Mới đây, Ủy ban thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên giám đốc thẩm vụ án Cố ý gây thương tích đối với bị cáo Đào Tất Quyền (60 tuổi, trú huyện Văn Giang, Hưng Yên).
Kết quả, hội đồng giám đốc thẩm đã quyết định hủy cả hai bản án sơ thẩm, phúc thẩm của TAND huyện Văn Giang và TAND tỉnh Hưng Yên, chuyển hồ sơ cho VKSND Cấp cao tại Hà Nội điều tra lại theo thủ tục chung.
Đây cũng là vụ án có hàng loạt vi phạm tố tụng nghiêm trọng mà Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh.
Hoãn đi tù, chờ phán quyết của TAND Cấp cao
Theo cáo buộc, ngày 5/10/2017, ông Quyền thuê người để xây nền sân. Cho rằng ông Quyền xây lấn sang đất nhà mình, bà Nguyễn Thị Tuyết (hàng xóm) đã cầm con dao quắm cạy khoảng 3-4 viên gạch ở bức tường vừa mới xây.
Thấy vậy, ông Quyền chạy tới ngăn cản, hai bên xảy ra giằng co. Giật được con dao, ông Quyền cầm chuôi dao vụt mạnh một nhát trúng vào cẳng chân trái của người hàng xóm. Sau đó bà Tuyết được gia đình đưa về nhà rồi đi Bệnh viện đa khoa Phố Nối khám, điều trị.
Ngày 25/10/2017, Trung tâm Giám định pháp y tỉnh Hưng Yên kết luận bà Tuyết bị “gãy kín 1/3 dưới xương chày cẳng chân trái, đã cố định bằng nẹp bột, can xương chưa vững”, tỷ lệ thương tật là 13%.
Tháng 4/2018, TAND huyện Văn Giang xử ông Quyền hai năm ba tháng tù về tội Cố ý gây thương tích. Ông Quyền kháng cáo kêu oan, khẳng định mình không hề đánh bị hại.
Ba tháng sau, TAND tỉnh Hưng Yên xử phúc thẩm, tuyên y án. Luật sư của ông Quyền tiếp tục có đơn đề nghị xem xét vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm.
Tháng 7/2019, Chánh án TAND Tối cao quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Hưng Yên, cho rằng các cơ quan tố tụng đã có nhiều vi phạm trong việc xác định tỷ ệ thương tật của bị hại. Đồng thời, quyết định kháng nghị tạm đình chỉ thi hành bản án hình sự phúc thẩm đối với bị án cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm.
Ông Quyền đi thụ án từ ngày 13/9/2018 đến 22/7/2019 thì được tạm hoãn chấp hành án và trở về nhà.
Ông Đào Tất Quyền (bên trái) cùng người thân của mình trong một lần trao đổi với PV về nội dung vụ án. |
Chuyển hồ sơ cho VKSND Cấp cao điều tra
Xử giám đốc thẩm mới đây, TAND Cấp cao tại Hà Nội cho rằng trong vụ án này có căn cứ khẳng định bà Tuyết bị ông Quyền giằng con dao và gây thương tích ở chân. Tuy nhiên, quá trình điều tra, truy tố và xét xử, các cơ quan tố tụng đã có những vi phạm tố tụng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc xác định thương tật của bị hại.
Cụ thể, ngày 20/10/2017, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Văn Giang có quyết định trưng cầu giám định về tỷ lệ phần trăm thương tích và cơ chế hình thành vết thương đối với bà Tuyết. Thế nhưng phải đến ba ngày sau, con trai bà Tuyết mới giao nộp cho cơ quan công an các tài liệu khám, điều trị của mẹ mình tại bệnh viện và tất cả đều là bản photocopy.
Hồ sơ vụ án cũng chỉ có quyết định trưng cầu giám định mà không hề có tài liệu nào thể hiện việc bàn giao các tài liệu về thương tích của bà Tuyết kèm theo. Trong khi đó, bản kết luận pháp y của Trung tâm Pháp y tỉnh Hưng Yên xác định bà Tuyết bị tổn hại 13% sức khỏe lại khẳng định hồ sơ giám định là các bản sao sổ khám bệnh, phiếu chụp X-quang, bệnh án…
“Như vậy, chưa có đủ tài liệu làm căn cứ chứng minh tính hợp pháp của nguồn tài liệu thu thập để phục vụ việc giám định”, TAND Cấp cao nhận định.
Đặc biệt, hồ sơ vụ án thể hiện bà Tuyết có năm lần chụp X-quang nhưng lại ghi kết quả không hoàn toàn giống nhau. Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hưng Yên đã có văn bản kết luận việc bác sĩ đọc kết quả X-quang của bà Tuyết không chính xác, đưa ra hai kết luận khác nhau, việc ghi chép hồ sơ và bệnh án cũng không đầy đủ, không chính xác, ghi sai một số thông tin của người bệnh…
Quá trình giải quyết, ông Quyền rất nhiều lần làm đơn đề nghị giám định lại tỷ lệ thương tật của bà Tuyết nhưng không được cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận. TAND Cấp cao tại Hà Nội đánh giá việc này là chưa đảm bảo tính khách quan, toàn diện, cần phải tiến hành giám định lại để xác định chính xác tỷ lệ thương tật của bị hại.
Kiểm sát viên bị tù vì vòi tiền chạy án
Ở một diễn biến khác, sau khi ông Quyền bị bắt tạm giam, hai con trai của ông đã tới VKSND huyện Văn Giang gặp ông Lê Thanh Lưu (là người được phân công kiểm sát điều tra vụ án) để nhờ giúp cho cha mình được tại ngoại.
Quá trình trao đổi, ông Lưu hướng dẫn các con ông Quyền làm thủ tục bảo lĩnh bị can, đồng thời gợi ý chuẩn bị 30 triệu đồng đưa cho mình.
Ngày 4/1/2018, ông Quyền được tại ngoại. Tiếp đó, ông Quyền làm đơn tố cáo việc ông Lưu có hành vi đòi và nhận 30 triệu đồng, ngoài ra còn gợi ý đưa thêm 70 triệu đồng nếu muốn được hưởng án treo.
Ngày 30/1/2019, TAND tỉnh Hưng Yên mở phiên sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Lê Thanh Lưu hai năm ba tháng tù về tội Nhận hối lộ.