Đạo nhái luôn là đề tài gây tranh cãi trong làng thời trang Việt. Một nhà thiết kế lấy ý tưởng của nhãn hàng nào đó, biến tấu trở thành sản phẩm của mình cũng bị đánh giá là một sự "copy" chất xám của người khác.
Tuy nhiên, đôi khi họ lại không phải là người quyết định tạo ra những bộ trang phục nhái mà chính khách hàng - những ngôi sao nữ của showbiz Việt - là người yêu cầu được diện trang phục giống với bản gốc từ các nhà mốt lớn trên thế giới.
Vấn đề được đặt ra ở đây là liệu có phải các người đẹp trong nước vì muốn được truyền thông và giới mộ điệu bàn tán nên chấp nhận diện một thiết kế đạo nhái?
Phạm Hương từng dính nghi án đạo nhái chiếc váy xếp nếp gam đỏ của nhà mốt Michael Cinco trong bộ sưu tập Haute Couture xuân hè 2016. |
Đạo nhái là gì?
Trước khi hiểu cụm từ này, dư luận cần làm rõ 2 khái niệm giữa sự trùng lặp ý tưởng và đạo nhái trong thời trang. Nhiều người vẫn hiểu nhầm và quy chụp một nhà thiết kế khi nhìn thấy sáng tạo của họ có nhiều nét tương đồng với các nhà mốt quốc tế.
Sự giống nhau trong thời trang vốn không phải là chuyện hiếm thấy. Tuy nhiên, giữa trùng lặp ý tưởng và giống nhau gần như tuyệt đối là 2 phạm trù hoàn toàn tách biệt.
Một xu hướng giống nhau nhưng lại biến tấu và thể hiện bằng tư duy sáng tạo riêng, cùng các chi tiết khác lạ mang nhiều nét đặc trưng của nhà thiết kế thì được xem như trùng lặp ý tưởng hay học hỏi trong thời trang.
Trong làng mốt Việt từng có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề "học hỏi" và trùng ý tưởng, như vụ Ngọc Trinh khoe mẫu đầm dài đính kết tỉ mỉ, được nhiều người nhận định là thiết kế đạo nhái thiết kế của thương hiệu Zuhair Murad.
Ngay lập tức, NTK Đỗ Long đã lên các trang báo để đính chính ngay điều này và cho rằng đó chỉ là sự học hỏi từ nhà mốt lớn trên thế giới. Anh chia sẻ: "Việc mọi người mặc định các mẫu váy của tôi đạo nhái thiết kế cũng chính vì tinh thần thích học hỏi những điều mới mẻ và cập nhật xu hướng từ các tuần lễ thời trang quốc tế".
"Vì vậy, đôi lúc sẽ có sự nhầm lẫn giữa học hỏi và đạo nhái. Trên sàn diễn quốc tế những nhãn hàng thời trang lớn như Chanel, Christian Dior hay Lanvin cũng học hỏi lẫn nhau và sự trùng lặp ý tưởng giữa các bộ sưu tập, đặc biệt hơn nữa là vòng xoay xu hướng của thế giới thời trang hiện đại”.
Chiếc váy của Ngọc Trinh từng gây nên nhiều tranh cãi giữa sự học hỏi và đạo nhái. |
Nếu như sự học hỏi và trùng ý tưởng có thể tạm chấp nhận vì đôi lúc điều này cũng luôn xảy ra trong làng mốt thế giới, thì đạo nhái lại trở thành vấn nạn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế và nền nghệ thuật chân chính.
Đạo nhái hay còn gọi là "ăn cắp" thiết kế một mẫu trang phục đến 90% phiên bản gốc từ chất liệu cho đến phom dáng, hay thậm chí kỹ thuật đính kết họa tiết thì chắc chắn điều này không một nhà mốt nào đồng tình.
Phần lớn ý kiến của giới chuyên môn cho rằng đạo nhái là việc làm đáng lên án. NTK Quỳnh Paris cũng chia sẻ những bức xúc về vấn đề kiềm hãm sự phát triển của nền công nghiệp thời trang tại Việt Nam:
"Những chủ sở hữu đích thực của các thiết kế đã lao động sáng tạo cực kỳ tỉ mỉ, công phu, trải qua bao nhiêu bước mới có một bộ sưu tập hoàn hảo. Vậy mà, một số người làm hàng nhái lại ngang nhiên 'ăn cắp' những công đoạn để cho ra đời một bộ váy lỗi, hạ thấp giá trị của thương hiệu gốc”.
