Các phương tiện truyền thông tại Hàn Quốc trong tuần qua đều lên tiếng quan ngại về ngành công nghiệp điện ảnh nước nhà, khi hai năm liên tiếp không có bộ phim nào đến từ đất nước này tham gia tranh giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes danh giá.
Still the Water của điện ảnh Nhật Bản là đại diện châu Á duy nhất tranh giải Cành cọ vàng năm nay. |
Trong khi đó, Trung Quốc và Nhật Bản, hai thị trường phim lớn thứ hai và thứ ba trên thế giới, cũng không có nhiều tin vui khi danh sách các phim tham gia Liên hoan phim Cannes năm nay được công bố. Tác phẩm Still the Water của nữ đạo diễn Naomi Kawase người Nhật Bản là bộ phim duy nhất nằm trong danh sách 18 phim ở hạng mục tranh Cành cọ vàng. Trung Quốc cũng chỉ có Fantasia của đạo diễn Vương Siêu là tham gia tại hạng mục Un Certain Regard (Góc nhìn độc đáo). Và không hề có một bộ phim Đông Nam Á nào nằm trong hai hạng mục kể trên.
Đạo diễn Im Kwon Taek người Hàn Quốc sẽ không tham dự Cannes với tác phẩm thứ 102 trong sự nghiệp như nhiều lời đồn đoán ban đầu. |
Bộ phim gần đây nhất của Hàn Quốc tham gia tranh giải Cành cọ vàng là Taste of Money của đạo diễn Im Sang Soo hồi năm 2012. Ba cái tên đạo diễn lớn của Hàn Quốc sắp sửa có phim ra mắt gồm Im Kwon Taek, Kim Ki Duk và Hong Sang Soo đều vắng bóng tại Cannes năm nay. Điều này gây nên một nỗi thất vọng lớn cho nền công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc. Trước khi có thông báo chính thức từ Cannes, đã xuất hiện một số tin đồn cho rằng Hwajang của Im Kwon Taek sẽ có mặt tại nước Pháp trong năm nay. Đây là tác phẩm thứ 102 trong sự nghiệp của đạo diễn lừng lẫy này và ông cũng từng đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Cannes năm 2002 với bộ phim Chihwaseon (Túy họa tiên).
Nhà sản xuất Shim Jae Myoung của hãng Myung Film cho rằng: “Ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc ngày nay chú trọng sản xuất các tác phẩm chính thống thay vì các bộ phim nghệ thuật thử nghiệm. Các liên hoan phim thường đặt gánh nặng lên các bộ phim nghệ thuật, nên có lẽ đây là lý do khiến điện ảnh Hàn Quốc không được lựa chọn”.
Đạo diễn lừng danh Kim Ki Duk cũng không xuất hiện tại Cannes năm nay dù sắp sửa có phim mới. |
Đạo diễn lừng danh Kim Ki Duk, người từng đoạt giải Phim xuất sắc nhất tại hạng mục Un Certain Regard hồi năm 2011 với Arirang cũng không góp mặt tại Cannes năm nay, cho dù bộ phim mới với đề tài trả thù của ông là One on One sắp sửa ra mắt tại quê hương từ ngày 22/5 tới. “Thật đáng buồn khi không có một phim Hàn Quốc nào tranh giải tại Cannes năm nay. Chúng tôi sẽ tập trung vào việc quảng bá cho One on One ở trong nước”, trích lời một phát ngôn viên cho hãng phim của Kim Ki Duk.
A Girl at My Door, tác phẩm đầu tay của đạo diễn Jung Joo Ri là đại diện của Hàn Quốc tại hạng mục Un Certain Regard. |
Dẫu vậy, vẫn sẽ có ba bộ phim Hàn Quốc được trình chiếu tại Cannes 2014, bao gồm: A Girl at My Door của Jung Joo Ri tại hạng mục Un Certain Regard, The Target của Yoon Hong Seung trong chương trình Midnight Screening, và Soom của Kwon Hyun Ju trong chương trình Cinefondation dành cho phim học sinh sinh viên.
