Theo công bố của Hội đồng tuyển sinh ĐH Ngân hàng TP.HCM, với phương thức xét điểm thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TP.HCM, điểm trúng tuyển các ngành dao động 790-875 điểm (trung bình tăng khoảng 100 điểm so với năm trước). Cao nhất là ngành Kinh tế quốc tế với 875 điểm.
Thí sinh tham gia các phương thức xét tuyển bằng học bạ, đánh giá năng lực tăng cao so với năm 2020. |
Theo ông Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu ĐH Ngân hàng TP.HCM, với phương thức ưu tiên xét tuyển và xét học bạ, trường chỉ tuyển 435 chỉ tiêu, nhưng có hơn 3.500 thí sinh đăng ký với gần 5.000 nguyện vọng.
Phương thức xét điểm thi ĐGNL do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức nhận được hơn 3.200 nguyện vọng, trong khi chỉ tiêu tuyển 350.
“Riêng phương thức ưu tiên xét tuyển và xét học bạ, trường ưu tiên xét trước thí sinh theo thứ tự học sinh đoạt giải cấp tỉnh trở lên, có chứng chỉ IELTS và học sinh trường chuyên, năng khiếu. Sau đó, trường mới xét nhóm thí sinh chỉ dựa vào điểm học bạ THPT, do vậy nhóm thí sinh này có sự cạnh tranh lớn, điểm chuẩn khá cao với mức 25,5 tất cả ngành”, ông Vũ nói.
So với năm 2020, điểm chuẩn trúng tuyển học bạ đợt 1 năm 2021 của ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng tăng nhẹ, dao động 18-24 điểm.
ĐH Mở TP.HCM cũng có điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức ưu tiên xét tuyển học sinh giỏi, ưu tiên xét tuyển chứng chỉ ngoại ngữ và xét tuyển kết quả học tập 3 năm THPT (học bạ) tăng so với năm trước, dao động 18-26,25 điểm, trong đó ngành Ngôn ngữ Trung Quốc có điểm trúng tuyển cao nhất là 26,25 điểm.
Theo GS.TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng nhà trường, điểm trúng tuyển phương thức xét học bạ năm nay nhỉnh hơn 1-2 điểm so với năm ngoái.
Trong khi đó, điểm chuẩn các phương thức tuyển sinh riêng của ĐH Kinh tế TP.HCM năm nay tăng mạnh.
TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết kết thúc đợt nhận đăng ký xét tuyển bằng điểm thi ĐGNL, ĐH Quốc gia TP.HCM có hơn 32.000 thí sinh với gần 100.000 nguyện vọng đăng ký vào các trường thành viên.
Theo ông Chính, trong số 11 trường thành viên, dẫn đầu là ĐH Bách khoa với hơn 23.000 nguyện vọng, tiếp theo là ĐH Kinh tế - Luật với gần 20.000 nguyện vọng… Số lượng nguyện vọng tập trung vào các nhóm ngành Y dược, Quản lý kinh tế, Công nghệ thông tin…
Theo ông Chính, so với 2 năm trước, số nguyện vọng năm nay tăng mạnh (năm 2020 có 60.000, năm 2019 khoảng 50.000 nguyện vọng).
“Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, số lượng thí sinh tham gia kỳ thi ĐGNL tăng cao. Cùng với đó là việc số lượng nguyện vọng tăng mạnh nên khả năng điểm chuẩn trúng tuyển với phương thức này cũng sẽ tăng so với năm 2020”, ông nói.
PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết theo thống kê, khoảng 95.000 hồ sơ với hơn 200.000 nguyện vọng đăng ký vào trường trong mùa tuyển sinh năm nay.
Một số trường đại học khác cũng nhận được lượng hồ sơ xét tuyển bằng học bạ, ĐGNL, tuyển sinh riêng tăng cao như ĐH Nông Lâm (nhận gần 12.800 nguyện vọng xét tuyển bằng phương thức học bạ), ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM (tính đến 7/6, nhận được hơn 46.000 nguyện vọng xét tuyển bằng học bạ). Số lượng hồ sơ tập trung vào các ngành “hot” nên khả năng điểm chuẩn các ngành này sẽ tăng cao…