Không thể phủ nhận điện ảnh Việt Nam trong năm 2017 đã có tiến bộ về mặt số lượng và kỹ thuật. Nhưng vẫn còn đó nhiều hạn chế khiến công chúng buộc phải hoài nghi và chất lượng thực sự của mỗi bộ phim trước khi quyết định bỏ tiền mua vé.
Chất lượng kỹ thuật đã tốt hơn
Sau năm 2016 có phần chững lại, tâm lý “mỳ ăn liền” trong giới làm phim đã giảm bớt. Trong quá khứ, các bộ phim thường được thực hiện tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM… để giảm thiểu chi phí. Nhưng đội ngũ làm phim nội tới nay đã không tiếc tiền đầu tư cho phần bối cảnh hoành tráng.
Như Dạ cổ hoài lang của đạo diễn Dũng “khùng” được thực hiện hầu hết ở Mỹ (dù số lượng cảnh nội là tương đối lớn), hay Giấc mơ Mỹ - một tác phẩm gây tranh cãi lớn về mặt nội dung của nhà sản xuất Mai Thu Huyền - cũng tuyên bố có 60% số lượng cảnh ghi hình ở xứ sở cờ hoa…
Chẳng cần đến trời Tây, nhiều dự án phim Việt trong năm qua cũng chịu khó đầu tư bối cảnh ở nhiều vùng miền khác nhau. Như Ngày mai Mai cưới quay ở Gò Công, Đảo của dân ngụ cư hay Cô gái đến từ hôm qua đều ghi hình ở Hội An, hay Cha cõng con tỏ ra khá kỳ công khi tái hiện hình ảnh mùa lũ cuốn ở các tỉnh miền núi phía Bắc…
Tiếp đó, cảnh quay trong phim cũng trở nên chỉn chu hơn. Nhờ vậy, các đạo diễn có thể thỏa sức mang tới những thước phim nghệ thuật, cũng như cảnh đẹp của nước nhà tới cho người xem. Ngoài ra, họ cũng mạnh dạn áp dụng kỹ xảo cho “đứa con tinh thần” dù tất cả mới chỉ là bước đầu.
Cách đây nhiều năm, Dòng máu anh hùng và Bẫy rồng gây nức lòng người làm nghề, nhưng lại đạt doanh thu không thực sự như ý muốn. Trải qua một thời gian dài, các nhà làm phim Việt tỏ ra “né” dòng phim hành động thuần chất.
Tuy nhiên, yếu tố võ thuật cũng được đầu tư tốt hơn trong năm nay. Lần lượt Lôi Báo, Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh Kung Fu, Vú em tập sự hay Chí Phèo ngoại truyện đều chứa đựng những cảnh chiến đấu đẹp mắt, dù không phải phim nào cũng đơn thuần là hành động.
Đa dạng đề tài, ấn tượng doanh thu
Năm 2016 chứng kiến không ít tác phẩm thất bại tại phòng vé của điện ảnh Việt Nam. Nhưng mọi chuyện rõ ràng đã có chuyển biến tích cực trong 12 tháng qua.
Trước tiên, chưa bàn tới chất lượng sau cùng, lượng phim trong năm 2017 rất đa dạng về mặt đề tài, và thậm chí còn tỏ ra nhạy bén với thời cuộc: [S.O.S.] Sói trắng lên án nạn ấu dâm, Kẻ trộm chó khai thác đề tài trộm chó, Rừng xanh kỳ lạ truyện xoay quanh người đột biến, tình cảm đồng tính tiếp tục là “mỏ vàng” với nhiều tác phẩm như Lô Tô, Hot boy nổi loạn 2, Tao không xa mày…
Dòng phim kinh dị không chỉ dừng lại ở những tác phẩm thuần chất như Lời nguyền gia tộc hay Linh duyên, mà còn được thêm thắt yếu tố hài hước, tình cảm như ở Yêu đi, đừng sợ!, 49 ngày 2…
Nhưng năm 2017 còn đánh dấu sự bùng nổ của những bộ phim chuyển thể từ kịch bản nước ngoài. Yêu đi, đừng sợ! được làm lại từ Spellbound (2011) hay Sắc đẹp ngàn cân từ 200 Pounds Beauty (2006) đều của Hàn Quốc, còn Bạn gái tôi là sếp là từ ATM: Er Rak Error (2012) của Thái Lan.
Sau thành công vang đội của Em là bà nội của anh (2015), các nhà làm phim Việt bỗng như tìm ra “mảnh đất màu mỡ” mới. Nhóm tác phẩm chuyển thể khắc phục phần nào đó điểm yếu trong khâu kịch bản của điện ảnh nước nhà nhờ câu chuyện gốc xuất sắc. Đồng thời, thành phẩm cũng được hưởng lợi từ thành công của “người đi trước”.
Song, kẻ thắng cuộc lại chính là dòng phim hài - tình cảm. Em chưa 18 ra rạp trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và thu về 171 tỷ đồng, qua đó trở thành tác phẩm điện ảnh có doanh thu cao nhất lịch sử phòng vé Việt, đứng trên hàng loạt bom tấn ngoại đình đám.
Con số khổng lồ của Em chưa 18 cho thấy tiềm năng rất lớn của thị trường điện ảnh nước nhà và khán giả sẽ không bao giờ quay lưng lại với điện ảnh Việt nếu các đạo diễn cho ra đời tác phẩm xứng đáng.
