Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Điểm thi cao khiến các trường top trên khó tuyển sinh

Theo PGS.TS Trần Văn Tớp, ĐH Bách khoa Hà Nội quan tâm những thí sinh đạt từ 7 điểm trở lên. Số thí sinh đạt điểm này ở mỗi môn thi tương đối lớn.

Ngày 7/7, Bộ GD&ĐT công bố phổ điểm các môn thi THPT quốc gia năm 2017. 

PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội - trả lời phỏng vấn Zing.vn về phổ điểm thi và việc xét tuyển vào trường.

Điểm chuẩn sẽ tăng so với năm ngoái

- Ông có nhận xét gì về phổ điểm thi THPT quốc gia do Bộ GD&ĐT công bố?

- Phổ điểm có sự phân bố tốt hay xấu dựa vào đỉnh để xác định nghiêng về phía bên phải (điểm cao) hay bên trái (điểm thấp).

ĐH Bách khoa Hà Nội quan tâm phổ điểm của môn Toán, Lý, Hóa và số lượng thí sinh không nhiều ở môn Văn và Sinh. Chúng tôi đặc biệt chú ý môn Toán, nhiều ngành kỹ thuật của ĐH Bách khoa Hà Nội đòi hỏi nhân đôi điểm môn này. Những thông tin từ phổ điểm rất đáng để suy nghĩ. 

Diem Chuan 2017 anh 1
PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Tiến Tuấn.

ĐH Bách Khoa Hà Nội quan tâm những thí sinh đạt từ 7 điểm trở lên. Tuy nhiên, nhìn theo phổ điểm có thể thấy số lượng thí sinh đạt điểm này tương đối lớn. Đặc biệt, các cột điểm đặt liền kề nhau, ví dụ từ 7 điểm đến 7,2 điểm đều có số lượng thí sinh nhiều gần bằng nhau (môn Toán có hơn 20.000 em). Điều này thể hiện sự phân hóa không rõ nét ở thí sinh có điểm cao.

Theo nhận định chung, mặt bằng điểm thi năm nay cao hơn năm ngoái có thể dẫn đến ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào và điểm chuẩn sẽ tăng, đặc biệt là ở các ngành "hot".

- Những ngày gần đây, dư luận quan tâm "mưa điểm 10" ở kỳ thi THPT quốc gia. Ông có thể lý giải nguyên nhân thí sinh đạt điểm cao tăng đột biến như vậy?

- Việc có nhiều thí sinh đạt điểm 10 không phải do coi thi dễ. Năm nay, việc coi thi được đảm bảo nghiêm ngặt, có sự tham gia giám sát của cả Bộ GD&ĐT, các sở GD&ĐT, trường đại học. Hình thức thi bằng trắc nghiệm cũng hạn chế việc gian lận thi cử, trừ các trường hợp gian lận bằng công nghệ cao chưa được phát hiện.

Điểm thi năm nay cao hơn các năm có thể do đề thi phù hợp hơn, nội dung thi chỉ gói gọn trong chương trình lớp 12, số môn thi cũng tăng so với năm ngoái (từ tối thiểu 4 môn thành 6 môn). Tuy nhiên, điểm thi cao không đồng nghĩa chất lượng học sinh tốt hơn các năm trước.

- Thí sinh có điểm thi cao có gây khó khăn trong việc tuyển sinh của nhà trường không?

 - Điểm cao quá sẽ khó tuyển sinh. Tuy vậy, nhà trường cũng đã lường trước khó khăn này.

ĐH Bách khoa Hà Nội và các trường top trên bắt buộc phải chọn tiêu chí phụ để tuyển sinh. Không có tiêu chí phụ thì không thể xét tuyển được.

Dự kiến năm nay, ĐH Bách khoa Hà Nội đưa ra 2 tiêu chí phụ. Mọi năm, trường chỉ có một tiêu chí phụ là lấy điểm môn Toán từ cao xuống, nếu đủ sẽ dừng lại.

Năm nay, môn Toán nhân hệ số 2. Tiêu chí phụ thứ nhất là tổng điểm của ba môn (không cộng điểm ưu tiên khu vực và các cuộc thi, kỳ thi học sinh giỏi), sẽ công bằng hơn cho thí sinh. Tiêu chí phụ thứ hai là nguyện vọng nào cao hơn sẽ được ưu tiên.

