Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Điểm tựa' cho hàng trăm học sinh nghèo, mồ côi ở vùng cao Quảng Ngãi

Tập thể giáo viên ở huyện vùng cao Sơn Hà (Quảng Ngãi) đang trở thành "điểm tựa" vững chắc giúp hàng trăm học sinh nghèo, mồ côi vượt khó đến trường học tập.

'Bà đỡ nhân ái' của học sinh nghèo, mồ côi ở vùng cao Quảng Ngãi Từ lâu, hàng trăm giáo viên huyện vùng cao Sơn Hà (Quảng Ngãi) trở thành "bà đỡ" hết mực yêu thương, giúp học sinh nghèo, mồ côi vững tin đến trường học tập.
'Ba do' hoc sinh Quang Ngai anh 1
Bản làng vùng cao huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi), nơi có hàng trăm giáo viên nhận đỡ đầu giúp đỡ học sinh nghèo, mồ côi... có số phận bất hạnh vững bước đến trường học tập.
'Ba do' hoc sinh Quang Ngai anh 2
Mỗi ngày, hàng chục học sinh ở thôn Nước Rinh, xã Sơn Bao (huyện Sơn Hà) phải đi bè tre vượt sông sâu nguy hiểm đến trường. Sau khi rà soát từ bậc mầm non đến THCS, ngành giáo dục huyện Sơn Hà xác định có gần 850 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi... đang học tập ở các trường học. Trong số này, có 34 em mồ côi cả cha lẫn mẹ, số còn lại là mồ côi cha hoặc mẹ, dị tật... cần đặc biệt quan tâm.
'Ba do' hoc sinh Quang Ngai anh 3
Cô Nguyễn Thị Thành - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Sơn Hà - cho hay thương cảm số phận bất hạnh của học trò, liên tục hai năm qua, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo Sơn Hà phát động tinh thần tự nguyện nhận đỡ đầu; kêu gọi nhà hảo tâm giúp đỡ, yêu thương các em như "đứa con" trong gia đình. "Đến nay, có khoảng 643 học sinh mồ côi, khó nghèo được các giáo viên các cấp nhận đỡ đầu, chăm sóc và dạy kèm ngoài giờ đến lớp. Tôi hy vọng đội ngũ giáo viên dành tình cảm yêu thương, quan tâm hỗ trợ sẽ là nguồn động viên lớn giúp các em đến trường vui hơn, hạnh phúc hơn", cô giáo Thành chia sẻ.
'Ba do' hoc sinh Quang Ngai anh 4
Cô giáo Phạm Thị Khánh - giáo viên chủ nhiệm lớp 1B, trường tiểu học Sơn Ba (huyện Sơn Hà) - say sưa cầm tay cậu bé tý hon Đinh Văn K'Rễ (10 tuổi chỉ nặng 4 kg, cao 60 cm) tập viết chữ. "Lúc đầu, việc dạy học cho em gặp nhiều khó khăn nhưng sau vài tuần, bé K'Rễ bắt chước bạn rất nhanh: Vỗ tay tập hát, cầm phấn viết vào bảng con, đứng dậy chào cô giáo. Em cũng có thể tự đi về khu nội trú... Hình ảnh nam sinh trong lớp đã gợi cho tôi nhiều cảm xúc, thấy thương em nhiều lắm", nữ giáo viên bộc bạch.
'Ba do' hoc sinh Quang Ngai anh 5
Nhiều năm qua, các giáo viên trường tiểu học Sơn Ba vào vai "làm cha, làm mẹ" chăm sóc cậu học trò K'Rễ không may mắc hội chứng Seckel (người lùn, đầu chìm) hiếm gặp thế giới hòa nhập với bạn bè cùng trang lứa. Trước đó, nhiều lần, các giáo viên về làng vận động gia đình ông An đưa bé K'Rễ đến trường tiểu học Sơn Ba kiểm tra, làm quen môi trường học tập. Đến đầu năm học mới 2016, ông mới đưa con trai đến ở nội trú, chính thức vào học lớp 1.
'Ba do' hoc sinh Quang Ngai anh 6
