Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Điệp vụ Biển Đỏ’: Tiếp tục khoe sức mạnh quân sự Trung Quốc

Tác phẩm của đạo diễn Lâm Siêu Hiền tạo nên chuẩn mực mới cho dòng phim hành động quân sự của điện ảnh Hoa ngữ với phần chiến đấu dày đặc, khoe khoang sức mạnh quân đội Trung Quốc.

Trailer bộ phim 'Điệp vụ Biển Đỏ' Tác phẩm hành động - giật gân tiếp theo của đạo diễn Lâm Siêu Hiền sau "Operation Mekong" (Điệp vụ Tam Giác Vàng).

Thể loại: Hành động
Đạo diễn: Lâm Siêu Hiền
Diễn viên chính: Trương Hàm Dư, Trương Dịch, Hải Thanh, Hoàng Cảnh Du
Zing.vn đánh giá: 7/10

review phim Diep vu Bien Do anh 1
Operation Red Sea là bộ phim tiếp theo của đạo diễn Lâm Siêu Hiền sau Operation Mekong (2016).

Tháng 9/2016, Operation Mekong - bộ phim hành động lấy cảm hứng từ vụ thảm sát có thật tại khu vực Tam Giác Vàng - chính thức ra mắt khán giả. Sở hữu nội dung dàn trải, rối rắm, với nhiều chi tiết đi quá xa sự thật, phim vẫn thu hút khán giả nhờ phần hành động đa dạng, không hề thua kém các tác phẩm cùng loại của Hollywood.

Thắng lợi về mặt doanh thu của Operation Mekong khiến các nhà sản xuất lập tức “bật đèn xanh” cho dự án tiếp theo của đạo diễn Lâm Siêu Hiền. Lần này, đạo diễn họ Lâm được quân đội Trung Quốc đặt hàng thực hiện dự án dựa trên một sự kiện có thật khác.

Đó là điệp vụ sơ tán 225 người nước ngoài và hơn 600 công dân Trung Quốc bị mắc kẹt tại cảng Aden, miền nam Yemen, khi cuộc nội chiến tại quốc gia Tây Á nổ ra hồi 2015.

Operation Red Sea có kinh phí lên đến 70 triệu USD - con số vượt trội so với mặt bằng chung của điện ảnh Hoa ngữ. Bộ phim quy tụ dàn diễn viên tài năng bao gồm Trương Hàm Dư, Trương Dịch, Hải Thanh, Hoàng Cảnh Du, Đỗ Giang, cùng hàng trăm diễn viên quần chúng đa quốc gia, và số lượng trang thiết bị quân sự khổng lồ.

Ra mắt tại Trung Quốc đúng dịp Tết Nguyên đán 2018, Operation Red Sea gặt hái thành công lớn, đem về doanh thu lên tới gần 550 triệu USD, và trở thành tác phẩm có doanh thu cao thứ hai mọi thời đại trong lịch sử điện ảnh Hoa ngữ chỉ sau Chiến lang 2 (2017).

Phim về vụ thảm sát trên sông Mekong có hành động mãn nhãn

Các pha hành động gay cấn với cường độ cao đủ khiến khán giả quên đi những thiếu sót về mặt nội dung của “Operation Mekong”, tác phẩm mới nhất của đạo diễn Lâm Siêu Hiền.

Đẳng cấp hành động của “Michael Bay châu Á”

Hai năm trước, Operation Mekong gây ấn tượng mạnh nhờ các trường đoạn hành động dài hơi, kịch tính và bạo lực.

Có thể gọi Lâm Siêu Hiền là “Michael Bay phiên bản Á Đông”. Ngay phần mở đầu phim, khán giả được “rửa mắt” bằng trường đoạn hành động đột kích, giải cứu con tin và truy sát hải tặc hết sức kịch tính, dù cho tính hư cấu là khá cao.

Tiếp sau đó, Operation Red Sea liên tục phô diễn đẳng cấp hành động, với các trường đoạn đấu súng, cháy nổ ngập trời, đạn bay như mưa.... với thời lượng dài hơi cùng tần suất xuất hiện dày đặc.

Bộ phim “ném” các nhân vật vào một cuộc chiến tưởng chừng không có hồi kết với bối cảnh và nhiệm vụ liên tục thay đổi, từ đó dẫn đến hàng loạt xung đột bất ngờ, không báo trước.