Ví dụ, 2 thí sinh có điểm bằng nhau, em đăng ký nguyện vọng 2 vào ĐH Bách Khoa Hà Nội sẽ được ưu tiên so với bạn có nguyện vọng 3.

Nên biết lượng sức khi xét tuyển đại học

- Trước những thay đổi nêu trên, ông có lời khuyên như thế nào cho thí sinh?

- Quy chế của Bộ GD&ĐT năm nay tạo điều kiện tối đa cho thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển. Tuy nhiên, mỗi thí sinh, phụ huynh phải là những người thông thái, nghiên cứu kỹ về quá trình xét tuyển, điểm trúng tuyển ở các năm trước, xu hướng trong tương lai qua các kênh tư vấn tuyển sinh của trường và nhiều phương tiện khác.

Thí sinh nên biết lượng sức mình, đặc biệt trong một năm điểm thi có sự thay đổi mặt bằng chung như 2017. Việc Bộ GD&ĐT không hạn chế số lượng nguyện vọng không gây khó khăn vì đã có bộ phận lọc ảo.

- Nhìn lại kỳ thi THPT quốc gia đã được tiến hành trong 3 năm, theo ông, có nên tách hai kỳ thi tốt nghiệp và đại học trong tương lai?

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng nên tách hai kỳ thi tốt nghiệp và đại học, việc này cần phải được xem xét kỹ lưỡng. 

Tôi cho rằng mỗi phương thức thi đều có ưu và nhược điểm riêng. Từ năm 2014 trở về trước, hai kỳ thi được tổ chức với nhiều căng thẳng, tốn kém. Tuy nhiên, tìm giải pháp chung cho các kỳ thi là điều khó. 

Cá nhân tôi cũng mong muốn trong tương lai, chúng ta có một kỳ thi riêng để các trường xét tuyển đại học, một kỳ thi khác là tốt nghiệp có thể được triển khai nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, điều này còn được quy định bởi luật pháp.

Phân tích phổ điểm thi THPT quốc gia Theo các trường đại học, phổ điểm thi THPT quốc gia có thể gây khó khăn trong việc tuyển sinh của nhà trường.

Bộ GD&ĐT công bố phổ điểm thi THPT quốc gia 2017

Ngày 7/7, Bộ GD&ĐT công bố phổ điểm các môn thi THPT quốc gia. Hầu hết bài thi, môn thi đều có điểm trung bình từ 4,5 đến 6,5.

Tại ĐH Công nghiệp Hà Nội, ông Kiều Xuân Thực, Trưởng phòng Đào tạo, cho rằng về mặt lý thuyết, điểm cao sẽ ảnh hưởng việc tuyển sinh. Điểm thi cao thì điểm trúng tuyển sẽ phải tăng lên.

TS Phạm Thu Hương, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, ĐH Ngoại thương Hà Nội, cho biết: Nhìn vào phổ điểm có thể thấy lượng thí sinh đạt điểm cao năm 2017 nhiều hơn so với năm 2016.

Những năm trước, khi điểm càng lên cao, số lượng càng ít đi, phổ điểm xuống dốc nhanh, nhưng năm nay phổ điểm thoải, xuống dốc dần dần. Điều này có thể gây khó khăn trong việc xác định ngưỡng trúng tuyển của các trường top trên.

Nỗi lo 28 điểm vẫn trượt đại học hàng đầu

Trước tình hình điểm thi cao như hiện nay, lãnh đạo một số trường đại học bày tỏ lo lắng về công tác tuyển sinh sẽ gặp khó khăn.

'Quá nhiều điểm 10 phản ánh chất lượng giáo dục ảo'

Theo thầy Đào Tuấn Đạt, quá nhiều điểm 10 trong kỳ thi THPT quốc gia là kết quả của việc thay đổi môn thi, đề thi, hình thức thi chứ không phải chất lượng giáo dục được nâng cao.


Quyên Quyên

Video: VTV

Bạn có thể quan tâm