Theo các kết quả giải trình tự gene được Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương công bố, Việt Nam ghi nhận biến chủng mới của SARS-CoV-2 ở bệnh nhân Covid-19 trong làn sóng dịch lần này. Đáng chú ý là sự xuất hiện của biến chủng B.1.617 (biến chủng lần đầu tiên được tìm thấy ở Ấn Độ).
Trao đổi với Zing tại tâm dịch Bắc Ninh, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), cho rằng sự nguy hiểm của biến chủng mới đòi hỏi các nhân viên y tế phải thay đổi một số vấn đề trong cách thức điều trị.
Biến chủng từ Ấn Độ gây phản ứng viêm mạnh mẽ
- Qua theo dõi và điều trị, bác sĩ nhận định như thế nào về sự khác biệt trong tác động của biến chủng SARS-CoV-2 từ Ấn Độ tới diễn biến bệnh?
- Vừa qua, chúng ta đã ghi nhận biến chủng B.1.1.7 (được phát hiện lần đầu tại Anh) có khả năng lây lan cao hơn nhiều so với các biến chủng cổ điển. Thời gian ủ bệnh, khởi phát bệnh của biến chủng này cũng bị rút ngắn. Tuy nhiên, biến chủng B.1.617.2 (phát hiện lần đầu tại Ấn Độ) thậm chí nguy hiểm hơn.
B.1.617.2 cũng có đặc tính của biến chủng ở Anh là khả năng lây truyền nhanh, thời gian ủ bệnh ngắn. Nó lại thêm khả năng xâm nhập vào người bệnh cao.
Ngưỡng cảm thụ của người bệnh với biến chủng này ở mức thấp. Trong khi đó, phản ứng viêm của biến chủng này gây ra có vẻ cũng mạnh mẽ hơn rất nhiều so với biến chủng tại Anh.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp đánh giá biến chủng SARS-CoV-2 tại Ấn Độ có khả năng gây ra phản ứng viêm mạnh hơn. Ảnh: Việt Hùng. |
- Việc điều trị các bệnh nhân nhiễm biến chủng mới này gây khó khăn như thế nào cho các y bác sĩ?
- Bản thân việc điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 đã gặp rất nhiều khó khăn. Dù đã xuất hiện gần 2 năm, đây vẫn là một loại bệnh mới. Cơ chế sinh bệnh hay các tổn thương của virus này với bệnh nhân đều mới mẻ đối với cả thế giới và Việt Nam.
Do đó, nguồn kiến thức về căn bệnh này chưa nhiều. Thêm vào đó, việc trang bị kiến thức cho các bác sĩ trực tiếp điều trị thậm chí còn hạn chế hơn.
Với biến chủng Ấn Độ, diễn biến bệnh xảy ra nhanh hơn, tổn thương gây ra cho người bệnh cũng rất sớm. Nhiều bệnh nhân Covid-19 thiếu oxy và tổn thương phổi nặng nhưng họ không có bất cứ triệu chứng nào. Lúc này, các bác sĩ buộc phải phát hiện tình trạng thiếu oxy nặng để xử lý kịp thời.
Ngoài ra, một khó khăn khi biến chủng mới lây lan nhanh là các bệnh nhân xuất hiện ở nhiều tuyến. Một số bác sĩ ở tuyến huyện, tuyến tỉnh trước kia chưa từng phải đối mặt với các hiện tượng như rối loạn đông máu, rối loạn về phản ứng viêm quá mức..., thì nay buộc phải tự xử lý.
Bác sĩ Cấp làm việc với đội ngũ y tế của tỉnh Bắc Ninh về việc điều trị bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Thạch Thảo. |
Cơ chế sinh bệnh chưa rõ ràng, kiến thức không nhiều là những khó khăn chủ yếu. Bởi vậy, giải pháp duy nhất là chúng ta phải tổ chức hoạt động đào tạo, tập huấn cho các bác sĩ điều trị trực tiếp để họ nắm vững về bệnh lý, từ đó kiểm soát bệnh tốt hơn.
- Bộ trưởng Y tế có nói về việc phát hiện đột biến mới của nCoV. Chúng ta có nên lo ngại về vấn đề này?
- Về mặt sinh học, SARS-CoV-2 sẽ luôn biến đổi. Đó là lý do thời gian qua, chúng ta lần lượt phải đối mặt với chủng nguyên gốc từ Trung Quốc, sau đó là các biến chủng Anh, Nam Phi và Ấn Độ.
Với biến chủng từ Anh hay Ấn Độ, mức độ lây lan của chúng mạnh hơn. Nhất là với biến chủng Ấn Độ, các diễn biến lâm sàng có vẻ đang xảy ra nhanh hơn, từ đó đòi hỏi bác sĩ phải thay đổi phương thức điều trị ở một số điểm.
