Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Điền kinh Bahrain đe dọa thế thống trị của Trung Quốc ở ASIAD

Sức mạnh đồng tiền giúp đội tuyển điền kinh Bahrain trỗi dậy mạnh mẽ, thậm chí đe dọa cả một Trung Quốc luôn xứng danh vị thế "anh cả" trên các đường chạy.

Trong ba kỳ ASIAD gần đây, Trung Quốc luôn đứng đầu ở môn điền kinh với số huy chương vàng vượt trội quốc gia xếp sau. Năm 2006, họ giành được 14 HCV, trong khi đó Bahrain xếp thứ hai chỉ có 6 HCV. Bốn năm sau, Trung Quốc lại giành tiếp 13 HCV, hơn đại diện Trung Đông 8 HCV.

Đến ASIAD 2014, Bahrain tiến bộ mạnh mẽ khi giành 9 HCV, nhưng vẫn thua Trung Quốc 6 HCV. Còn trên đất Indonesia, khoảng cách giữa Trung Quốc và Bahrain được thu hẹp đáng kể. Kết thúc các nội dung thi đấu, số HCV của Bahrain ngang bằng Trung Quốc, với 12 huy chương.

Vị thế điền kinh Trung Quốc ở ASIAD bị đe dọa

Vị trí số 1 ở môn điền kinh vẫn thuộc về Trung Quốc, nhưng đó là nhờ số huy chương bạc của họ nhiều hơn đối thủ. Không cần bàn cãi, điền kinh Bahrain đang đe dọa vị thế "anh cả" của Trung Quốc ở môn điền kinh. Dù vậy, không phải ai cũng dành lời khen hay chúc mừng cho đội tuyển này.

Dien kinh Bahrain anh 1
Bahrain dùng nhiều VĐV nhập tịch tranh tài ở ASIAD 2018.

Đó là bởi quốc gia nhỏ bé ở Trung Đông đang áp dụng chính sách nhập tịch vận động viên. Theo trang Deadspin, Bahrain giành HCV ở ASIAD 2018 toàn nhờ chi tiền mua VĐV ngoại. Họ tuyển mộ những tay chạy sinh ra ở châu Phi, biến giải thể thao châu Á trở thành nơi tranh tài của những ngôi sao da đen.

Bahrain giành 10 HCV tại ASIAD 2018 ở những nội dung cá nhân của môn điền kinh toàn nhờ lứa VĐV sinh ra ở Nigeria, Ethiopia, Kenya và Morocco. Họ có 2 tấm HCV ở nội dung tiếp sức, nhưng trong đội hình vẫn xuất hiện 2 VĐV gốc Phi. Sức mạnh đồng tiền đã lên tiếng.

"Không cần biết quốc gia của bạn rộng lớn hay nhỏ bé thế nào, chỉ cần giàu là có huy chương", cây bút Patrick Redford bình luận một cách thâm thúy trên trang Deadspin.

Chia sẻ với AFP, các VĐV châu Phi giải thích lý do khiến họ nhập tịch vào Bahrain cũng chỉ vì tiền. Đến với quốc gia này, điều kiện sống và chế độ tập luyện hoàn toàn được cải thiện.

"Bahrain trả lương quá hậu hĩnh, đối đãi lại tốt nữa", chủ nhân HCV nội dung 1.500 m và 5.000 m Kalkidan Befkadu nói.

Dien kinh Bahrain anh 2
Theo báo chí, cách dùng những VĐV da màu tranh tài ở ASIAD chẳng khác nào đi mua huy chương.

Cô giải thích thêm rất khó lập nghiệp ở quê nhà Ethiopia vì có quá nhiều VĐV giỏi tại đây. Bởi vậy, ngôi sao điền kinh này quyết định tìm cho mình bến đỗ mới. Chứng kiến châu Á dưới cái bóng của những tay chạy châu Phi, truyền thông lên tiếng phản đối, cho rằng tinh thần thể thao đang bị méo mó.

Nhưng Bahrain chẳng làm gì sai cả, xét về luật. 

"Nước Mỹ còn nhập tịch VĐV, thì tại sao Bahrain lại không thể?"

Trả lời báo chí, người đứng đầu Liên đoàn Điền kinh Bahrain Bader Nasser khẳng định sẽ tiếp tục áp dụng chính sách nhập tịch cho VĐV. Trước câu hỏi "dùng tiền mua HCV ở ASIAD bằng cách dùng VĐV nhập tịch", ông Nasser phản bác rằng quốc gia mình không bao giờ nhập khẩu những VĐV đã thành danh.

"Chúng tôi nhập tịch cho họ khi vẫn chưa có tên tuổi và còn trẻ. Sau đó, các HLV sẽ huấn luyện họ để nâng tầm đẳng cấp", ông Nasser cho biết.

Dien kinh Bahrain anh 3
Bahrain không có ý định ngưng chiến lược mua huy chương bằng những VĐV da màu.

Dẫu vậy, thực tế chỉ ra những VĐV đem về HCV cho Bahrain ở Jakarta đều từng phục vụ nơi mình sinh ra trong quá khứ và chuyển tới nhập tịch vào Bahrain trong độ tuổi từ 25 đến 30. Lúc này, ông Nasser mượn hình ảnh nước Mỹ để biện minh cho chính sách đang bị nhiều đối thủ lên án.

"Đâu là cường quốc điền kinh lớn nhất thế giới? Có lẽ là nước Mỹ. Ở đó, tất cả đều thấy có rất nhiều VĐV nhập tịch. Bahrain chỉ là hạt cát nhỏ trong việc áp dụng chính sách nhập tịch VĐV thôi", người đứng đầu Liên đoàn Điền kinh Bahrain nhấn mạnh.

Người chê cách đoàn điền kinh Bahrain làm không ít, nhưng kẻ khen ngợi cũng nhiều. VĐV Ulfa Silpiana chạy nước rút của Indonesia thốt lên: "Ôi lạy Chúa, họ quá hay. Bahrain rất mạnh ở Asian Games lần này. Họ trở thành nguồn cảm hứng cho chúng tôi, thúc đẩy Indonesia nỗ lực hơn".

Cách điền kinh Bahrain giành HCV tại Asian Games nhờ chi tiền mua VĐV ngoại chắc chắn đang tạo ra tranh luận dữ dội. Nhưng một điều không thể chối cãi, quốc gia này đã thành công trong việc phá thế thống trị của điền kinh Trung Quốc.

Dien kinh Bahrain anh 4
BXH môn điền kinh các quốc gia ở ASIAD 2018.

Điền kinh Bahrain giành HCV nhờ chi tiền mua VĐV ngoại

Hôm 26/08, nội dung 10.000 m của môn điền kinh ASIAD 2018 chứng kiến chiến thắng của nữ VĐV Rose Chelimo, một người sinh ra, lớn lên và thậm chí vẫn còn đang sinh sống tại Kenya.



Nguyên Trí (Theo AFP)

Ảnh: Getty Images.

Bạn có thể quan tâm