Bé K'Rễ được các thầy, cô giáo thay nhau chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ. Trường đã đặt may một số bộ đồng phục quần xanh, áo trắng, mũ và 4 đôi giày da phù hợp đôi bàn chân bé xíu và đặt thợ mộc đóng thêm lớp gỗ dày tạo "chiếc ghế đặc biệt" để cậu bé ngồi học thuận lợi.
'Ba do' hoc sinh Quang Ngai anh 7
 Thầy giáo Phan Vũ Quang - giáo viên chủ nhiệm lớp 4B, trường tiểu học Di Lăng - 2 hướng dẫn cậu học trò tí hon Đinh Hoàng Khít làm bài tập môn Tiếng Việt. Khít tròn 13 tuổi nhưng chỉ cao 1 m, nặng 13 kg, học lớp 4. Thể trạng nhỏ bé là vậy, hàng ngày cậu học trò vẫn đều đặn đi bộ băng rừng, vượt 4 km đường đèo dốc hiểm trở đến trường học tập.
'Ba do' hoc sinh Quang Ngai anh 8
Mồ côi cha từ thuở lọt lòng, sau đó mẹ cũng rời làng mưu sinh tận Tây Nguyên, nhiều năm qua, cậu bé tí hon Đinh Hoàng Khít nương tựa vào ông, bà ngoại. Cô Võ Thị Thanh Thủy - hiệu phó trường tiểu học Di Lăng 2 - cho hay sau thời gian dài về làng vận động, tập thể giáo viên của trường đã thuyết phục được ông Đinh K'Tểnh cho bé xuống núi học tập. "Thương số phận bất hạnh của em, tôi tình nguyện nhận đỡ đầu, xem Khít như con ruột của mình. Ngoài hỗ trợ lương thực, tôi thường xuyên mua quần áo, sách vở... đến làng thăm hỏi chăm sóc, động viên em nỗ lực học hành", cô Thủy bộc bạch.
'Ba do' hoc sinh Quang Ngai anh 9
Những lúc học sinh ốm đau, các giáo viên vượt đường đèo dốc hiểm trở về tận làng thăm hỏi chăm sóc, động viên ra lớp trở lại. 
'Ba do' hoc sinh Quang Ngai anh 10
Thầy giáo Từ Phương Thảo - giáo viên trường THCS Sơn Bao (huyện Sơn Hà) - vượt sông Rinh chảy xiết đến tận bản làng dạy kèm môn Toán cho em Đinh Văn Nu, học sinh lớp 8B. "Hoàn cảnh gia đình nghèo khó, cha mẹ lại rời quê làm ăn xa, tôi nhận đỡ đầu mua quần áo, sách vở giúp Nu ngay từ đầu năm học. Những lúc em ốm đau, tôi mua thuốc đến nhà chăm sóc và dạy kèm các môn Toán, Vật Lý củng cố kiến thức cho em ngoài giờ lên lớp", thầy giáo Thảo thổ lộ.
'Ba do' hoc sinh Quang Ngai anh 11
Cô giáo Đinh Hoàng Huy - giáo viên chủ nhiệm lớp 8C, trường THCS Sơn Thượng - vận động vượt núi, băng rừng vận động nhưng Thảo phân trần mắc cỡ với bạn bè vì lỡ mang bầu sớm với "chồng tương lai" nên không thể đến lớp nữa. "Nỗi lo lớn nhất hiện nay là hệ lụy tảo hôn vẫn còn dai dẳng ở vùng cao Quảng Ngãi. Vấn đề này không chỉ riêng ngành giáo dục quan tâm mà các cấp, các ngành cũng cần chung tay giúp đỡ để tương lai con trẻ tránh được vòng luẩn quẩn đói nghèo", cô giáo Huy trăn trở.  

Trước đó, cuối tháng 3, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác thăm tập thể giáo viên, học sinh trường tiểu học Sơn Ba, huyện vùng cao Sơn Hà, Quảng Ngãi.

Dịp này, Bộ trưởng đánh giá cao thầy, trò trường tiểu học Sơn Ba không những nỗ lực vượt khó trong công tác giảng dạy, học tập, mà còn giàu lòng yêu thương, đưa bé K'Rễ từ buôn làng xa xôi về học tập.

Ôm bé tí hon K'Rễ vào lòng, bộ trưởng chúc thầy giáo Đặng Văn Cương - hiệu trưởng trường tiểu học Sơn Ba - cùng tập thể giáo viên và cậu học sinh đặc biệt dồi dào sức khỏe, nghị lực để tiếp tục cuộc hành trình dạy chữ, gieo hy vọng và truyền cảm hứng cho mọi người.

Minh Hoàng

Bạn có thể quan tâm