Dựa trên điểm này, trường sẽ xét tuyển các ngành từ cao xuống thấp đến khi đủ chỉ tiêu.
TS Dương Thị Hồng Hiếu, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết: "Sở dĩ nhà trường không đưa ra ngưỡng đảm bảo xét tuyển cho từng ngành cụ thể như năm trước vì thí sinh được đăng ký nguyện vọng không giới hạn. Vì thế, điểm sàn nhận hồ sơ cũng không mang nhiều ý nghĩa. Nhà trường không muốn giới hạn cơ hội của các em".
Thí sinh sau giờ thi THPT quốc gia 2017. Ảnh: Anh Tuấn. |
Theo bà Hiếu, căn cứ mặt bằng điểm thi và phổ điểm các môn, điểm chuẩn những ngành nhận được nhiều sự quan tâm của thí sinh có thể tăng nhẹ. Một số ngành có điểm chuẩn ngang với năm ngoái, thậm chí thấp hơn.
"Cánh cửa vào đại học với các em năm nay rất rộng mở, nên thí sinh cứ mạnh dạn đăng ký nguyện vọng vào ngành, trường mình thích, đồng thời nên có sự xem xét thứ tự ưu tiên giữa các nguyện vọng", bà Hiếu đưa ra lời khuyên.
ĐH Sư phạm TP.HCM đã đưa ra thống kê điểm chuẩn của các ngành theo tổ hợp môn xét tuyển qua các năm để thí sinh có thể tham khảo và cân nhắc lựa chọn.
Thí sinh tra cứu điểm chuẩn qua các năm của ĐH Sư phạm TP.HCM tại đây.
Năm học 2017-2018, ĐH Sư phạm TP.HCM xét tuyển 3.930 chỉ tiêu cho 34 ngành đào tạo. Riêng các ngành Giáo dục Thể chất, Giáo dục Mầm non, Giáo dục Đặc biệt, thí sinh phải sử dụng thêm kết quả kỳ thi năng khiếu được tổ chức ngày 2/7 của trường để xét tuyển cùng tổ hợp môn thi THPT quốc gia.
Trước đó, ĐH Sư phạm TP.HCM đã công bố kết quả tuyển thẳng năm 2017. 420 thí sinh được xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT và điều kiện xét tuyển thẳng của trường.
Ngoài ra, 10 thí sinh được tuyển thẳng theo diện thí sinh khuyết tật đặc biệt, 34 em được tuyển thẳng theo diện dự bị đại học.