Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Điện Biên ghi nhận 2 ca mắc bạch hầu không rõ nguyên nhân

Từ 30/4 đến 21/5, tỉnh Điện Biên ghi nhận 2 trường hợp mắc bạch hầu. Trong đó, một ca tử vong tại xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông.

Xã Pu Nhi, nơi có 2 bệnh nhân mắc bạch hầu thuộc huyện Điện Biên Đông, là xã miền núi có 13 bản, có dân số 5.819 người, trong đó hơn 70% dân là đồng bào người H'Mông, còn lại là dân tộc Thái và các dân tộc khác.

Nguy cơ bùng phát dịch bạch hầu vẫn rất lớn

Ngày 30/4, Điện Biên ghi nhận một trường hợp nghi mắc bệnh bạch hầu vào điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên với các triệu chứng sốt cao, đau họng, khó nuốt, ho nhiều, đờm màu trắng đục, phù nhẹ 2 chân, gan to dưới bờ sườn 2 cm.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên chẩn đoán, theo dõi bệnh bạch hầu. Đến ngày 1/5, bệnh nhân hôn mê, xuất tiết hầu họng, thở máy, đến 16h30 cùng ngày bệnh nhân ngưng tuần hoàn, tử vong. Ngày 4/5, kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho thấy bệnh nhân dương tính với bệnh bạch hầu.

benh bach hau anh 1

Lấy mẫu dịch họng làm xét nghiệm cho trẻ em tại xã Pu Nhi, Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Xuân Bảy.

Đến ngày 8/5, xã tiếp tục ghi nhận thêm một trường hợp nghi mắc bệnh bạch hầu đến khám và điều trị tại TTYT huyện Điện Biên Đông với triệu chứng sốt 38,8 độ C, ho từng cơn. Hai amydal sưng nề, tấy đỏ, viêm hốc mủ hai bên, chẩn đoán theo dõi bạch hầu.

Ngày 12/5, kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho dương tính với vi khuẩn bệnh bạch hầu. Hiện tại sức khoẻ của bệnh nhân ổn định.

Trước tình hình nguy hiểm của dịch bệnh, UBND tỉnh Điện Biên đã công bố dịch bệnh bạch hầu tại xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông, đồng thời yêu cầu Ban chỉ đạo phòng chống dịch của huyện cùng phối hợp với ngành y tế khẩn trương khoanh vùng, dập dịch.

Trao đổi với báo Sức khỏe và Đời sống, lãnh đạo Sở Y tế Điện Biên cho biết ngay sau khi tiếp nhận thông tin về ca bệnh đầu tiên, sở đã tổ chức Đoàn điều tra xác minh dịch gồm đại diện lãnh đạo sở, lãnh đạo, cán bộ chuyên môn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã trực tiếp chỉ đạo điều hành các hoạt động phòng chống dịch.

Thông báo tình hình dịch bệnh với lãnh đạo chính quyền địa phương, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, thực hiện các báo cáo điều tra ca bệnh theo quy định. Tổ chức điều tra, rà soát, lập danh sách các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân, lấy mẫu bệnh phẩm cho các trường hợp nghi mắc, tiếp xúc gần với ca bệnh; gửi mẫu về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm chẩn đoán.

Tổng số mẫu đã lấy và gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm bạch hầu là 123 mẫu, trong đó có 2 trường hợp dương tính, 121 trường hợp âm tính.

Ngành y tế đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các đội xử lý môi trường, phun khử khuẩn phòng chống dịch. Bản Háng Giống đã khử khuẩn bằng dung dịch cloramin B tại gia đình bệnh nhân và những hộ gia đình xung quanh.

Bản Pu Nhi A cũng được phun khử khuẩn bằng dung dịch cloramin B toàn bộ các hộ gia đình trong bản; trường Phổ thông Dân tộc bán trú - Tiểu học Pu Nhi (thuộc địa bàn bản Pu Nhi A) được phun khử khuẩn khuôn viên trường học, khu ở nội trú của học sinh và cán bộ giáo viên.

Ngành Y tế tổ chức cấp thuốc kháng sinh uống điều trị dự phòng cho tất cả những người tiếp xúc gần với bệnh nhân và những người có liên quan trong ổ dịch, đồng thời triển khai Chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu tại một số xã thuộc huyện Điện Biên Đông.

"Cả 2 ca mắc bệnh bạch hầu trong đợt dịch này yếu tố dịch tễ không rõ ràng, trong vòng 14 ngày trước khi phát bệnh, 2 bệnh nhân không rời khỏi địa phương, không rõ nguồn lây của ca bệnh", lãnh đạo Sở Y tế Điện Biên nói.

Tuy nhiên, 10% trẻ tại xã Pu Nhi không tiêm vaccine có thành phần bạch hầu.

