Theo đó, tháng 7/2024, Viện KSND TP Hà Nội đã trả hồ sơ vụ án để tiến hành ghi lời khai những người bị hại, làm rõ số tiền đã đầu tư vào Công ty cổ phần Tập đoàn Bankland (Công ty Bankland), số tiền đã được nhận và yêu cầu đề nghị về bồi thường dân sự để có căn cứ giải quyết triệt để vụ án.
Hàng loạt cá nhân có dấu hiệu giúp sức lừa đảo
Thực hiện yêu cầu của Viện kiểm sát, CQĐT có công văn gửi 106 đơn vị công an được ủy thác tiến hành ghi lời khai người bị hại để làm rõ số tiền đã đầu tư vào Công ty Bankland, số tiền đã được nhận và yêu cầu đề nghị về mặt dân sự để có căn cứ giải quyết triệt để vụ án.
Đến nay, các đơn vị được ủy thác điều tra đang gửi kết quả. Do số lượng người bị hại tương đối lớn, CQĐT đã lập danh sách cụ thể số bị hại thể hiện rõ số tiền đã đầu tư, số tiền đã được nhận và yêu cầu đề nghị về mặt dân sự.
Hiện nay, còn một số đơn vị được ủy thác chưa trả lời và cung cấp tài liệu liên quan đến việc ghi lời khai người bị hại, Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội tiếp tục đôn đốc để thu thập tài liệu, có căn cứ giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
Các bị can trong vụ án. |
Đối với hành vi của các Phó chủ tịch, Phó Tổng giám đốc Bankland, CQĐT tiếp tục làm việc với Ngô Bá Dũng, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Văn Quyền, Đỗ Văn Cư, Vũ Hồng Quân là các đối tượng có vai trò chính theo lời khai của Vũ Đức Tĩnh và Nguyễn Thị Như.
Tại CQĐT, các cá nhân trên đều khai là thực hiện theo sự chỉ đạo, điều hành của Vũ Đức Tĩnh, Nguyễn Thị Như, nên đã tuyên truyền, giới thiệu các nội dung không đúng sự thật để nhà đầu tư tin tưởng nộp tiền vào công ty.
Tuy nhiên, họ không biết việc công ty có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư, nên mới tham gia vào công ty. Bản thân các cá nhân trên cũng đầu tư vào công ty và giới thiệu người thân, bạn bè đầu tư để hưởng lợi nhuận theo sự giới thiệu của công ty.
Các cá nhân trên khẳng định nếu biết Công ty Bankland có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các nhà đầu tư, chắc chắn không tham gia vào công ty.
Hành vi của những người này có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò giúp sức. Tuy nhiên, hiện chưa làm rõ được ý thức chiếm đoạt tài sản và số tiền các cá nhân này được hưởng lợi, nên cần thiết phải tiếp tục làm rõ để xem xét xử lý theo quy định. CQĐT vì thế ra quyết định tách hành vi, tài liệu liên quan để tiền hành điều tra xử lý.
Doanh nghiệp chưa cung cấp tài liệu theo yêu cầu
Đối với các tài sản do Vũ Đức Tĩnh chỉ đạo Nguyễn Thị Thanh Vân chuyển tiền mua tại các dự án do Tập đoàn Sungroup làm chủ đầu tư, Vũ Đức Tĩnh khai đã sử dụng tiền huy động được của các nhà đầu tư để mua bất động sản ở nhiều nơi, trong đó có bất động sản là các biệt thự, shophouse, căn hộ tại các dự án do Tập đoàn Sungroup là chủ đầu tư tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh và tại TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, được đứng tên Nguyễn Thị Thanh Vân, Nguyễn Đức Minh, Nguyễn Văn Minh.
CQĐT yêu cầu Tập đoàn Sungroup rà soát, cung cấp các tài liệu liên quan. Kết quả, có Nguyễn Thị Thanh Vân, Nguyễn Đức Minh, Nguyễn Văn Minh đứng tên ký hợp đồng mua bán nhưng do Công ty TNHH Mặt trời Phú Quốc đứng tên ký hợp đồng.