Trong tác phẩm A Girl at My Door, nữ diễn viên Bae Doo Na thủ vai một nữ cảnh sát cố gắng giúp đỡ một trẻ vị thành niên gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhưng cuối cùng cô lại trở thành nạn nhân của bố dượng đứa trẻ. Đây là tác phẩm đầu tay của đạo diễn Jung Joo Ri. Anh chia sẻ, “Thật khó tin khi bộ phim đầu tiên trong sự nghiệp của tôi sẽ được trình chiếu tại Cannes. Tôi rất biết ơn và hạnh phúc khi A Girl at My Door được trao cho một cơ hội tuyệt vời đến như vậy”.
The Target nhận được nhiều lời khen sớm từ các buổi chiếu thử và dự kiến sẽ ra mắt khán giả Việt Nam trong mùa hè này. |
Trong khi đó, The Target là bộ phim Hàn Quốc thứ ba trong lịch sử tham gia vào chương trình Midnight Screening, sau những A Bittersweet Life và The Chaser. Bộ phim là phiên bản làm lại từ tác phẩm hành động Point Blank của điện ảnh Pháp, kể lại nỗ lực của một người đàn ông cố gắng minh oan cho vợ bị kết tội sát nhân. Sau khi thưởng thức bộ phim, đạo diễn của Point Blank đã hết sức khen ngợi diễn viên chính Ryu Seung Ryong trong phiên bản làm lại và gọi anh là ‘Robert De Niro của điện ảnh Hàn Quốc’.
Still the Water đến từ Nhật Bản là đại diện duy nhất của châu Á tham gia tranh giải Cành cọ vàng năm nay. Tác giả của bộ phim, đạo diễn Naomi Kawase, thực chất là một người quen của Liên hoan phim Cannes. Năm 1997, cô trở thành đạo diễn trẻ tuổi nhất đoạt giải Camera d’Or (Máy quay vàng) với bộ phim đầu tay Suzaku. Mười năm sau, cô tiếp tục giành giải Grand Prix với The Mourning Forest. Mới năm ngoái, Naomi Kawase cũng nằm trong hội đồng thẩm định điện ảnh của Cannes.
Là một người quen tại Liên hoan phim Cannes, nhưng nữ đạo diễn Naomi Kawase lại bị giới truyền thông Nhật Bản tương đối thờ ơ trong năm nay. |
Dẫu là một khách mời thường xuyên tại Đại lộ Croisette (nơi tổ chức Liên hoan phim Cannes), nhưng các bộ phim của cô ít khi được quảng bá và phát hành rộng rãi ngay tại chính quê nhà. Thế nên, giới truyền thông Nhật Bản cũng không mấy mặn mà với đề cử dành cho Still the Water của cô trong năm nay. Bộ phim được cho là sẽ xoay quanh một cặp trẻ vị thành niên sống trên hòn đảo Amami-Oshima hoang sơ và những sự kiện kỳ lạ diễn ra tại đó.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn với The Hollywood Reporter, hai đạo diễn trong khu vực Đông Nam Á cũng cho biết họ có để ý tới sự vắng mặt của khu vực mình tại các hạng mục tranh giải ở Cannes năm nay. Họ cũng hy vọng nhiều tin tức khả quan hơn khi các chương trình bên lề Liên hoan phim được thông báo cụ thể trong cuối tuần này.
Quy lai, tác phẩm mới đến từ đạo diễn Trương Nghệ Mưu dù nhận được lời khen ngợi từ các đồng nghiệp như Lý An, Steven Spielberg, cũng không tham gia tranh giải Cành cọ vàng năm nay. |
Cũng ở thời điểm này, báo chí Trung Quốc lại đang tập trung ca tụng việc tác phẩm Quy lai của đạo diễn Trương Nghệ Mưu sẽ có màn ra mắt tại Cannes năm nay. Tuy nhiên, bộ phim mới nhất của nữ diễn viên Củng Lợi cũng không nằm trong danh sách tranh giải. Điều này đồng nghĩa với việc đạo diễn Trương Nghệ Mưu sẽ không thể nhận được những lời tung hô để tôn thêm thanh thế và uy tín, một điều mà ông rất muốn có được trong tình hình thị trường phim nội địa của Trung Quốc rất phát triển nhưng lại không được giới phê bình đón nhận khi đưa ra nước ngoài.
