“Ép” khán giả phải xem hoa hậu
Miss Hong Kong được coi là cuộc thi nhan sắc tìm nữ diễn viên cho TVB. |
Từ hơn 40 năm nay, TVB thường xuyên tổ chức các cuộc thi hoa hậu được gọi là Miss Hong Kong. Đây không đơn giản chỉ là cuộc thi sắc đẹp, mà còn là một cuộc tuyển chọn các gương mặt có sắc và có khả năng diễn xuất cho đài. Trở thành hoa hậu của cuộc thi này, hoặc lọt vào mắt xanh của các nhà sản xuất trong quá trình đi thi… các cô gái đã sở hữu một tấm giấy thông hành với nhiều lợi thế để bước vào làng giải trí, vì điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ được TVB giao cho những vai diễn quan trọng, bên cạnh những ngôi sao lớn trong các bộ phim lớn.
Sau khi trở thành Á hậu 2 của Miss Hong Kong năm 1997, Xa Thi Mạn được lăng xê thành nữ chính, dù diễn xuất của cô bị coi là "thảm họa" |
Câu Tuệ Vân vẫn dậm chân tại chỗ dù được TVB lăng xê hết mình. |
Dù vậy, không phải người đẹp nào cũng diễn xuất tốt. Ngoại trừ một số gương mặt như Trương Mạn Ngọc, Châu Hải My, Quách Khả Doanh, Thái Thiếu Phân… được đánh giá là có tiềm năng ngay từ vai diễn đầu tiên, đại đa số những người đẹp đều khiến khán giả phải lắc đầu ngán ngẩm. Những gương mặt giờ đã là sao, như Xa Thi Mạn, Chung Gia Hân… đều có những bước khởi đầu khá gian nan với khả năng diễn xuất được coi là thảm họa.
Nhưng một khi TVB đã quyết tâm lăng xê, thì dù diễn tệ cách mấy, các người đẹp này vẫn được xuất hiện đều đều trong các bộ phim. Chính điều này đã dẫn đến một số trường hợp, dù được tích cực lăng xê, nhưng diễn xuất vẫn dậm chân tại chỗ như hoa hậu Câu Tuệ Vân, Trần Pháp La. Và khán giả thì vẫn phải xem những người đẹp này đóng phim. Đây là cách TVB “ép” khán giả phải tiếp nhận những gương mặt mới, bất kế họ có diễn dở đến đâu.
Những cái kết lãng xẹt
Phim Đôi đũa lệch kết thúc với cảnh nam nhân vật chính cùng 2 nữ chính đứng... nhìn nhau, khiến cả 20 tập phim xuất sắc trở nên vô duyên . |
Phim TVB không phổ biến những căn bệnh ung thư nan y khó chữa như phim Hàn Quốc, nhưng lại không thiếu những cái kết lãng xẹt khiến khán giả không khỏi khó chịu. Hoàn toàn có thể đem đến cho người xem một kết thúc đẹp và trọn vẹn, nhưng TVB lại chuyển hướng bi kịch ở cuối phim sau khi đã giải quyết xong hết mọi mâu thuẫn. Các mối tình tay 3 có thể được xử lý theo kiểu: 3 nhân vật đứng nhìn nhau rồi… hết phim; hay “huề cả làng chúng ta làm bạn nhé!”. Các bộ phim hay như Mối tình chung thủy, Đôi đũa lệch, Bao la vùng trời… đều giải quyết các mối quan hệ tình cảm theo hướng này khiến khán giả không khỏi khó chịu.
Hồ sơ trinh sát có kết thúc lửng lơ để chờ phần 3 ra mắt. |
Bên cạnh đó, còn có những cái kết lãng xẹt hơn nữa, như nhân vật chính bỗng dưng mất tích ở cuối phim, hay đột nhiên bị mất trí nhớ cũng thường xảy ra. Trong Hồ sơ trinh sát phần 2, cặp đôi đẹp Cao Triệt (Quách Khả Doanh) và Đại Dũng (Đào Đại Vũ) có một đám cưới ngọt ngào gần cuối phim. Nhưng bất ngờ, một tai nạn xảy ra và cô dâu bị thương. Khi tỉnh dậy, cô dâu nhớ tất cả mọi người trừ… chú rể. Phim kết thúc ở đây khiến khán giả vô cùng tức giận và không còn cách nào khác là ngậm ngùi chờ xem TVB có sản xuất phần tiếp theo hay không.
Nếu hội đủ các yếu tố may mắn, phim sẽ được làm tiếp để xử lý nốt những điều còn dang dở, nhưng nếu không đủ kinh phí, không huy động được dàn diễn viên cũ… phim có thể bị bỏ ngỏ giữa chừng với một kết thúc không thể nào lãng xẹt hơn.
Những phần tiếp theo vô duyên
TVB hay có chiêu tạo ra những cái kết lưng chừng cho các bộ phim ăn khách, để có cớ thực hiện các phần tiếp theo. Tuy nhiên, việc thực hiện phần 2, phần 3 hay 4 không phải lúc nào cũng đơn giản, nhất là việc tập hợp đủ dàn diễn viên cũ được yêu thích từ các phần trước. Tuy nhiên, một khi đã quyết định, TVB có thể không quan tâm đến cảm nhận của khán giả, sẵn sàng khởi động các phần tiếp theo với một nội dung hoàn toàn mới, những bối cảnh và nhân vật mới không mấy liên quan đến phần 1.