Bởi vậy, khi một số bệnh nhân mang virus biến chủng Ấn Độ lại có cả kiểu di truyền của chủng Anh, việc chúng ta lo lắng là có cơ sở. Tuy nhiên, qua theo dõi biểu hiện lâm sàng đến lúc này, chúng tôi chưa ghi nhận điểm khác biệt giữa các bệnh nhân đó so với người mang biến chủng Ấn Độ.
Dù sao, chúng ta vẫn phải đặc biệt cảnh giác. Nguyên nhân là khi virus mang 2 biến dị, chúng có thể tăng khả năng lây nhiễm và độc lực.
Tỷ lệ bệnh nhân trẻ diễn biến nặng cao
- Trong đợt bùng phát dịch lần này, chúng ta ghi nhận nhiều bệnh nhân trẻ có diễn biến nặng, thậm chí đã xuất hiện ca tử vong. Liệu nguyên nhân có đến từ biến chủng mới?
- Thực tế, trong tất cả đợt dịch, chúng ta đều có người trẻ diễn biến nặng. Tuy nhiên, việc điều trị cho các bệnh nhân trẻ tuổi thường đơn giản hơn người già, mắc nhiều bệnh lý nền.
Đợt dịch lần này, bên cạnh bệnh viện và khu dân cư, SARS-CoV-2 còn tấn công vào các khu công nghiệp, nơi tập trung rất nhiều người ở độ tuổi lao động. Do đó, tỷ lệ người trẻ mắc Covid-19 và diễn biến nặng cũng cao hơn.
Các bác sĩ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng. Ảnh: Phạm Thắng. |
Ngoài tuổi tác, nguy cơ tử vong của bệnh nhân Covid-19 còn phụ thuộc nhiều yếu tố như cơ địa, các bệnh lý kèm theo hay khả năng miễn dịch giúp cơ thể chống lại bệnh tật.
Cùng với độc lực của từng biến chủng virus, một số yếu tố khác cũng ảnh hưởng tới nguy cơ tử vong của bệnh nhân Covid-19 là diễn biến bệnh, khả năng chẩn đoán, điều trị của bác sĩ hay năng lực cung cấp giường bệnh, nhân lực, oxy, thuốc, trang thiết bị hồi sức cấp cứu của hệ thống y tế.
Do đó, mọi người dân đều phải cảnh giác. Diễn biến nặng khi mắc Covid-19 có thể xảy ra với bất cứ ai. Dù việc điều trị cho người cao tuổi có thể khó khăn hơn, người trẻ vẫn có nguy cơ diễn biến nặng dẫn đến tử vong.
- Việc trẻ em và phụ nữ mang thai mắc Covid-19 mang đến những lo ngại nào?
- Rất may mắn là SARS-CoV-2 khi lây nhiễm cho trẻ em lại diễn biến khá nhẹ. Đến nay, đa số bệnh nhân là trẻ nhỏ mắc Covid-19 đều có diễn biến nhẹ và dễ dàng được kiểm soát.
Với phụ nữ mang thai, chúng tôi nhận thấy diễn biến bệnh ở những người này không có khác biệt so với các trường hợp bình thường. Tuy nhiên, việc điều trị cho nhóm này gặp một số khó khăn nhất định.
Cụ thể, khi điều trị bệnh nhân Covid-19, các bác sĩ phải sử dụng thuốc để tránh tình trạng đông máu quá mức. Loại thuốc này hoàn toàn có thể sử dụng ở phụ nữ mang thai, chúng giúp còn hạn chế nguy cơ tắc mạch ở thai phụ. Tuy nhiên, với những thai phụ đang trong giai đoạn chuyển dạ, chúng tôi buộc phải ngừng loại thuốc này để đảm bảo việc sinh con không bị ảnh hưởng.
Các thai phụ mắc Covid-19 vẫn được theo dõi sát tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, thậm chí một số ca đã sinh con thành công. Ảnh: BVCC. |
Vấn đề thứ 2 là ở cuối thai kỳ, em bé trong bụng to gây cản trở quá trình hô hấp của người mẹ. Hơn nữa, nhu cầu cung cấp oxy cho thai phụ cũng cao hơn do phải đảm bảo cho cả mẹ và con. Do đó, nếu không may, thai phụ phải thở máy, việc cung cấp oxy cho họ sẽ gặp khá nhiều khó khăn.
- Trong tình hình hiện nay, bác sĩ có những khuyến cáo nào dành cho người dân?
- Tôi nghĩ rằng mọi người dân, dù ở lứa tuổi nào trong giai đoạn này, đều phải đặc biệt cảnh giác, tuân thủ hướng dẫn của ngành y tế và chính quyền địa phương về việc cách ly, giãn cách.
Ngoài ra, giải pháp tối ưu nhất để sớm chấm dứt dịch Covid-19 là đẩy mạnh quá trình tiêm vaccine. Tiêm vaccine giúp chúng ta phòng tránh lây nhiễm virus. Dù vẫn có tỷ lệ nhiễm, người được tiêm vaccine cũng sẽ có diễn biến không quá nặng và dễ dàng được kiểm soát.