Bạch nhật, diễm hỏa, bộ phim giành giải Gấu vàng tại Liên hoan phim Berlin hồi tháng 2, cũng vắng mặt tại Cannes 2014. |
Sự xuất hiện ít ỏi của phim Trung Quốc tại Cannes năm nay có thể coi là một điều bất ngờ. Bởi Liên hoan phim Berlin hồi tháng 2 vừa qua đã đưa tới ba tác phẩm đặc sắc của điện ảnh nước này gồm Bạch nhật, diễm hỏa của Điêu Diệc Nam, Vô nhân quốc của Ninh Hạo, và Blind Massage của Lâu Diệp, vào danh sách tranh giải. Cuối cùng, tác phẩm Bạch nhật, diễm hỏa đã giành giải thưởng Gấu vàng khi Liên hoan phim kết thúc.
Năm ngoái, một đạo diễn nổi tiếng người Trung Quốc là Giả Chương Kha đã giành giải Kịch bản xuất sắc nhất với bộ phim A Touch of Sin. Đây cũng là tác phẩm duy nhất đến từ Trung Quốc tham gia tranh giải Cành cọ vàng trong ba năm trở lại đây. Nhân dịp các tác phẩm nước nhà vắng bóng tại Cannes năm nay, anh đã chia sẻ về vấn đề kiểm duyệt tại Trung Quốc ảnh hưởng tới tiềm năng phát triển điện ảnh của đất nước này ra sao.
Đạo diễn nổi tiếng Giả Chương Kha cho rằng các phim Trung Quốc thành công tại Cannes đều gặp khó khăn khi muốn trình chiếu tại nước nhà. |
“Hôm qua, một vị viên chức đã hỏi tôi rằng, nếu công tác trao đổi văn hóa giữa Trung Quốc và Pháp diễn ra thường xuyên như vậy, thì làm thế nào để chúng ta có thể chắc chắn rằng các bộ phim của chúng ta có thể thành công tại Liên hoan phim Cannes?”, Giả Chương Kha đã mở đầu lời tâm sự trên tài khoản Weibo của anh như vậy.
“Câu trả lời của tôi là, kể từ Bá vương biệt cơ hồi năm 1993, những bộ phim giành giải thưởng tại Cannes đều không gặp may mắn trong việc phát hành ở quê hương. Bá vương biệt cơ của Trần Khải Ca, Phải sống của Trương Nghệ Mưu, Quỷ dữ trước cửa của Khương Văn, Xuân phong trầm túy đích dạ hoàng của Lâu Diệp – tất cả đều không gặp may khi muốn phát hành tại ngay chính nước nhà. Liệu đây có phải là lúc để suy nghĩ lại về vấn đề này hay không?”
Bá vương biệt cơ (1993) vẫn là bộ phim duy nhất của điện ảnh Trung Quốc giành giải Cành cọ vàng trong lịch sử Liên hoan phim Cannes. |
Giả Chương Kha rõ ràng là muốn ám chỉ tới công tác kiểm duyệt điện ảnh tại Trung Quốc. Mối quan hệ giữa điện ảnh nước này với giải thưởng Cành cọ vàng từ trước tới nay vốn luôn gặp nhiều trắc trở. Năm 2009, Lâu Diệp đã đem Xuân phong trầm túy đích dạ hoàng tới dự Liên hoan phim Cannes, bất chấp việc anh đang nằm trong quãng thời gian bị cấm làm phim tại Trung Quốc trong vòng 5 năm. Sự việc này vốn xuất phát từ việc anh đem tác phẩm Di Hòa Viên tới Cannes năm 2006 mà không được sự cho phép của chính phủ.
Liên hoan phim Cannes hồi năm ngoái cũng xảy ra một sự kiện kỳ quặc đối với điện ảnh Trung Quốc. Trương Khương, phó chủ tịch Hội đồng Điện ảnh Trung Quốc, đã đột ngột rời khỏi Cannes và hủy bỏ một buổi họp báo sau khi toàn bộ hành lý của ông bị ăn trộm tại khách sạn. Ông đã thể hiện sự giận dữ của mình trên tài khoản Weibo cá nhân sau khi nhân viên khách sạn bảo Trương Khương hãy tự liên lạc với cảnh sát về vụ trộm này. “An ninh ở Pháp quá tệ, còn người dân thì ngạo mạn”, Trương Khương viết. “Liên hoan phim này thật chẳng đáng để nhắc tới!”, ông nhấn mạnh thêm.
Liên hoan phim Cannes lần thứ 67 năm 2014 sẽ diễn ra từ ngày 15 tới ngày 25/5 tới. Các giải thưởng chính sẽ được trao trong lễ bế mạc tối ngày 24/5.