Yumpling, một nhà hàng Đài Loan, đã khai trương vào tháng 8/2020 trong bối cảnh thành phố New York (Mỹ) vẫn đang trong các làn sóng dịch Covid-19. Dù việc ăn uống tại chỗ vẫn bị cấm, chủ sở hữu đã ký hợp đồng thuê từ trước khi dịch bùng phát nên đành mở cửa, không thể tiếp tục trả tiền cho mặt bằng trống thêm nữa, theo New York Times.
Ngạc nhiên là nhà hàng đã bán hết thức ăn trong vòng 3 tiếng sau khi mở cửa ở khu Long Island City, quận Queens. Một hàng dài người Mỹ gốc Á đứng đợi mua món mì bò và sủi cảo nhân thịt lợn.
Bất chấp những thách thức do đại dịch gây ra, Yumpling là 1 trong ít nhất 15 doanh nghiệp do người châu Á làm chủ mở cửa ở khu vực từ tháng 3/2020.
"Sự gia tăng số người Mỹ gốc Á thực sự điên rồ", Chris Yu (30 tuổi), đồng sở hữu quán và là người gốc Đài Loan, cho biết.
Các quán ăn kinh doanh ẩm thực châu Á ở Long Island City luôn có lượng khách hàng ổn định. |
Gia tăng nhanh chóng
Cư dân châu Á là yếu tố đứng sau sự tăng trưởng bất ngờ 7,7% trong tổng số dân thành phố New York kể từ năm 2010, theo dữ liệu của Cục Thống kê Dân số Mỹ được công bố vào tháng 8. Điều này làm thay đổi dự đoán của các nhà nhân khẩu học rằng dân số của thành phố đang giảm.
Trên khắp nước Mỹ, những người châu Á, một nhóm gần 20 triệu người có nguồn gốc từ hơn 20 quốc gia, đang di chuyển đến các thành phố lớn như Los Angeles và Houston song cũng đang gia tăng nhanh chóng ở các bang như North Dakota và Indiana. Tại Tây Virginia, dân số châu Á tăng ngay cả khi dân số chung của tiểu bang giảm.
Dữ liệu điều tra dân số cũng cho thấy Long Island City có tốc độ tăng trưởng cư dân người châu Á nhanh nhất, gấp 5 lần kể từ năm 2010. Gần 11.000 người châu Á sống ở khu vực này, chiếm khoảng 34% dân số.
Ngày càng nhiều người Mỹ gốc Á đến sinh sống tại Long Island City, New York. |
Sự gia tăng dân số người châu Á đã làm thay đổi các khu dân cư, từ Bensonhurst ở Brooklyn đến Parkchester ở Bronx, có tiềm năng định hình lại đáng kể thị trường nhà ở, các doanh nghiệp nhỏ và đại diện chính trị ở New York.
Theo số liệu điều tra, cư dân châu Á ở thành phố New York đã tăng hơn 345.000 người kể từ năm 2010, chiếm 15,6% dân số thành phố và chiếm hơn một nửa mức tăng dân số chung của thành phố trong thập kỷ qua. Người châu Á cũng là nhóm chủng tộc lớn duy nhất có dân số tăng ở cả năm quận.
Nhiều người trẻ mới đến Long Island City bị thu hút bởi những tòa căn hộ sang trọng, cách Midtown Manhattan một trạm dừng tàu điện ngầm và có chi phí thấp hơn.
“Tôi không bao giờ hối hận khi chuyển tới đây", Jike Zhang, kỹ sư phần mềm 28 tuổi, nhập cư từ Trung Quốc đến New York, Mỹ vào năm 2015 để học cao học, cho biết.
Trong số những cư dân châu Á ở Long Island City, 3 nhóm dân tộc lớn nhất là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, theo dữ liệu điều tra dân số năm 2019. Khu vực này cũng thu hút ngày càng nhiều người Mỹ gốc Á thuộc thế hệ thứ hai và thứ ba tìm đến sinh sống.
Các cửa hàng phong cách châu Á xuất hiện ngày càng nhiều trên các con phố lớn. |
Tiềm năng
Trước sự thay đổi của nhân khẩu học, các doanh nghiệp địa phương tại Long Island City đang chạy đua để đáp ứng các nhu cầu của người dân.
Nhiều chủ doanh nghiệp địa phương cũng là những người nhập cư trẻ tuổi như Nigel Huang (27 tuổi, gốc Trung Quốc). Huang sở hữu một quán trà sữa tên là Teazzi ở tầng trệt của tòa nhà chung cư nơi anh sinh sống.
Huang nhận thấy nhu cầu về ẩm thực châu Á trong khu vực. Anh và bạn bè thường đợi đến 2 tiếng để nhận được đồ ăn Trung Quốc từ một nhà hàng tên Flushing.
"Tại sao ngày càng nhiều người châu Á muốn kinh doanh ở đây? Đó là vì họ nhìn thấy tiềm năng của khu vực đang phát triển này".
Ngoài ra, xu hướng gia tăng người Mỹ gốc Á ở khu vực còn phản ánh sự chênh lệch kinh tế lớn giữa những người New York gốc Á, những người có khoảng cách thu nhập lớn nhất so với bất kỳ nhóm chủng tộc nào.
Nhiều quán ăn phong cách châu Á xuất hiện tại Long Island City do nhu cầu từ người dân. |
Về vấn đề an toàn công cộng, Elliot Park (43 tuổi), người Mỹ gốc Hàn, cho biết dù khu vực có xảy ra một số vụ tấn công phân biệt chủng tộc song số lượng người châu Á đông đúc ở khu vực này vẫn đem lại cảm giác an toàn.
"Thực sự không có nhiều vụ căm ghét người gốc Á xung quanh chúng tôi ngoại trừ trên tàu điện ngầm. Còn trên đường phố? Quên đi, sẽ có hàng chục người châu Á khác bên cạnh bạn".
Sau khi đại dịch dần được kiểm soát và sinh viên quốc tế bắt đầu trở lại, giá thuê nhà ở Long Island City đã tăng trở lại mức trước đại dịch. Điều này khiến April Jiang (29 tuổi, gốc Trung Quốc) nhẹ nhõm. Cô đang có kế hoạch mở một quán gà phong cách châu Á vào tháng sau.
Một nhà hàng khác của Jiang ở Long Island City, quán lẩu Yin, đã chật vật vào năm ngoái vì không có sinh viên Trung Quốc. Khi nhà hàng mở cửa vào đầu năm 2020, cô tập trung vào hương vị Tứ Xuyên đích thực mà không cần lo lắng về việc liệu nước dùng có quá cay hay ruột heo quá khó ăn hay không.
"Chúng tôi từng phân vân xem có cần cân bằng hương vị để thu hút khách Mỹ hay không song chúng tôi thực sự không cần làm vậy. Có rất nhiều sinh viên quốc tế, nhà bếp của chúng tôi luôn tất bật".