Bàn tay nhân ái 1 - Ngô Khải Hoa và nữ chính Thái Thiếu Phân. |
Qua phần 3, Ngô Khải Hoa lại "cặp" với nhân vật khác, do các cô "người tình cũ" của anh không thể tham gia tiếp, hoặc tuyến nhân vật không còn điểm để khai thác. |
Và đến năm 2013, Ngô Khải Hoa vẫn tiếp tục vào vai bác sĩ Trình Chí Mỹ và người tình của anh lần này do hoa hậu Hong Kong 2012 đảm nhận. |
Các diễn viên không có điều kiện tham gia phần tiếp theo thì vai diễn của họ sẽ được xử lý bằng nhiều cách: có một cuộc sống mới qua lời kể của nhân vật khác, đi di dân ra nước ngoài, và đặc biệt là được “cho chết” để tạo kịch tính cho phần tiếp theo. Điều này khiến khán giả rất bức xúc và cho rằng TVB chỉ chú trọng vấn đề lợi nhuận mà thiếu đi sự tôn trọng khán giả.
Đơn giản như bộ phim ăn khách Bàn tay nhân ái của TVB năm 1998, kết thúc bằng kết thúc mở khi nữ nhân vật chính do Thái Thiếu Phân thể hiện hôn mê sau ca mổ do bạn trai cô – bác sĩ Trình Chí Mỹ (Ngô Khải Hoa thực hiện). Năm 2000, bộ phim làm tiếp phần 2 trong sự ủng hộ của khán giả. Tuy nhiên, do Thái Thiếu Phân bận đóng một bộ phim khác, nên nhân vật của cô được phép tỉnh dậy trong vài tập rồi bị… chết luôn. Nhân vật nam chính (Ngô Khải Hoa) bắt đầu một cuộc tình mới với cô bác sĩ do Mông Gia Tuệ thể hiện.
Năm 2004, bộ phim được khởi quay phần 3. Mông Gia Tuệ lúc này không thể tham gia phim, và vai diễn của cô cũng bị “nhấn nút” chết. Nam chính lại tiếp tục cuộc hành trình với một tình yêu mới. Năm 2013, bác sĩ Trình Chí Mỹ xuất hiện trong phim On Call 36 Hours phần 2 và trong phim này, anh sẽ yêu một cô bác sĩ trẻ do hoa hậu năm 2012 thủ diễn.
Bao la vùng trời phần 2 có tỷ suất khán giả theo dõi khá cao, nhưng vẫn bị đánh giá là phần tiếp theo dở tệ và nhạt nhẽo. Sự lồng ghép, chắp nối và thay đổi tính cách nhân vật trong phần 1 để phục vụ mục đích kéo dài khiến phim không thể nào đạt được những thành công như phần 1.
Không thể phủ nhận, TVB đã cho ra đời những phần tiếp theo đầy thú vị, nhưng cũng có không ít những phần 2 dở tệ mà theo khán giả, nếu chỉ dừng lại ở phần 1, bộ phim sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều.
Bối cảnh cổ trang nghèo nàn
Bối cảnh cổ trang TVB khá nghèo nàn, lặp đi lặp lại dù thời đại trong phim khác nhau. |
Các phân cảnh vua tôi hiếm khi được đầu tư hoành tráng. |
Những năm 90, đại đa số nội dung của phim TVB đều khá xuất sắc, phần nào có thể khiến khán giả bỏ qua những bối cảnh nghèo nàn trong các bộ phim cổ trang. Nhưng ngày nay, sự phát triển của dòng phim cổ trang tại Trung Quốc đại lục với bối cảnh hoành tráng, trang phục bắt mắt… thì TVB ngày càng lộ rõ yếu điểm của mình về mặt này.
Phim trường tự dựng của TVB dành cho phim thời xưa khá nghèo nàn, Hong Kong đất chật người đông, không nhiều những bối cảnh hùng vĩ để lên phim. Không phải tác phẩm nào cũng được đầu tư đi quay ngoại cảnh ở Trung Quốc đại lục hoặc thuê phim trường ở Hoành Điếm để ghi hình. Bởi thế, những phim dù đã được coi là chế tác lớn như Vạn phụng chi vương, Công chúa giá đáo, Đại thái giám, Thâm cung nội chiến 2… thì vẫn làm khán giả thấy khó chịu bởi những vua, tôi, phi tần, thái giám, cung điện… chỉ quanh đi quẩn lại diễn ra ở một vài cái phủ con con.
Quá ít diễn viên
Dàn diễn viên lặp đi lặp lại đã trở nên nhàm chán. |
Lương bổng thấp, làm việc cực nhọc… là những lý do khiến TVB không giữ được các ngôi sao mà mình đã đào tạo nên. Khủng hoảng nhân lực khiến dàn diễn viên của TVB hiện nay trở nên quá ít và manh mún. Dàn sao chủ lực có thể đếm trên đầu ngón tay, kể cả nam lẫn nữ, khiến TVB phải thường xuyên phải tái sử dụng các gương mặt này trong mọi dự án phim của mình. Thế nên hiện nay, những gương mặt như Trần Hào, Từ Tử San, Chung Gia Hân, Trần Triển Bằng, Tạ Thiên Hoa, Dương Di, Hồ Hạnh Nhi… cứ thi nhau xuất hiện từ phim này qua phim khác, gây nên sự nhàm chán cho người xem.