Điểm sàn khối C, D có thể cao hơn năm trước
Ngày mai (8/8), Bộ GD-ĐT sẽ họp để công bố mức điểm sàn của kỳ thi ĐH, CĐ. Hôm qua, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đã trao đổi xung quanh vấn đề này.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga |
- Ông đánh giá như thế nào về mức điểm thi của thí sinh năm nay?
- Nhìn chung, năm nay điểm thi của TS tốt hơn mọi năm do chất lượng thí sinh tốt hơn và đề thi có tính phân loại cao. Đề thi đã đảm bảo đúng chủ trương của Bộ là những thí sinh có học lực trung bình cũng làm được một phần.
Chẳng hạn ở khối C, mức điểm mà thí sinh đạt nhiều nhất là 15 điểm/3 môn (năm trước chỉ ở mức 10-11 điểm). Mức điểm khối D1 cũng cao hơn năm trước. Số thí sinh đạt mức 12-12,5 điểm là đông nhất (năm trước mức điểm chỉ khoảng 9-10 điểm). Các khối còn lại là A, A1 và B, điểm thi của thí sinh cũng tốt hơn. Năm trước, chỉ ở mức dưới 9 điểm nhưng năm nay đa số thí sinh đạt mức 10-11.
- Với mức điểm thi như vậy, dự kiến mức điểm sàn sẽ là bao nhiêu, thưa ông?
- Căn cứ vào mức điểm này, năm nay dự kiến điểm sàn khối A, A1 và B sẽ giống năm ngoái (A, A1: 13, B: 14). Với khối C và D, dự kiến điểm sàn sẽ nhích lên 0,5 điểm mỗi khối (C: 14,5, D: 13,5).
Cụ thể: Khối A, nếu lấy điểm sàn là 13 thì có 110.000 thí sinh trúng tuyển nguyện vọng (NV) 1. Còn 38.000 chỉ tiêu dành cho các NV tiếp theo. Trong khi đó, số TS có mức điểm đủ điều kiện xét tuyển (gọi là số dư) là 66.500. Như vậy, so với chỉ tiêu còn thiếu thì số dư gấp 1,8 lần. Tỷ lệ này đã cao hơn năm trước (năm trước 1,6) do đó nguồn tuyển sẽ nhiều hơn.
Với khối A1, nếu mức điểm sàn là 13 thì có 15.000 thí sinh trúng tuyển NV1. Số chỉ tiêu còn thiếu là 10.000. Trong khi đó, số dư là 11.500. Như vậy, hệ số chỉ là 1,1. Tuy nhiên, đây là khối thi mới và hầu hết những trường tổ chức thi A1 đều tuyển khối A. Do vậy, nếu thiếu chỉ tiêu các trường có thể lấy TS dự thi khối A.
Khối B, nếu mức điểm sàn là 14 thì có 29.500 TS trúng tuyển NV1. Số chỉ tiêu còn thiếu là 5.800, trong khi số dư lên tới 60.000. Đây là khối thi có hệ số cao nhất (1/11). Tuy nhiên, ở khối thi này có nhiều thí sinh ảo nên hệ số này đảm bảo để các trường không thiếu nguồn tuyển.
Theo phân tích của Bộ GD&ĐT, nếu khối C lấy ở mức 14 điểm như năm trước thì số thí sinh trúng tuyển NV1 là 19.500. Số chỉ tiêu còn thiếu là 4.500, trong khi số dư là 16.500 (gấp 3,6 lần). Vì vậy nếu tăng mức điểm sàn lên 14,5 thì số dư là 13.700, so với số chỉ tiêu còn thiếu vẫn gấp 2,7 lần.
Khối D1, với dự kiến mức điểm sàn là 13,5 (tăng hơn năm trước 0,5 điểm) thì số thí sinh trúng tuyển NV1 là 45.000. Số còn thiếu là 15.000. Số thí sinh còn dư gấp 2,9 lần chỉ tiêu. Có thể nói chất lượng thí sinh khối C, D tốt hơn nhiều, vì vậy Hội đồng điểm sàn sẽ cân nhắc để nâng mức điểm sàn. Còn lại các khối A, A1 và B dù chất lượng thí sinh tốt hơn nhưng để đảm bảo nguồn tuyển nhiều hơn năm trước nên điểm sàn dự kiến vẫn giữ nguyên như năm trước.
- Với mức điểm sàn như năm trước, nhiều trường vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng đó là do điểm sàn không hợp lý?
- Những năm trước, các trường không tuyển đủ chỉ tiêu do quy định về xét tuyển khắt khe. TS chỉ được 2 cơ hội xét tuyển, còn các trường chỉ có 2 đợt. Như vậy, dù nguồn tuyển có nhiều nhưng do thời gian và cơ hội hạn hẹp nên có nhiều thí sinh dù điểm cao nhưng vẫn trượt.
Năm nay, Bộ không giới hạn số NV và không giới hạn các đợt xét tuyển cũng như thời gian xét tuyển. Bộ cũng không quy định điểm trúng tuyển lần sau cao hơn lần trước. Điều đó sẽ giúp các trường và thí sinh có nhiều cơ hội, đảm bảo những thí sinh đủ điểm sàn đều có cơ hội học ĐH. Còn các trường có đủ uy tín thì đảm bảo sẽ xét tuyển đủ chỉ tiêu.
- Nhưng hiện nay có nhiều trường công lập chỉ tuyển thí sinh có mức điểm bằng điểm sàn. Vì vậy, các trường ngoài công lập sẽ khó tuyển sinh do tâm lý thí sinh vẫn thích vào trường công lập. Vậy khi cân nhắc điểm sàn, Bộ có phương án nào cho các trường ngoài công lập hay không?
- Khi tính toán điểm sàn, Bộ đã để số TS đủ điều kiện xét tuyển cao hơn nhiều lần so với chỉ tiêu. Có khối thi đã dư hàng chục lần. Vì vậy, trường công lập không thể tuyển hết nguồn thí sinh. Ví dụ: Với mỗi khối thi, tỷ lệ thí sinh còn dôi dư so với chỉ tiêu thấp nhất cũng gấp 1,7 lần. Nghĩa là cứ 1,7 em nộp hồ sơ chỉ có 1 em trúng tuyển. Như vậy, các trường ngoài công lập không lo không đủ nguồn tuyển. Điều quan trọng là các trường có đủ chất lượng và uy tín để thu hút các em hay không.
Xem điểm thi tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM |
- Có ý kiến cho rằng điểm thi của thí sinh có cao hơn năm trước thì điểm sàn cũng không nên cao hơn vì thực tế khi tuyển sinh các trường cũng chỉ lấy đủ chỉ tiêu với mức từ cao xuống thấp?
- Việc nâng mức điểm sàn là để nâng cao chất lượng thí sinh. Nếu như điểm của thí sinh cao mà điểm sàn vẫn thấp thì sẽ không phản ánh đúng chất lượng. Hơn nữa, các trường sẽ không vì thế mà nâng cao điều kiện tuyển chọn. Điểm sàn là ngưỡng tối thiểu để thí sinh có đủ năng lực học ĐH. Mục tiêu của Bộ là nâng dần mức điểm sàn để các em đạt ngưỡng tối thiểu là 15 điểm/3 môn. Trên thực tế, mức điểm sàn 13 và 14 là để tạo điều kiện cho các trường có nhiều nguồn tuyển. Vì thế, điểm sàn chắc chắn không thể hạ thấp hơn và sẽ tăng dần qua từng năm.
Theo Thanh Niên