Thế hệ cha chú bây giờ vẫn thường hay ngồi kể lại, những năm 80 của thế kỷ trước, mỗi lần đội chiếu bóng lưu động về chiếu ở trên khu huyện là cả làng cả xóm “cố sống cố chết” dắt díu nhau cùng đi xem phim. Thời đó, những bộ phim về đề tài chiến tranh như Cánh đồng hoang hay Biệt động Sài Gòn được mọi người đón nhận nhiệt tình. Đến khi Ván bài lật ngửa - bộ phim 8 tập kể về cuộc đời hoạt động của nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo ra mắt, khán giả lại bàn luận xôn xao.
Đối với lịch sử nền điện ảnh Việt Nam, Ván bài lật ngửa được xem là một đỉnh cao, một “tượng đài” không thể bị đánh đổ. Góp phần tạo nên thành công cho Ván bài lật ngửa chính là sự tham gia diễn xuất của thế hệ những diễn viên tài năng của nền điện ảnh nước nhà thời gian đó như Chánh Tín, Thanh Lan, Thương Tín, Thúy An…
Nguyễn Chánh Tín - đại úy Nguyễn Thành Luân
Cách đây hơn hai thập kỷ, Nguyễn Chánh Tín là một trong những cái tên nổi đình nổi đám. Bất cứ ở đâu, thời gian nào cũng có thể bắt gặp ai đó đang bàn luận đến chàng diễn viên trẻ tuổi tài năng. Câu nói "Đẹp trai như Chánh Tín" đã trở thành câu "cửa miệng" của các chị em thời đó.
Cuộc sống những năm 80 khó khăn. Nguyễn Chánh Tín khi đó gầy. Cái vẻ gầy ấy tôn chiếc mũi thẳng tự nhiên, vầng trán vuông thông minh và đôi mắt với ánh nhìn sâu, từng trải. Tất cả đã làm nên một Nguyễn Thành Luân tuyệt vời trong Ván bài lật ngửa.
Khi casting diễn viên cho vai Nguyễn Thành Luân, nhà biên kịch Trần Bạch Đằng nhắm vào diễn viên khác và phim đã quay hết tập 1. Tuy nhiên, khi xem lại, ông cảm thấy không ưng ý và quyết định chọn lại diễn viên cho vai này.
Nguyễn Chánh Tín, lúc bấy giờ đang được chú ý trên sân khấu ca nhạc, được mời đến thử vai. Theo nhận xét của ông Trần Bạch Đằng thì diễn xuất của Chánh Tín chân thật, tự nhiên và có một nét gì đó khác người. Đó cũng chính là lý do mà ông quyết định chọn Chánh Tín vào vai Nguyễn Thành Luân.
Rất nhiều năm đã trôi qua sau vai diễn lừng danh trong Ván bài lật ngửa, Nguyễn Chánh Tín đã không còn là Nguyễn Thành Luân ngày nào. Nam diễn viên đã bước sang tuổi 60, mất đi cái vẻ hào hoa phong nhã từng làm nghiêng đổ bao nhiêu trái tim phụ nữ. Nguyễn Chánh Tín của hôm nay vẫn còn cực nhọc, vẫn phải lao ra đường kiếm tiền, đối diện với biết bao lo toan thường ngày.
Trong mấy ngày gần đây, dư luận cả nước đang xôn xao trước thông tin Chánh Tín vỡ nợ 10 tỉ và có nguy cơ bị tịch thu nhà. "Họa vô đơn chí", nam diễn viên còn đang phải chống chọi với bệnh tật hiểm nghèo. Trong suốt hơn 60 năm cuộc đời của mình, chưa bao giờ Chánh Tín lại lâm vào một hoàn cảnh bi đát đến vậy. Dù đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, Nguyễn Chánh Tín vẫn may mắn có bên mình một chỗ dựa vững chắc - người vợ tảo tần Bích Trâm.