"Vì vậy nguy cơ bùng phát dịch bệnh bạch hầu tại địa phương có thể xảy ra trong thời gian tới", đại diện lãnh đạo Sở Y tế Điện Biên lo lắng.

Phủ nhanh tiêm vaccine phòng bạch hầu

Nhằm khoanh vùng dập dịch triệt để, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã hỗ trợ vaccine có chứa thành phần bạch hầu cho Điện Biên được 2.000 liều.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Điện Biên hiện nay đang giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại xã Pu Nhi và các địa phương có nguy cơ xảy ra dịch bạch hầu. Thực hiện lấy mẫu xét nghiệm những trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh, có triệu chứng nghi mắc bệnh bạch hầu.

benh bach hau anh 2

Tỉnh Điện Biên đang thực hiện chiến dịch tiêm vaccine phòng bạch hầu tại xã Pu Nhi. Ảnh: Xuân Bảy.

Từ 22/5 đến 26/5, y tế Điện Biên triển khai tiêm một mũi vaccine phòng bệnh bạch hầu cho 2.000 người 7-20 tuổi tại xã Pu Nhi và một số bản thuộc xã Noong U giáp ranh với xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông (xã Pu Nhi 1.400 người, xã Noong U 600 người).

Tháng 6-7, ngành Y tế địa phương dự kiến tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu cho 6.837 người 5-20 tuổi tại 4 xã thuộc huyện Điện Biên Đông (Pu Nhi, Noong U, Xa Dung, Na Son).

Theo lãnh đạo Sở Y tế Điện Biên, việc điều trị dự phòng kháng sinh tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn do Pu Nhi là một xã vùng cao, địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, giao thông khó khăn, yêu cầu phải cấp thuốc hàng ngày cho người dân, trong khi đó nhân lực y tế mỏng, nhận thức của người dân về việc sử dụng thuốc kháng sinh phòng bệnh còn chưa cao, chưa tự giác.

20 năm gần đây, tỉnh Điện Biên không ghi nhận trường hợp mắc bệnh bạch hầu, vì vậy không sẵn có sinh phẩm xét nghiệm bệnh bạch hầu tại địa phương.

Các trường hợp nghi mắc bệnh bạch hầu đều phải lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm chẩn đoán. Thời gian từ khi lấy mẫu đến khi có kết quả xét nghiệm khoảng 3-4 ngày, khó khăn trong công tác đáp ứng phòng chống dịch.

Nhu cầu vaccine tiêm cho 4 xã nguy cơ cao của huyện Điện Biên Đông là 20.000 liều, trong khi tỉnh Điện Biên mới được cấp có 2.000 liều. Được biết, tỉnh Điện Biên đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện mua sắm vaccine, vật tư tiêm chủng theo đúng các quy định hiện hành.

Sở Y tế Điện Biên đang đề nghị Cục YTDP - Bộ Y tế và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hỗ trợ sinh phẩm, hướng dẫn, tập huấn về xét nghiệm bệnh bạch hầu giúp tỉnh có thể thực hiện xét nghiệm chẩn đoán sơ bộ, chẩn đoán xác định bệnh bạch hầu tại địa phương mà không cần phải gửi mẫu bệnh phẩm về Hà Nội.

Sách về nghề y

Tò mò về nghề y, về một nghề nghiệp luôn có tác động đến cuộc đời bạn nhưng luôn đầy những thông tin kỹ thuật khó hiểu? Đây là một số giới thiệu của mục Sức khỏe dành cho bạn:

Ký túc xá - Cá tốc ký: Cuốn sách kể về đời sống của sinh viên Đại học Y Hà Nội, chủ yếu xoay quanh đời sống ký túc xá, nơi tác giả đã trải qua tuổi trẻ cùng 10 thành viên khác trong phòng 110 E2.

Chạy trời không khỏi đau: Tập hợp các ghi chép của tác giả Adam Kay trong 6 năm hành nghề y từ 2004 đến 2010, cuốn sách là bản báo cáo không khoan nhượng về công việc của đội ngũ y tế của Vương quốc Anh đang làm việc ngày đêm nhưng chưa được nhìn nhận và tôn trọng đúng mức.

Mùa nóng cảnh giác với nhiễm trùng do nhọt ở trẻ

Mụn nhọt cũng là một bệnh về da thường gặp ở trẻ nhất là về mùa nóng. Đây là tình trạng nhiễm trùng ở các nang lông, tổn thương viêm lan rộng ra xung quanh do tụ cầu vàng.

https://suckhoedoisong.vn/dien-bien-2-ca-mac-bach-hau-khong-ro-nguyen-nhan-169230524090926232.htm

Anh Tuệ / Sức khỏe và Đời sống

Bạn có thể quan tâm