GS.TSKH Chu Phạm Ngọc Sơn cho biết ngoài tinopal hai chất cấm khác là axit oxalic và formaldehyde tiếp tục bị phát hiện trong thực phẩm làm từ gạo như bún, bánh canh, bánh hỏi.
Hai chất sodium sulfite và sodium benzoate được phép dùng trong thực phẩm nhưng có quy định hàm lượng, riêng axit oxalic và formaldehyde thì không được phép dùng.
Axit oxalic là hợp chất hóa học tương đối mạnh, kích thích niêm mạc ruột khi tiêu thụ và có thể gây tử vong cho người sử dụng nếu liều lượng lớn. Formaldehyde thường được sử dụng để làm chất tẩy uế hoặc bảo quản các mẫu sinh vật. Khi vào cơ thể fomaldehyde được chuyển hóa thành axit formic, dẫn đến tăng hoạt động của tim, thở nhanh và nông, giảm thân nhiệt, hôn mê hoặc dẫn đến chết người với liều lượng lớn.
Chất tạo nạc cho heo vô cùng nguy hiểm
Vừa qua các đơn vị chức năng đã phát hiện một số đại lý bán thuộc thú y, cơ sở chăn nuôi lợn có sử dụng một số chất trong diện cấm sử dụng để thực hiện việc kích thích tỷ lệ nạc. Việc sử dụng hóa chất cấm để chăn nuôi đã gây ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng. Đồng thời, cách làm này còn gây ra hậu quả là thịt heo giảm giá do người dân lo ngại về chất lượng.
Trước đó, vào năm 2010, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 54 quy định chi tiết về kiểm tra các chất tồn dư trong các sản phẩm chăn nuôi. Trong đó, 3 chất đáng chú ý là Ractopamine, Clenbuterol và Salbutamol. Đây là những chất tạo nạc, yêu cầu không được dùng để chăn nuôi. Các chất này bị cấm sử dụng vì nó thuộc nhóm gây ra độc hại khi sử dụng sản phẩm thịt còn dư lượng các chất này.
Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng mới phát hiện việc sử dụng các chất này, song ở tỷ lệ nhỏ và tập trung ở phía Nam. Về mặt khoa học, những chất được dùng để kích nạc đã được phát hiện là Clenbuterol và Salbutamol.
Hai chất này thuộc nhóm Beta - Agonists, là nhóm các hormone tự nhiên, nguồn gốc từ Catecholamines (Adrenaline, Noradrenaline và Dopamine), có tác dụng làm giãn cơ cuống phổi, giãn cơ tử cung, đồng thời kích thích giải phóng insulin và quá trình phân giải glucose...
Theo bác sĩ thú y Vương Thiện Đức (Bình Dương), tác động của Clenbuterol và Salbutamol rất nặng nề đối với người sử dụng, gây ảnh hưởng lên hệ thần kinh, hệ cơ, tim mạch.
Theo GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội Hóa học TP HCM, việc phát hiện chất cấm clenbuterol và salbutamol trong thịt heo không phải là lần đầu. Cơ quan chức năng phải có quy trình quản lý chặt chẽ và kiểm soát thường xuyên bằng xét nghiệm nhanh các loại chất cấm này.
Đặc sản tôm khô ngâm hóa chất
Tôm khô là thực phẩm yêu thích của nhiều người. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hiện tượng tôm khô bị tẩm hóa chất, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, nghi làm từ nhựa, cao su khiến người tiêu dùng lo lắng.
Không chỉ tẩm phẩm màu có chứa hóa chất khiến sản phẩm bắt mắt, thu hút người mua, mà nguyên liệu để làm tôm khô cũng không đảm bảo.
Vì lợi nhuận, nhiều gian thương đã thu mua số lượng lớn tôm phế phẩm, ươn, chất lượng kém, “hô biến” thành tôm khô để thu lợi nhuận. Ngoài ra, các chủ sản xuất đã tẩm hóa chất để tăng hương vị, màu sắc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Hiện nay, tôm khô có giá từ 700.000-1.300.000 đồng/kg được bán tràn lan tại chợ, cửa hàng tạp hóa. Tất cả các loại tôm khô được bày bán đều không có nhãn mác, ngày sử dụng, nguồn gốc sản xuất... nhưng vẫn đến tay người tiêu dùng.
Theo các chuyên gia, chất carmine là loại phẩm màu đỏ hay được dùng để nhuộm màu cho tôm khô, có thể gây hại cho con người nếu không sử dụng đúng liều lượng cho phép.
Vì vậy, bạn cần tránh mua tôm khô to hơn chiếc đũa vì đó phần lớn là tôm sú nuôi, tôm chón hoặc ngâm hóa chất cho nở.
Nếu là loại tôm tẩm hóa chất, chỉ cần ngâm nước lạnh hoặc nước nóng một lúc sẽ phai màu ra bát nước, còn tôm khô tự nhiên chỉ nở ra và bát nước vẫn trong.