất đồ tái chế, hiểu công việc của một thợ dệt bền vững.
Sau một ngày học hỏi tại Limloop, Anh Duy bộc bạch: “Việc tham gia làm các sản phẩm thân thiện với môi trường khiến em hạnh phúc vì được góp sức để tạo ra giá trị tốt đẹp cho xã hội. Hơn nữa, nhờ chương trình, em có thêm động lực để mạnh dạn theo đuổi công việc yêu thích”.
“Em và ước mơ xanh" là cầu nối để cả Hưng, Duy và Thương truyền cho nhau sức mạnh, trở thành “anh hùng” trong thế giới của chính mình. Chương trình là nỗ lực của Tập đoàn SCG và doanh nghiệp xã hội Limloop trong việc giảm bất bình đẳng cho những người yếu thế, giúp họ có thêm niềm vui, khơi mở góc nhìn để tự tin hòa nhập xã hội.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục và mang đến những cơ hội thiết thực cho học sinh, SCG đã đồng hành cùng trường Nuôi dạy Trẻ khuyết tật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 14 năm qua. Trong cột mốc lần thứ 14 này, tập đoàn tiếp tục trao tặng hàng trăm phần quà cũng như trang thiết bị mới cho trường học, tạo điều kiện để các em được học tập và phát triển ở không gian xanh, hiện đại.