Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Diễn viên: Nghề nguy hiểm

Cái chết tức tưởi của nữ diễn viên múa chỉ mới 23 tuổi trên sân khấu bị sập tại Lễ hội Trái cây Việt Nam lại một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về sự hiểm nguy của nghề diễn.

Diễn viên: Nghề nguy hiểm

Cái chết tức tưởi của nữ diễn viên múa chỉ mới 23 tuổi trên sân khấu bị sập tại Lễ hội Trái cây Việt Nam lại một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về sự hiểm nguy của nghề diễn.

Đóng phim dễ gặp nạn

Điện ảnh có lẽ là lãnh địa tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nhất đối với nghệ sĩ Việt, bởi trên thực tế, vô vàn tai nạn cháy, nổ, ngã..., thậm chí chết người, do những nguyên nhân chủ quan và cả khách quan gây ra.

Tai nạn khiến báo chí tốn nhiều giấy mực nhất có lẽ là vụ của diễn viên Lê Quang. Đạn chuyên dụng được đem từ Mỹ về, với chuyên gia khói lửa của Thái Lan, vậy mà cây súng lại dội ngược đạn vào con mắt diễn viên khiến anh phải đi bệnh viện... Ngô Thanh Vân sau một cảnh quay mệt lả người, đang nằm nghỉ bỗng dưng bị máy quay rơi trúng chân làm rạn xương mu bàn chân phải, khiến cô phải nghỉ dưỡng thương nửa tháng, đoàn phim phải đổi lịch quay. Diễn viên Quốc Tuấn nhớ mãi cảnh quay trong phim Đường thư khi anh bị trượt chân ngã ở suối thâm tím mặt. Còn ở bộ phim Tây Sơn hào kiệt vừa ra mắt, diễn viên Lý Hùng (vai Nguyễn Huệ) không ít lần bị ngựa hất văng xuống đất...

Diễn viên: Nghề nguy hiểm

Quá trình đóng phim hành động Bẫy rồng, nữ diễn viên Ngô Thanh Vân không ít lần gặp phải chấn thương

Không nhiều pha hành động gay cấn như phim điện ảnh, nhưng diễn viên đóng phim truyền hình cũng không ít lần nếm mùi đau đớn. Trung Dũng khi đóng phim Người Bình Xuyên đã bị mẩu hỗn hợp sáp giấy (thay thế thuốc súng) do bắn ra quá mạnh đã găm vào chân chảy máu. Trong phim Đô-la trắng, một diễn viên quần chúng bị tai nạn mất một mắt vì sức văng của viên đạn giả quá mạnh khiến dị vật xuyên qua kính bảo vệ đâm thẳng vào mắt. Nhà quay phim K’ Linh, khi leo trèo ở hang Đá dựng (Hà Tiên) để tìm một góc máy đẹp cho bộ phim Lục Vân Tiên đã rơi từ độ cao hơn 10 mét, gãy xương sườn phải bó bột hàng tháng trời khiến đạo diễn phải đổi quay phim khác. Tai nạn chết người là hi hữu, nhưng không phải là chưa từng xảy ra trên phim trường. Khi đoàn phim Nhật kí Vàng Anh thực hiện những cảnh quay ở hồ Đại Lải, người phụ trách đạo cụ đã bị chết đuối...

Hát cũng... bị thương

Cho đến giờ, ca sĩ Lưu Hương Giang vẫn chưa quên đêm diễn tại Hồ Gươm Xanh cuối năm 2008. Do nhảy quá “sung”, Giang bị vấp ngã, đau điếng. Khán giả thấy vậy bèn hò hét, cổ vũ để Lưu Hương Giang lấy lại tinh thần. Quên đau đớn, Giang hát tiếp... bốn bài. Đêm, trở về nhà, vết thương tấy đau kinh khủng khiến cô không thể đi được. Người nhà vội đưa cô nàng “Cải bắp” tới bệnh viện. Hậu quả là Lưu Hương Giang phải bó bột hai tuần liền, và hủy tất cả các sô diễn đã lên lịch từ trước.