Thúy An - Thùy Dung
Vẫn còn đó nét đẹp của phụ nữ Nam Bộ ngày nào, khác chăng mái đầu đã điểm vài sợi bạc, ngôi sao điện ảnh Việt Nam hơn ba thập niên trước đang sống âm thầm nơi đất khách. Thúy An cho biết chị đã có cháu ngoại. Niềm hạnh phúc đó được trả giá khi 30 năm trước chị phải chịu kỷ luật vì… mang thai Thúy Hồng.
“Đóng vai Thùy Dung trong Ván bài lật ngửa được ba tập đầu, tôi bất ngờ mang thai mà chẳng hay biết. Sau cảnh quay lướt ván ở Thanh Đa (TP. HCM), tôi nôn mửa dữ dội và cứ ngỡ bị say sóng. Bác sĩ khám cho biết tôi đã cấn thai. Sau đó vai Thùy Dung được thay bằng ca sĩ Thanh Lan. Tôi bị quy vào lỗi không giữ đúng hợp đồng. Tội nghiệp chồng - đạo diễn Hồng Sến - lúc đó phải giải quyết nhiều chuyện phiền não”, chị cười kể lại.
Lập gia đình với NSND Hồng Sến, bôn ba khắp đất nước đóng phim, tuổi trẻ của Thúy An dành hết tình yêu cho điện ảnh. Không được đào tạo chính quy nhưng diễn xuất của Thúy An chân thành và mộc mạc như bản tính của chị.
“Là diễn viên nổi tiếng, vợ của một đạo diễn lừng danh Việt Nam nhưng tôi phải làm đủ nghề tay trái, từ bỏ mối bút bi đến mở quán ăn để cải thiện thu nhập, lo cho gia đình”, chị kể. Ngày chị tất bật với chuyện áo cơm, đêm về vội vã lao vào lớp học bổ túc văn hóa. Năm 1995, sau khi đạo diễn Hồng Sến qua đời, nỗi lo thiếu hụt càng đè nặng trên vai người mẹ mới ngoài 30. Chị học thêm nghề kim hoàn rồi bôn ba sang tận đất Lào tìm kế sinh nhai. Tình cờ, chị gặp người chồng bây giờ rồi kết hôn và chuyển về Đức sinh sống.
Thúy An chọn cho mình một cuộc đời bình dị như bao phụ nữ khác - chăm lo cho chồng con và gần như quên bẵng đi hình bóng của một ngôi sao. Hồi đầu năm 2012, khi các thành viên trong đoàn làm phim Biệt động Sài Gòn tái ngộ sau hơn 25 năm, Thúy An mới tới tham dự. Bạn bè, đồng nghiệp và người hâm mộ khi ấy mới có dịp biết về cuộc sống hiện tại của nữ diễn viên.
Thanh Lan - Thùy Dung
Những người say mê bộ phim kinh điển Việt Ván bài lật ngửa đều ấn tượng mạnh bởi vẻ đẹp, sự mạnh mẽ và duyên dáng của nhân vật Thùy Dung bên cảnh vẻ lãng tử của Thành Luân. Người thủ vai Thùy Dung những tập phim về sau chính là Thanh Lan, nữ ca sĩ – diễn viên danh tiếng trước 1975.
Nổi tiếng là thế, nhưng đời riêng của Thanh Lan không mấy suôn sẻ. Tất cả bắt nguồn từ một sai lầm của tuổi trẻ nông nổi.
Chưa đầy 18 tuổi, đã là bông hoa rực rỡ của làng nghệ thuật Sài Gòn, Thanh Lan đi đâu người ta cũng nhận ra. Trong một chuyến lên Đà Lạt chơi, cô đã lọt vào mắt một công tử ăn chơi khét tiếng Sài Gòn tên Dũng, vẫn được giới ăn chơi Sài Gòn thời bấy giờ gọi là Dũng Long Biên. Hai người yêu nhau rồi quyết định đi tới hôn nhân bằng một đám cưới rình rang.