Trong suốt hơn hai tiếng thời lượng, khán giả khó có cơ hội rời mắt khỏi màn hình, bởi chỉ cần một thời khắc mất tập trung cũng có thể khiến bỏ lỡ mất những cảnh hành động đang diễn ra liên tục, không ngừng nghỉ.

review phim Diep vu Bien Do anh 2
Phần hành động của bộ phim xứng đáng nhận nhiều lời ngợi khen, dù đôi lúc tính hư cấu vẫn là khá cao.

Operation Red Sea còn cố gắng khắc họa bối cảnh chiến tranh tại quốc gia Tây Á Yemen, với các trận chiến diễn ra trong những thành thị hoang tàn, những hoang mạc đầy nắng gió, hay những ngôi làng tiêu điều, trống trải.

Không còn bị giới hạn ở các bối cảnh Đông Á chật hẹp quen thuộc, khán giả nay được trải nghiệm hàng loạt trận giao chiến đúng chất chiến tranh với quy mô lớn hơn, ác liệt.

Bối cảnh lạ như khu vực Tây Á và một số điểm nóng Trung Đông đã xuất hiện nhiều lần trong các tác phẩm của Hollywood. Nhưng đây là lần hiếm hoi một nhà làm phim châu Á khai thác xung đột tại đây một cách bài bản.

Để tránh bị nhàm chán và lặp lại phong cách của người Mỹ, đạo diễn Lâm Siêu Hiền còn cố gắng tìm kiếm một vài điểm nhấn mới cho tác phẩm.

Operation Red Sea nỗ lực thể hiện tính chân thực, tàn bạo của chiến tranh thông qua chi tiết phe phản diện sử dụng người dân lương thiện làm “tốt thí” để đánh bom liều chết, hoặc một số hình ảnh máu chảy đầu rơi, người chết la liệt trên chiến trường.

Bên cạnh đó, nhiều tình tiết sáng tạo quá đà tới mức hư cấu. Chẳng hạn như việc chỉ một tiểu đội 8 người có thể tiêu diệt hơn 100 quân phiến loạn, hay như màn truy đuổi và đấu xe tăng cuối phim.

Chúng “có công” tăng cường tính giải trí và nâng tầm nhân vật, nhưng vô tình lại khiến tác phẩm mất đi tính chân thực mà Lâm Siêu Hiền đã cố gắng gây dựng song song.

Chất lượng sản xuất ấn tượng

Để tạo nên phần hành động hoành tráng, chân thực, Operation Red Sea có quá trình ghi hình tại Morocco, với hàng trăm diễn viên quần chúng địa phương và Trung Quốc. Hầu hết bối cảnh lớn đều quay ngoài thực địa, được xây dựng, và hạn chế tối thiểu kỹ xảo vi tính.

Các loại phương tiện quân sự, khí tài, phục trang… đều do quân đội Trung Quốc tư vấn, tài trợ với số lượng lớn, giúp đảm bảo tính chính xác và thực tế, đem lại cảm giác chân thực và chuyên nghiệp cho người xem.

review phim Diep vu Bien Do anh 3
Sự hỗ trợ từ phía quân đội giúp ích rất nhiều cho Operation Red Sea.

Phần hình ảnh và âm thanh của Operation Red Sea có chất lượng rất tốt. Đạo diễn hình ảnh sử dụng nhiều thủ pháp quay phim lạ, đem đến những góc máy đẹp, ấn tượng, tạo cảm giác kịch tính cho các cảnh hành động. Phần kỹ xảo cũng tốt hơn rất nhiều các bom tấn của điện ảnh Hoa ngữ.

Song, Operation Red Sea vẫn tồn tại một số vấn đề về mặt thiết kế sản xuất. Dễ thấy trong các trường đoạn hành động có bối cảnh lớn, nhiều nhân vật, từng phân cảnh hành động của mỗi người được sắp đặt lộn xộn, không có sự dẫn dắt theo thứ tự cụ thể, và khiến người xem khó khăn trong việc theo dõi.

Tận dụng tinh thần dân tộc Đại Hán

Đánh đổi lại mảng động chất lượng trên kỳ vọng, Operation Red Sea sở hữu câu chuyện tưởng như đơn giản, dễ hiểu, nhưng lại chứa đựng rất nhiều chi tiết thừa thãi, rời rạc.