Thành tích của Em chưa 18 bỏ xa hai vị trí tiếp theo trên bảng xếp hạng phim nội thuộc về Cô gái đến từ hôm qua của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh với 68 tỷ đồng, và Cô Ba Sài Gòn của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân với 60 tỷ đồng. Dẫu vậy, đây vẫn là những con số thuộc hàng đáng mơ ước của nhiều nhà làm phim trong nước.
Nhưng cũng cần phải nói thêm rằng doanh thu phim Việt tăng trưởng còn nhờ số lượng rạp chiếu phim tăng vọt trong năm 2017. Lượng người xem có thể tiếp cận với bộ môn nghệ thuật thứ bảy ngoài rạp đã tăng lên đáng kể. Và điều quan trọng lúc này là các nhà làm phim cần tìm ra thị hiếu của họ.
Còn đó những điểm yếu cố hữu
Từ trước tới nay, kịch bản luôn là “câu chuyện muôn thuở” của điện ảnh Việt Nam, và mọi chuyện chưa có nhiều tiến triển trong năm qua. Đề tài phim nay có đa dạng, nhưng rốt cuộc chưa được khai thác chỉn chu.
Như Giấc mơ Mỹ lấy câu chuyện về ngành y khoa cùng giấc mơ đổi đời của nhiều người Việt khi sang Mỹ. Song, bộ phim chẳng thể hiện nổi những cảnh quay mang tính chuyên ngành hay khắc họa sự khổ cực cũng như tinh thần vươn lên của các nhân vật.
[S.O.S.] Sói trắng gây thất vọng lớn khi tác giả Lê Hoàng lại chọn xoáy sâu vào câu chuyện tình mâu thuẫn giữa người chị gái của nạn nhân và kẻ thủ ác, trong khi quên đi nỗi đau của đối tượng bị xâm hại tình dục.
Dẫu sở hữu Thanh Hằng cùng đề tài mẹ chồng - nàng dâu gần gũi, Mẹ chồng vẫn gây ra tranh cãi bởi thiếu tính logic trong bối cảnh và nội dung cốt truyện. Hay Nắng 2 và Hot boy nổi loạn 2 đều là phần tiếp theo của những bộ phim ăn khách, nhưng cả hai đều đi quá xa tinh thần nguyên tác, và vướng phải nhiều “sạn” hơn.
Cùng thuộc dòng kinh dị - thể loại từng có thời “hái ra tiền” ở Việt Nam, cả Oán lẫn Lời nguyền gia tộc đều thất bại bởi phần nội dung còn khiên cưỡng. Tất cả cho thấy khán giả Việt đã dần trở nên khó tính hơn và không còn dễ dãi như trong quá khứ.
Nếu nhìn vào top 5 phim ăn khách nhất trong năm qua tại Việt Nam, chỉ có duy nhất Em chưa 18 đứng đầu là phim nội. Bốn cái tên còn lại vẫn là các phim Hollywood: Kong: Skull Island (169 tỷ đồng), Fast & Furious 8 (158 tỷ đồng), Annabelle: Creation (89 tỷ đồng) và The Boss Baby (86 tỷ đồng). Rõ ràng, trên cuộc đua đường dài, phim Việt vẫn còn yếu hơn hẳn so với các tác phẩm ngoại.
Trở lại trào lưu làm lại phim nước ngoài, không phải tác phẩm nào của Việt Nam cũng thành công như Em là bà nội của anh và đây thực tế là “miếng bánh không dễ nuốt”. Đơn cử như trường hợp của Sắc đẹp ngàn cân, phim mang nguyên si kịch bản gốc từ cách đây hơn 10 năm của người Hàn và trở nên cũ kỹ, nhàm chán.
Trào lưu remake phim ngoại giờ bị đặt vào vòng nghi vấn, nhưng khán giả Việt trong năm sau sẽ tiếp tục được thưởng thức Tháng năm rực rỡ (làm lại từ Sunny), Yêu em bất chấp (làm lại từ My Sassy Girl), và có thể là Ông ngoại tuổi 30 (làm lại từ Speedy Scandal), Vợ tôi là Gangster (làm lại từ My Wife is a Gangster)…
Cuối cùng, diễn xuất cũng là điều không ít lần khiến phim Việt trở nên mất điểm. Đã qua rồi cái thời chỉ cần mời hot boy hoặc hot girl đóng phim thì sẽ gây tò mò cho khán giả và thu về doanh thu “khủng”.
Các ca sĩ, người mẫu khi đóng phim cứ thế bộc lộ điểm yếu chết người về diễn xuất, và ngay cả ngoại hình quyến rũ cũng không thể cứu vãn nổi màn trình diễn của họ. Trường hợp mới nhất có thể kể tới Vũ Ngọc Anh của Lôi Báo với phần đài từ dở tệ, gần như phá hỏng nhân vật bác sĩ Tuệ trong phim.
Trong thời buổi nhiều người muốn và có khả năng đầu tư sản xuất phim, làm phim không còn là cuộc dạo chơi dễ dàng, mà đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc trong mọi khâu, nhất là kịch bản và diễn xuất. Hy vọng các ê-kíp làm phim của Việt Nam có thể rút ra những bài học đắt giá, từ cả thành công lẫn thất bại trong năm qua, để mang đến nhiều tác phẩm hấp dẫn hơn cho công chúng.