Nhưng lấy chồng rồi, Thanh Lan nhanh chóng vỡ mộng. Lúc còn yêu đương thì ngọt ngào chiều chuộng là thế, lúc làm chồng lại hiện nguyên hình là một gã trai vô trách nhiệm, vũ phu và cả ghen. Không ít lần Thanh Lan mất mặt với ê-kíp vì Dũng đến tận trường phim đánh ghen, lôi cô xềnh xệch. Những trận đòn ghen như đòn thù ấy đã làm chai lì rồi mất hẳn tình yêu thuở ban đầu. Chưa đầy 20 tuổi, Thanh Lan ly dị chồng, ôm con về nhà mẹ đẻ sau hai năm hôn nhân như địa ngục.
Cô tự vực dậy mình, lao vào đi diễn, đi hát để kiếm tiền nuôi con. Chia tay chồng rồi, sự nghiệp Thanh Lan càng thăng hoa hơn nữa. Có lẽ, cô nữ sinh thơ ngây ngày nào đã mất, thay vào đó là người đàn bà đầy trải nghiệm, từng qua nỗi đau nên tiếng hát, vai diễn càng sâu thẳm, giàu cảm xúc hơn? Thanh Lan liên tục hát, đóng phim, đi lưu diễn nước ngoài với những nhạc sĩ, đạo diễn hàng đầu Việt Nam thời bấy giờ.
Năm 1984, Thanh Lan lọt vào mắt xanh đạo diễn Lê Hoàng Hoa khi nữ diễn viên chính Thúy An mang thai, không thể tiếp tục tham gia vai diễn Thùy Dung với nhiều cảnh hành động trong tập 4 Cơn hồng thủy và Bản tango số 3 của bộ phim Ván bài lật ngửa. Diễn xuất và ngoại hình của Thanh Lan đã để lại ấn tượng sâu sắc với Lê Hoàng Hoa, thế nên, cô tiếp tục là Thùy Dung của Ván bài lật ngửa trong những tập về sau.
Cuối năm 1993, Thanh Lan chuẩn bị làm bộ phim điện ảnh đầu tay Đan Thanh do cô viết kịch bản và đạo diễn, với Nguyễn Chánh Tín và Lê Cung Bắc đóng vai chính. Nhưng chưa kịp thực hiện thì cô rời Việt Nam sang Hoa Kỳ định cư.
Tại Mỹ, Thanh Lan tiếp tục tham gia các hoạt động văn nghê. Cô đi trình diễn ở các tiểu bang của Hoa Kỳ và hợp tác thu âm cùng rất nhiều hãng đĩa. Cô từng đứng ra thực hiện riêng cho mình các CD, VCD, DVD ca nhạc, trong số đó có nhiều nhạc phẩm do cô soạn lời Việt từ những nhạc phẩm Pháp nổi tiếng.
Thương Tín - Thiếu tá Vọng
Thương Tín là một át chủ bài của làng phim ảnh và kịch nghệ miền Nam vào thập niên 80-90 của thế kỷ trước. Ông là diễn viên tham gia nhiều phim truyện nhựa nhất Việt Nam cho đến thời điểm này - trên 200 phim.
Thương Tín sinh ra ở Phan Rang, là con đầu của gia đình có 8 anh chị em, trong đó, chỉ có mình ông theo nghệ thuật. Khởi đầu sự nghiệp từ bộ môn nghệ thuật cải lương nhưng ông được biết đến nhiều hơn cả là trong lĩnh vực điện ảnh. Dù đã đóng rất nhiều vãi diễn được khán giả yêu mến nhưng vai để đời vẫn là Sáu Tâm trong Biệt động Sài Gòn.
Ngoài đời, Thương Tín đã là một tay chơi có tiếng. Ông kể về cuộc sống thời bao cấp: “Thời đó nghề tôi đam mê không nuôi nổi tôi. Thường đóng một bộ phim, tôi nhận 1 chỉ vàng nhưng lại tiêu hết 2-3 cây vàng. Sở dĩ tôi đóng được nhiều phim mà vẫn tiêu xài như thế được vì sau khi ly dị xong đã có một phụ nữ rất giàu yêu tôi. Mỗi lần trong ví tôi hết tiền, cô ấy lại bỏ vào”.