Diễn viên: Nghề nguy hiểm

Lưu Hương Giang với cái chân bị bó bột sau màn nhảy quá "sung"

Cũng trong năm 2008, Đàm Vĩnh Hưng có tour diễn “đổ máu” ở Hà Nội. Đêm diễn cho sinh viên ĐH Quốc gia, chân Hưng va mạnh vào cạnh bàn đến chảy máu. Còn khi “bị” fan ôm hôn nhiệt tình, Mr. Đàm đã bị micro đập vào làm rách môi. Trong đêm mở màn chuyến lưu diễn xuyên Việt Và em đã yêu của ca sĩ Hồ Ngọc Hà tại Nhà thi đấu Phan Đình Phùng, TP.HCM cuối năm 2009, ca sĩ khách mời Đan Trường không may tụt xuống hố khi khoảng sân khấu ở giữa bất thình lình hạ xuống dưới. Đan Trường đã nhanh chóng lấy lại tinh thần và tiếp tục biểu diễn, dù sự cố này đã khiến chiếc quần của nam ca sĩ bị rách. Ca sĩ Phương Vy Idol trong một đêm diễn tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM đã trượt chân và ngã do trời mưa tầm tã, nước tràn vào làm sân khấu rất trơn.

Đánh đu với tính mạng trên sân khấu

Ngay ở suất khai trương vở kịch, xiếc Cậu bé rừng xanh (năm 2005), NSƯT Thành Lộc đã bị ngã trong cảnh đu bay. Anh bị chấn thương cột sống. Chấn thương này, nếu nặng hơn có thể khiến bệnh nhân bị liệt. Năm đó, vở diễn Cậu bé rừng xanh có sự kết hợp độc đáo giữa kịch và xiếc, tuy nhiên phương pháp bảo hộ an toàn cho diễn viên còn hạn chế. Năm ngoái, diễn viên Ngọc Thuận đã phải khâu nhiều mũi vì trong lúc tập vở Nỏ thần, sân khấu bất ngờ sập một mảng. NSND Lan Hương cho biết chị đã rất ngạc nhiên khi được xem nhiều pha hành động trên sân khấu nước ngoài, nhưng về nước, NSND Lan Hương không bao giờ dám nghĩ tới chuyện áp dụng. Thực tế là, “kỹ xảo sân khấu” ở ta đến nay vẫn phải dùng tới... sức người.

Diễn viên: Nghề nguy hiểm

Ca sĩ Hà Anh Tuấn đánh đu trên sân khấu Duyên dáng Việt Nam

Theo phân loại lao động hiện nay, xiếc được xếp vào loại VI - loại đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm và độc hại. Trên sân khấu xiếc, cái giá để có những tràng pháo tay tán thưởng của công chúng là rất đắt. Họ phải đổ vào đó công sức, mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu... Với đặc thù của nghề diễn, hầu như không có diễn viên nào tránh được rủi ro. Đoàn Xiếc TP. HCM có ba trường hợp gặp tai nạn nghề nghiệp khiến diễn viên phải bỏ nghề hoặc chuyển sang công việc khác. Năm 1989, diễn viên Lê Hương tham gia biểu diễn tiết mục nhào lộn, bị ngã gãy xương vai, phải vĩnh viễn bỏ nghề. Năm 1996, khi tham gia tiết mục đu dây dọc, diễn viên Mỹ Hạnh bất ngờ ngã từ trên cao xuống, bất tỉnh. Tai nạn lần đó đã làm chị bị rạn xương chậu không thể biểu diễn được nữa. Còn NSƯT Trí Tưởng bị vỡ gót chân trái khi biểu diễn tiết mục đi trên dây căng. Ở Liên đoàn Xiếc Việt Nam, tai nạn cũng là “chuyện thường ở huyện”! Giám đốc - NSƯT Vũ Hợp từng bị ngã gãy cổ trong lúc biểu diễn tiết mục Nhào lộn trên lưới bật. NSƯT Kim Hạnh - người nổi tiếng với tiết mục Đu cánh diều đã bị ngã gãy tay khi đang cố gắng tập động tác mạo hiểm hơn trên không.

