Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Điều cấm kỵ' trong 'bão đá', học sinh viết bài bảo vệ

"Tại sao chúng ta lại sử dụng những ngôn từ thiếu văn hóa, mang tính mạt sát, xúc phạm nhằm vào những người đang cố gắng hết sức để chúng ta có một "môi trường ảo" trong sạch hơn" - cựu học sinh trường Lương Thế Vinh viết.

'Điều cấm kỵ' trong 'bão đá', học sinh viết bài bảo vệ

"Tại sao chúng ta lại sử dụng những ngôn từ thiếu văn hóa, mang tính mạt sát, xúc phạm nhằm vào những người đang cố gắng hết sức để chúng ta có một "môi trường ảo" trong sạch hơn" - cựu học sinh trường Lương Thế Vinh viết.

Ngày hôm qua (16/1), dư luận khá bất ngờ với bản thông báo những điều cấm kỵ khi lên mạng xã hội ở trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội). Với những nội dung như cấm nói tục, cấm nói xấu nhau, phải viết status (dòng trạng thái) rõ ràng...

Trong khi đa số người lớn, các bạn trẻ khá đồng tình, bởi đây là một quy định có tính tích cực thì cũng không ít ý kiến phản đối. Họ cho rằng cấm đoán chưa hẳn là giáo dục, rằng mạng xã hội là tự do ngôn luận... Tuy nhiên, ngay trong tối qua, thầy giáo Văn Như Cương, hiệu trưởng nhà trường khẳng định vẫn sẽ ra quy chế này tại trường. Bởi theo ông, các nhà quản lý giáo dục không chấn chỉnh được vấn đề này thì chỉ một vài năm nữa xã hội chắc toàn những người chửi thề và nói tục. Vì thế, cần phải có những định hướng, những lưu ý cho các em học sinh của trường.

Phó giáo sư Văn Như Cương: "Mạng xã hội trở thành  nơi các em “xả” bất cứ thứ gì các em thích, không có trách nhiệm với câu nói, thái độ, thậm chí cái “like” (thích) hay “comment” (phản hồi) của mình"

Dù vậy, đến hôm nay, không ít lời lẽ không hay ho về vị thầy giáo đáng kính cũng như  "điều cấm kỵ" này được đăng tải, thậm chí gây tranh cãi ở bên quán nước, bữa ăn. Trước sự nhìn nhận thái quá đó, bạn Nguyễn Minh Tú, cựu học sinh lớp A01 khóa 2006-2009 của trường Dân lập Lương Thế Vinh đã có bài viết khá dài trên trang mạng của trường. Mới đăng tải nhưng bài viết của Minh Tú đã có khoảng 40 chia sẻ, hơn 400 lượt thích và hơn 60 bình luận.

Minh Tú mở đầu bài chia sẻ bằng câu: Mong các bạn học sinh LTV - và cả các bạn đang quan tâm đến trường LTV với một cái nhìn thiếu thiện cảm hãy đọc hết" Và dưới đây là toàn bộ bài viết khá sâu sắc, chân thành của cựu học sinh Lương Thế Vinh.

"Hai hôm nay, đi đến đâu cũng được nghe nói về chuyện học sinh Lương Thế Vinh bị áp lên đầu một bản nội quy khi dùng mạng xã hội.

Chiều nay mình ngồi trà chanh Nhà Thờ, mấy con bé học sinh trường nào đó (cấp 2) cũng bàn tán rất xôn xao về chuyện này, mình càng nghe càng thấy bức xúc bởi lời lẽ mà các em ấy thốt ra không một câu nào là không tục tĩu và bẩn thỉu.

Biết rằng nói tục, nói bậy, nói đệm là cách mà những người trẻ vẫn đang dùng để giao tiếp với nhau hàng giờ (và mình cũng vậy), nhưng ai cũng hiểu, mọi thứ đều có chừng mực. Đôi khi yêu quá cũng không hay, ghét quá cũng thành dở. Hai hành vi thuộc hàng bản năng còn không thoát được quy luật đó, nữa là những thứ có thể kiểm soát được, nhận xét được một cách rõ ràng như lời ăn, tiếng nói.

Mọi chuyện sẽ rất dễ kiểm soát nếu mọi người không làm quá lên bằng những lượt chia sẻ, những ý kiến quá khích. Mọi chuyện cũng sẽ rất dễ hiểu nếu mọi người nhìn nhận vấn đề ở một góc độ tích cực hơn.

Sự việc một học sinh sử dụng mạng xã hội để trào lộng thầy cô giáo của mình là thật sự không thể chấp nhận được. Chúng ta không thể nói rằng "tự do ngôn luận" để biện hộ cho hành vi đó. Sai là sai. Tự do phải được đặt trong khuôn khổ nhất định, và khuôn khổ đó là đạo đức và sự phản biện của xã hội.

Bài viết của Minh Tú.

Vậy tại sao chúng ta lại sử dụng những ngôn từ thiếu văn hóa, những phát ngôn mang tính mạt sát, xúc phạm nhằm vào những người đang cố gắng hết sức để chúng ta có một "môi trường ảo" trong sạch hơn?

Tại sao chúng ta lại từ câu chuyện một bản nội quy để xiên sang chuyện ông thầy này thế này, bà cô này thế khác, trong khi chúng ta không hề biết, không hề tiếp xúc với họ? Tại sao chúng ta lại từ một bản nội quy để đánh giá trường này thế này, trường kia thế khác trong khi có thể còn ko biết nó ở đâu?