Angela Phương Trinh từng vài lần dính nghi án đạo nhái trang phục với các nhà mốt quốc tế. |
Vũ Thu Phương, cựu người mẫu và một nhà kinh doanh thời trang cũng chia sẻ quan điểm về vấn đề này: "Thời trang đôi khi là khắc họa lại quá khứ hoặc vẽ nên tương lai, nhưng phải đưa được cái hồn, phong cách và bản sắc riêng của nhà thiết kế vào trang phục nếu không nó chỉ là một sự lặp lại nhàm chán".
"Chúng ta có quyền và nên học hỏi từ cuộc sống, những bậc thầy đi trước, nhưng hãy chỉ là cảm nhận chứ không phải sao chép. Đôi khi con người ta vẽ ra một phần của trí nhớ mà bản thân họ lại không biết và nghĩ rằng đó là sự sáng tạo của mình".
"Tôi chắc chắn sẽ có nhiều nhà thiết kế cùng tạo ra một cái gì đó giống nhau. Đây sẽ mãi là đề tài bị và phải đưa ra tranh luận nên tôi nghĩ quan trọng nhất là đạo đức nghề nghiệp thôi".
Cần chữa dứt "căn bệnh" đạo nhái
Một sự thật đáng phê phán là nguồn gốc của việc đạo nhái ý tưởng còn xuất phát từ chính ham muốn của các người đẹp Việt. Họ chạy theo những trang phục hợp mốt, xu hướng thời trang thế giới mà bất chấp bản thân đang vi phạm đạo đức nghề nghiệp một cách nghiêm trọng.
Bạn có thể diện một bộ trang phục đạo nhái tuyệt đẹp, nhưng có biết rằng đằng sau đó là cả một quá trình về sự tìm tòi, sáng tạo, lên ý tưởng trước khi ra đời sản phẩm gốc.
Thậm chí khán giả hâm mộ còn ca tụng như một cách để nhiều ngôi sao này chứng tỏ vị thế của bản thân trong xã hội, "Dù chị diện váy nhái nhưng vẫn rất xinh" hay "Mẫu váy của thần tượng em còn chất hơn cả phiên bản gốc".
Lỗi sai cũng không hoàn toàn nằm ở các người đẹp Việt, chính quan niệm làm nghề dễ dãi của không ít nhà thiết kế trong nước đã khiến vấn nạn này ngày càng bùng phát và chưa có dấu hiệu chấm dứt. Họ luôn biện minh những mẫu trang phục bị tố đạo ý tưởng là theo đơn đặt hàng của khách và bắt buộc phải thực hiện.
Có bao giờ nghĩ rằng, nếu một ngày các tác phẩm của mình lại bị một người nào đó sao chép giống đến 99% thì cảm nhận sẽ như thế nào?
Sự dễ dãi còn thể hiện trong việc họ sẵn sàng lấy mẫu họa tiết của người khác sau khi tìm kiếm trên các trang mạng để đưa vào tác phẩm của mình, thay vì tự sáng tạo như một người làm nghề chân chính.
Tiêu Châu Như Quỳnh từng cho rằng vì muốn thu hút sự chú ý với dư luận nên cô chấp nhận diện váy "mượn" ý tưởng từ bức tranh René Gruau và nhà mốt Moschino. |
Không sợ ngại đụng chạm bất cứ ai, Quỳnh Paris cũng từng chia sẻ những quan điểm về đạo nhái: “Mỗi thương hiệu, nhà thiết kế đều có tinh thần, những phong cách riêng của mình. Nhiều người tưởng việc cập nhật nhanh chóng các xu hướng là tốt, nhưng dần đà, điều này sẽ làm cho thời trang Việt mãi mãi bị trì trệ, không có bản sắc".
"Nhìn nhận một cách thẳng thắn, tôi thấy Việt Nam có rất nhiều trường hợp 'ăn cắp' mẫu chứ không phải đi theo xu hướng. Các thương hiệu thời trang ra bộ sưu tập trễ gần hai mùa so với lịch thời trang quốc tế, sự trùng hợp rất khó xảy ra. Huống chi, có vài thương hiệu còn 'đổ thừa' bị nhãn hàng quốc tế ăn cắp mẫu thì thật khó hiểu”.
Phải khẳng định, đây là hành động "ăn cắp" chất xám một cách trắng trợn. Hay nói cách khác đó là một căn bệnh mà họ, những người làm nghệ thuật, cần chữa trị ngay khi bắt đầu có dấu hiện bất thường.
Hành vi của nhiều người đẹp Việt hay một số ít nhà thiết kế trong nước vô hình chung đã hình thành nên câu chuyện “con sâu làm rầu nồi canh”. Vì thế, ước mơ chinh phục làng thời trang thế giới vẫn còn quá xa vời.
"Hãy luôn nhớ rằng, những người làm nghệ thuật chân chính luôn có cái tôi rất lớn, hiếm khi 'trộm cắp' ý tưởng, tư duy của đồng nghiệp", theo như quan điểm của NSND Huỳnh Nga.