Vốn là một nghệ sĩ hào hoa, ông đã có nhiều cuộc tình với nhiều nữ nghệ sĩ và cuối cùng cưới ca sĩ Mỹ Dung, có một người con trai. Ông từng theo vợ qua California nhưng không chiụ được cuộc sống nhàm chán. Nhớ quê nhớ nghề, ông một mình quay về nước cùng con trai để tiếp tục sự nghiệp của mình.
Trong mắt công chúng những năm gần đây, Thương Tín thường bị gán với hình ảnh một kép hát về già, một con ngựa hoang đã xuống sắc, hay tay chơi một thuở. Sau vụ scandal đánh bạc năm 2007, sự nghiệp của ông như chìm khuất dưới những tin đồn kiểu như “xây dựng sự nghiệp 10 năm đốt một giờ trên chiếu bạc".
Hiện tại, ở tuổi 58, Thương Tín bất ngờ tái xuất với màn ảnh nhỏ trong ba phim cùng một lúc - Tình người xứ hoa, Bên kia sông, Tối qua mơ gì. Ông chia sẻ, đi đóng phim để nuôi con nhỏ với người vợ trẻ. Niềm vui cuộc sống lục tuần của Thương Tín hiện nay là cuộc sống gia đình nhỏ bé và giản dị này.
NSƯT Lê Cung Bắc - Thiếu tá Thuần
Vào vai thiếu tá Thuần trong phim Ván bài lật ngửa với Lê Cung Bắc là do… nể bạn. Ông và đạo diễn Lê Hoàng Hoa chơi thân nhau từ xưa. Ngày khởi quay Ván bài lật ngửa, vì một số trục trặc ông không tham dự được. Đạo diễn Lê Hoàng Hoa rất áy náy, cứ nhắc mãi bạn sắp xếp thời gian đóng phim. Nể tình, Lê Cung Bắc gật đầu. Những ngày lên Đà Lạt quay phim, Lê Cung Bắc rất vui. Ông được thỏa chí với ước mơ thuở bé - trở thành diễn viên điện ảnh dù từng tốt nghiệp cao học quản trị kinh doanh tại Sài Gòn từ trước năm 1975.
“Vai thiếu tá Thuần, tùy viên quân sự của quân đội Việt Nam cộng hòa tại Lào, chuyên phá các vụ án buôn lậu ma túy của sĩ quan chế độ Sài Gòn trong Ván bài lật ngửa cũng là một vai đấu trí gay go. Phim có kịch bản rất chặt chẽ, logic nên dù thoại nhiều nhưng vẫn thu hút khán giả, không gây nhàm chán”, Lê Cung Bắc nhìn nhận.
Hơn trăm vai diễn trong 70 phim điện ảnh và 80 phim truyền hình đủ thấy sự nghiệp đồ sộ của NSƯT Lê Cung Bắc.
Năm 1994, ông được Hãng phim Giải Phóng giao làm bộ phim nhựa đầu tiên Nhịp đập trái tim và với bộ phim này ông được Hội Điện ảnh Việt Nam trao giải thưởng Đạo diễn phim nhựa đầu tay.
Năm 1995, ông được Đài Truyền hình TP. HCM mời về làm bộ phim Người đẹp Tây Đô, phim truyền hình nhiều tập đầu tiên của hãng phim TFS. Bộ phim đã gây tiếng vang lớn. Trong những năm sau đó, ông làm bộ phim Không thể rẽ trái, được nhận Huy chương Vàng LHP Truyền hình toàn quốc năm 1996. Cũng với bộ phim này, Võ Sông Hương nhận được giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất.
Sau thành công của hai bộ phim, ông tiếp tục làm bộ phim truyền hình Dòng đời (52 tập). Bộ phim đã mang lại 3 giải thưởng Đạo diễn, Quay phim và Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho đạo diễn Lê Cung Bắc, Đồng Anh Quốc và Võ Sông Hương trong cuộc bình chọn của khán giả do HTV tổ chức năm 2001. Cũng trong năm đó ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.