Tháng 4/2024, CQĐT có công văn số 8703 yêu cầu Công ty TNHH Mặt trời Phú Quốc cung cấp tài liệu liên quan đến các cá nhân trên.
Công ty TNHH Mặt trời Phú Quốc đã cung cấp các Hợp đồng mua bán đứng tên Nguyễn Thị Thanh Vân và Nguyễn Đức Minh. Tính đến thời điểm hiện tại, các bất động sản này đang được công ty đầu tư xây dựng nhưng chưa được đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Tuy nhiên, công ty này chưa cung cấp các tài liệu đóng tiền nên chưa xác định được hiện nay các cá nhân trên đã đóng bao nhiêu tiền để thực hiện giao dịch mua bán.
CQĐT đã yêu cầu Công ty Mặt trời Phú Quốc cung cấp toàn bộ bộ tài liệu liên quan đến việc nộp tiền và đề nghị phối hợp xử lý các tài sản trên theo quy định của pháp luật; đồng thời, ngăn chặn toàn bộ các giao dịch chuyển nhượng, mua bán. Đến nay Công ty Mặt trời Phú Quốc chưa cung cấp tài liệu theo yêu cầu của CQĐT.
Đối với 2 bất động sản tại dự án Sun Habor Plaza Hạ Long do ông Ngô Minh Tuấn đứng tên, sau khi hai bên thoả thuận thống nhất thanh lý hợp đồng thì Công ty CP Bất động sản Mặt trời 2 phải trả cho ông Tuấn số tiền là 11,6 tỷ đồng.
Tháng 4/2024, CQĐT đã yêu cầu Công ty Mặt trời 2 chuyển toàn bộ số tiền về tài khoản của CQĐT, nhưng đến nay doanh nghiệp này chưa thực hiện theo yêu cầu.
Theo hồ sơ vụ án, CQĐT xác định Vũ Đức Tĩnh là cố vấn cấp cao của Công ty Bankland. Bị can Tĩnh đã chỉ đạo Nguyễn Thị Như và Quản Văn Dương đứng ra thành lập Công ty Bankland, thoả thuận việc Quản Văn Dương giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT và Nguyễn Thị Như giữ chức vụ Tổng giám đốc.
Tĩnh sẽ được hưởng 10% doanh thu, lợi nhuận của công ty. Sau khi thành lập, Tĩnh chỉ đạo Như và Dương tổ chức các hội nghị, hội thảo, đưa ra thông tin không đúng sự thật về các loại hình đầu tư để kêu gọi các nhà đầu tư góp vốn hợp tác đầu tư, mua cổ phiếu chưa niêm yết, tuyên truyền, quảng bá để bán các dự án bất động sản chưa được cấp phép đầu tư dự án.
Nhằm quản lý được tài sản và dòng tiền nộp vào Công ty Bankland, Tĩnh bàn bạc với Nguyễn Thị Thanh Vân, Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Đức Minh để thực hiện việc quản lý, đứng tên các tài sản được hình thành từ nguồn tiền của Bankland để Tĩnh dễ bề quản lý, điều hành dù Tĩnh không phải chịu trách nhiệm pháp lý liên quan đến hoạt động của Bankland.
Tài liệu điều tra đến nay xác định có 4.736 bị hại đã nộp tiền góp vốn hợp tác đầu tư và mua bất động sản tại dự án Hồng Vân, huyện Thường Tín, TP Hà Nội và mua cổ phiếu BLI của công ty Bankland với tổng số tiền là gần 480 tỉ đồng. Hành vi của các bị can cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Sách về Pháp luật
Nội dung cuốn sách "Thực hiện pháp luật về an ninh mạng ở Việt Nam" đi sâu nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn thực hiện pháp luật về an ninh mạng dưới góc độ của ngành lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật; đánh giá thực trạng pháp luật về an ninh mạng ở Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới,.