Nhân cách của học sinh Lương Thế Vinh, nhân cách của một con người lại dễ dàng bị chà đạp thế sao? Các cựu học sinh, các bạn rất mạnh miệng để nói rằng trường cũ của các bạn thế này thế khác để làm gì? Có câu rằng, chó không chê chủ nghèo, con không chê cha mẹ khó. Ngôi trường này đã có lỗi gì với các bạn mà các bạn lại nói ra những lời lẽ như vậy? Đằng sau lưng các bạn, các bạn đã bao giờ biết đến những gì mà những người mà các bạn đang phỉ báng đã hết lòng hết sức vì các bạn, hoặc vì những người khác hay ko? Hay các bạn chỉ biết đến những đồn đại, những thêu dệt trong nội bộ từ rồi phóng đại nó lên thành những cuộc chuyện vui?

Các bạn học sinh và không phải (cựu) học sinh của trường, các bạn "ném đá" fan page và quy định của trường Lương Thế Vinh để làm gì? Thật sự là các bạn thấy bức xúc thay cho học sinh của trường, hay là các bạn thấy vui, thấy hãnh diện và thỏa mãn với sự chà đạp mà các bạn vừa làm, hoặc đơn giản chỉ là nó xôm quá, góp vui?

Trường LTV, khi mà các bạn cố tình đọc nó dưới một cách khác, thì tự thâm tâm các bạn vẫn cứ hiểu nó là Lương Thế Vinh, hoặc nếu là gì khác, thì các bạn cũng vẫn thừa thông minh để hiểu nó là từ viết tắt của một từ đàng hoàng, có ý nghĩa. Và, chúng tôi rất cảm ơn, vì ít ra, cũng đã thêm một người biết đến ngôi trường của chúng tôi, dù tốt dù không.

Thầy Văn Như Cương mà chúng tôi hằng kính trọng, vẫn cứ là người thầy đáng kính của chúng tôi. Ai có nói gì, có đùa cợt, chê bai kiểu gì đi nữa, thì họ cũng vẫn hiểu rằng, thầy Văn Như Cương là người đã một tay xây dựng nên một ngôi trường dân lập có mấy ngàn học sinh, năm nào cũng lấy điểm chuẩn rất cao và kết quả học tập, thi cử của học sinh trường này đều không khiến cho ai đã từng học phải xấu hổ.

Còn xa lắm bất kỳ ai trong chúng ta, những người đang phí thời gian tranh cãi ở page này mới bằng thầy được, cả về tài năng và đạo đức.

Cái gì cũng có hai mặt của nó. Một cách công bằng, quy định mới của trường thật sự rất khó thực hiện, nếu không nói là quá khắt khe. Nhưng nó không sai. Chúng ta không thể nói với thầy cô hãy sửa những quy định này, vì nó hoàn toàn không có gì trái với đạo đức cả. Nhưng các thầy, các cô, cũng sẽ chẳng kỷ luật ai, phê bình ai khi mà người đó đăng những status (dòng trạng thái) có đi kèm những từ như đm, vl, tsb,v..v...

Đúng, đó là quyền cá nhân của các bạn, trên trang cá nhân của các bạn. Nếu chả may có viết cái gì quá quắt, như kiểu phỉ báng nhà trường, phỉ báng thầy cô chắc cũng chỉ cần xóa tài khoản đi, rồi chối bay chối biến, kể cả có ai cẩn thận chụp lại màn hình, vẫn có thể cãi là "nó photoshop để hại em" cơ mà?

Những người bị dư luận ném đá vì chửi thầy cô, chửi cha mẹ, ngồi lên mộ... họ cũng đâu có giữ lại những thứ đó hoặc tài khoản đó? Nhưng họ đâu có sống thanh thản được? Vì sự đánh giá cao nhất, sự kỷ luật nặng nề nhất chính là ở lương tâm của mỗi người, ở sự đánh giá của chính người thân, bạn bè của họ.

Viết một dòng status ví dụ như:"hôm nay thi khó vl" chắc cũng chẳng thầy cô nào kỷ luật bạn cả đâu. Nhưng viết một dòng status: "....con mụ dạy môn A/B/C như con điên..." thì chẳng cần nhà trường phải đuổi học hay cảnh cáo bạn, chính bạn bè bạn sẽ có lời với bạn, đó là điều hiển nhiên rồi. Trừ khi bạn tự hiểu rằng đó là câu nói ko nên để nhiều người thấy, và đặt chế độ giới hạn người đọc đc nó. Vậy thôi đã đủ để nghĩ rằng, bạn vẫn còn lương tâm chưa đánh mất.

Vậy nên, sau tất cả những lùm xùm, lời qua tiếng lại, hãy hiểu vấn đề đơn giản rằng, thầy cô, ai cũng muốn chúng ta có một môi trường sống và học tập thật trong sạch, ai cũng muốn chúng ta cư xử với nhau đẹp hơn, nhân văn hơn, thân thiện hơn, và tìm những cách diễn đạt suy nghĩ, niềm vui cũng như nỗi buồn, yêu thương cũng như tức giận một cách chín chắn hơn, lịch sự hơn mà thôi. Giống như cha mẹ vậy, dù có đánh, có mắng, có chửi con, nhưng vẫn cứ thương con.

Nắm tay nhau, và cùng xây dựng ngôi trường của mình đẹp hơn, thân thiện hơn bằng tình bạn, tình thầy trò".

Linh San

Theo Infonet

Linh San

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm