Sau 2 tuần xét xử và nghị án, dự kiến sáng 4/11, TAND TP HCM sẽ tuyên án với 11 bị cáo trong vụ lừa đảo chiếm đoạt của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh 6 (Agribank CN6).
Tuy nhiên, HĐXX bất ngờ hoãn tuyên án, quay lại phần xét hỏi. Theo chủ tọa phiên tòa, do vụ án còn nhiều tình tiết chưa được làm rõ nên cần xét hỏi và tranh luận thêm; đặc biệt là vai trò, trách nhiệm, quyền hạn và quyền lợi của Agribank.
Sau đó, HĐXX tiếp tục xét hỏi bị cáo Hồ Đăng Trung (nguyên Giám đốc Agribank CN6). Thẩm quyền của Trung chỉ cho phép duyệt vay 80 tỷ, nhưng người đàn ông này đã cho vay hàng trăm tỷ đồng.
Tuy nhiên, Trung trả lời vòng vo, ông ta khai duyệt hồ sơ cho Cường vay do có sự chỉ đạo của ông Nguyễn Thế Bình (Tổng Giám đốc Agribank Việt Nam).
Các bị cáo trước vành móng ngựa. Ảnh: K.T. |
“Tôi biết hồ sơ của Cường có vấn đề, nhưng ông Bình gọi điện nói cho vay. Vì áp lực từ cấp trên, tôi biết sai nhưng vẫn phải làm”, Trung nói.
Tuy nhiên, lời khai của ông Bình tại cơ quan điều tra thể hiện, các thủ tục nâng quyền xét duyệt vay vốn do Ban kế hoạch Agribank xử lý. Ban kế hoạch nhận thấy hồ sơ nào đủ điều kiện cho vay thì trình lên, lúc đó ông Bình mới ký.
Sau khi xảy ra vụ án, ông Bình mới biết có dự án của Dương Thanh Cường. Vị tổng giám đốc phủ nhận việc chỉ đạo Trung cho Cường vay vốn, mọi quan hệ với doanh nghiệp do chi nhánh ngân hàng trực tiếp thực hiện.
Đồng thời, HĐXX xét hỏi đại diện Agribank tại tòa về quy định cho vay của ngân hàng này. Dự kiến 15h ngày 5/11, TAND TP HCM sẽ chính thức tuyên án.
Theo nội dung cáo trạng, Công ty Dệt kim Đông Phương có trụ sở ở số 10, đường Âu Cơ (quận Tân Bình, TP HCM).
Năm 2006, thực hiện chủ trương của thủ tướng chính phủ và UBND TP HCM về việc di dời các nhà máy, xí nghiệp gây ô nhiễm ra khỏi thành phố, Công ty Đông Phương ký hợp đồng hợp tác với công ty BĐS Phương Nam để xây dựng khu đất 10 Âu Cơ thành chung cư, trung tâm thương mại.
Sau đó, Công ty Phương Nam nhượng lại 80% cổ phần thực hiện dự án cho Công ty Bình Phát (Dương Thanh Cường làm Tổng giám đốc).
Cường từng thụ án 20 năm tù về các tội Lừa đảo, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Đưa hối lộ và Trốn thuế.
Sau khi ra tù vào năm 2005, Cường lập ra hàng loạt công ty và thuê người làm giám đốc (nổi bật là các Công ty Tấn Phát, Thanh Phát).
Để có tiền thực hiện dự án được Phương Nam chuyển giao, Cường chỉ đạo cho Giám đốc Công ty Tấn Phát là Thái Cường lập hồ sơ vay Agribank CN6, tài sản thế chấp là lô đất 10 Âu Cơ cùng một số bất động sản khác.
Biết Tấn Phát là công ty mới thành lập, không có khả năng tài chính, chưa đặt quan hệ giao dịch với Agribank CN6, tài sản thế chấp là dự án trên đường Âu Cơ chưa được cơ quan chức năng phê duyệt nhưng Giám đốc Agribank CN6 - Hồ Đăng Trung vẫn duyệt hồ sơ.
Theo quy định của Agribank, CN6 không được cho vay số tiền quá 80 tỷ đồng. Tuy nhiên, Trung đã đồng ý cho Tấn Phát vay 170 tỷ đồng, vượt quá thẩm quyền của mình.
Sau đó, Thanh Cường còn sử dụng pháp nhân Công ty Thanh Phát lập dự án "ảo" ở huyện Bình Chánh. Dự án chưa được phê duyệt nhưng Trung vẫn đồng ý cho Thanh Phát vay 700 tỷ, đã giải ngân 628 tỷ.
Tính đến thời điểm khởi tố vụ án, Agribank CN6 bị thiệt hại tổng cộng 966 tỷ đồng cả gốc và lãi.
Đây là một trong 8 vụ án trọng điểm được Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, chủ trương đưa ra xét xử trước Đại hội lần thứ XII của Đảng.
Trước đó, VKSND TP HCM đề nghị 2 án chung thân với Cường về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
11 bị cáo còn lại bị đề nghị mức án 8 - 25 năm tù về các tội danh Lừa đảo, Lạm dụng tín nhiệm, Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.