Bên cạnh cốt truyện chính về nhiệm vụ giải cứu kiều dân Trung Quốc và người dân Yemen khỏi chiến loạn của đội Giao Long, bộ phim còn sáng tạo thêm một tuyến truyện đậm chất Hollywood, liên quan đến việc nữ phóng viên Hạ Nam (Hải Thanh) khám phá âm mưu chế tạo vũ khí hạt nhân của đám phiến quân.

Việc giới thiệu hai tuyến truyện cùng lúc khiến tiết tấu phim bị xé lẻ và ngắt quãng. Đồng thời, mục tiêu của các nhân vật trong phim liên tục bị thay đổi do các sự kiện, tình huống mới phát sinh liên tục.

review phim Diep vu Bien Do anh 4
Quá tập trung cho mảng hành động, bộ phim để lộ ra nhiều điểm yếu cố hữu về cốt truyện và nhân vật.

Hậu quả là sau một trận chiến ác liệt, tưởng chừng mọi thứ đã kết thúc, các nhân vật vẫn bị buộc phải đóng vai “người hùng kiểu Hollywood”, lao vào một trận chiến khác hoàn toàn hư cấu, với lý tưởng lãng xẹt và chẳng hề liên quan gì đến sứ mệnh ban đầu của bản thân.

Kịch bản phim thực tế rất nghèo nàn, với nhiều tình huống khiên cưỡng, thể hiện rõ sự sắp đặt của đội ngũ biên kịch. Hoàn cảnh, mục đích và cá tính các nhân vật cũng được miêu tả khá sơ sài, nhạt nhòa, thiếu điểm nhấn, đặc biệt là với nhóm thành viên của đội Giao Long.

Ngay từ đầu, bộ phim đã ưu ái giới thiệu đầy đủ tên tuổi và chức danh của tất cả thành viên trong đội. Đáng tiếc thay, do tiết tấu quá gấp gáp, khán giả chưa kịp làm quen và nhớ tên bất cứ ai, thì đạo diễn đã ném tất cả vào chiến trường, với những trường đoạn hành động không ngừng nghỉ.

Rốt cuộc, mọi nhân vật trong phim đều giống nhau, đều trở thành những người lính không tên, chỉ có nhiệm vụ duy nhất là chiến đấu và chiến đấu, chứ chẳng để lại bất cứ ấn tượng nào đặc biệt đáng nhớ.

Dĩ nhiên, khi theo dõi Operation Red Sea, khán giả quốc tế sẽ dễ dàng nhận ra một lý do nữa giúp bộ phim gặt hái thành công vang dội đến như vậy tại quê nhà. Giống như Chiến lang 2 của Ngô Kinh, hay chính Operation Mekong, bộ phim đánh mạnh vào lòng tự hào dân tộc của người Trung Quốc, đánh vào tinh thần Đại Hán.

Ở bộ phim trước, đạo diễn Lâm Siêu Hiền đã đưa câu chuyện đi quá xa sự thật khi cho lực lượng cảnh sát Trung Quốc “gánh team” từ đầu tới cuối, trong khi phía Lào mới là những người thực sự bắt được tay trùm ma túy. Đến bộ phim mới, hình tượng người lính Trung Quốc hiện lên với sức mạnh vô địch, dường như không gì có thể cản nổi.

Thông điệp ấy trong phim được cài cắm lộ liễu qua hàng loạt chi tiết, và cho thấy sự thiếu tiết chế của đạo diễn họ Lâm. Dù vậy, với thành công phòng vé tại quê nhà, Operation Red Sea cho thấy đây sẽ tiếp tục là xu hướng làm phim của người Trung Quốc trong thời gian tới.

Nhìn chung, Operation Red Sea là tác phẩm hành động ấn tượng trong đầu năm 2018. Hoành tráng, mãn nhãn và mang đậm tính giải trí, bộ phim tiếp tục giúp điện ảnh Hoa ngữ thăng hoa.

Tuy nhiên, phim còn tồn tại nhiều vấn đề cố hữu về mặt kịch bản và câu chuyện.

Khánh Hưng

Ảnh: Bona Film Group

Bạn có thể quan tâm