Mạo hiểm với múa

Cùng với xiếc, múa, cụ thể là ballet, được pháp luật xếp vào một trong những loại nghề nghiệp nặng nhọc, nguy hiểm. Có những màn kỹ thuật, kỹ xảo nâng và xoay diễn viên, chẳng may, diễn viên nữ có thể bị văng xa. Hậu quả của những tai nạn này là không thể hình dung hết. Những tai nạn nho nhỏ, như trật gân chân, nặng hơn là gãy cổ chân, thậm chí gãy sống lưng cũng là chuyện... “phình phường”. Nghệ sĩ múa Lê Ngọc Văn (hiện là solist của Đoàn múa Pháp) từng bị tai nạn trong lúc biểu diễn phải mổ đầu gối. Anh đã phải mất một thời gian khá dài vượt qua chấn thương để tiếp tục sự nghiệp nghệ thuật. Nghệ sĩ Thanh Hằng của NH Nhạc Vũ kịch Việt Nam cũng bị thương ở chân trong quá trình tập luyện. Cao Chí Toàn - em trai của nghệ sĩ tài năng Cao Chí Thành - giải A cuộc thi Tài năng múa toàn quốc - bị tràn dịch khớp gối, bệnh nghề nghiệp của những nghệ sĩ múa, khi anh chưa đầy 30!

NSND Tâm Chính - Chủ tịch Liên chi hội Xiếc Việt Nam:

Nghệ sĩ cần chính sách như thương binh - liệt sĩ

Tôi rất bất ngờ và đau lòng vì sự cố của diễn viên vừa rồi. Gia đình tôi đều theo nghiệp xiếc. 5 năm liền, suốt từ 1980, tôi diễn đến hàng ngàn lần tiết mục Cô hàng giải khát với những tầng chiếc cốc thủy tinh chồng lên con lăn. Lúc đầu chỉ 3, 4 tầng, sau tôi cố gắng tập luyện lên 8, 9 tầng. Và một ngày, tai nạn đã xảy ra. Tôi bị ngã từ độ cao trên ba mét. Những mảnh thủy tinh vỡ găm khắp người, máu chảy lênh láng, tôi thì ngất lịm. Trên mặt tôi đến giờ vẫn còn những vết sẹo - dấu tích của vụ tai nạn. Chồng tôi - NSƯT Lê Thể - với màn diễn đế trụ trên trán, giờ nghỉ hưu, bị gai xương cổ, mỗi lần trở trời lại đau khủng khiếp. Con dâu tôi, nghệ sĩ Hồng Hạnh, từng đoạt giải vàng trong nước và cả quốc tế với tiết mục đế kiếm trên đu cho đến nay chưa ai làm được, chẳng may chết do tai nạn giao thông trên đường đi làm về...

Đời nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ xiếc, vô cùng mạo hiểm. Họ có thể mắc những bệnh nghề nghiệp như: tim mạch, xương khớp..., đấy là chưa kể tới những tai nạn. Theo tôi, cần có chính sách giống như với thương binh - liệt sĩ với các nghệ sĩ.

Ông Phạm Gia Lượng (Cục An toàn Lao động - Bộ LĐ - TBXH):

Sân khấu phải bình đẳng như công trình xây dựng

Các sân khấu di động hầu hết được thiết kế trên khung thép chuyên dụng có độ chịu lực cao. Tuy nhiên, thực tế, quá trình lắp đặt không đảm bảo quy chuẩn, sân khấu ấy vẫn ẩn chứa nhiều nguy cơ tai nạn. Chưa kể các sân khấu lớn thường có thêm bục bệ, chỉ cần một tính toán không chuẩn như khi lắp đặt các tầng bậc, ván sàn dùng loại gỗ không đủ chuẩn chịu lực - đều có khả năng dẫn đến việc bục bệ, sàn diễn bị lật, bị sập do có quá nhiều người đứng ở trên. Hiện nay, ta có quy chuẩn an toàn lao động trong sản xuất. Về lĩnh vực giải trí, Bộ LĐ,TB&XH mới chỉ ban hành chương trình an toàn cho loại hình cáp treo, tàu lượn, máng trượt. Ngành văn hóa là nơi cấp phép biểu diễn, nhưng họ mới chỉ quan tâm nội dung nghệ thuật của chương trình. Còn kiểm nghiệm xem sân khấu có đủ độ an toàn với diễn viên hay không, thì chưa nằm trong nội dung của cấp phép biểu diễn. Tôi cho rằng, đã đến lúc cần phải coi việc kiểm định an toàn của sân khấu bình đẳng như một công trình xây dựng thì sự việc đáng tiếc như vừa qua mới có thể không lặp lại.

Theo Thể Thao Văn Hóa

Theo Thể Thao Văn Hóa

Bạn có thể quan tâm