Theo quan niệm về nhân tướng học, dái tai to, dày là biểu hiện của người có phúc, nhiều lộc. Để thay đổi tướng số thông qua cách này, nhiều người tìm tới thủ thuật tiêm filler vào bộ phận này. Đặc biệt, trong dịp cận Tết, dịch vụ này càng được nhiều người tìm đến. Nhu cầu tăng khiến một số cơ sở spa, thẩm mỹ viện thường xuyên đăng tải các thông tin quảng cáo trên mạng về dịch vụ này để thu hút khách.
Nhu cầu tiêm tai tài lộc để thay đổi tướng số, phù hợp phong thủy đang tăng dần. |
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ và hàm mặt, Bệnh viện E (Hà Nội), tai là một trong ngũ quan của cơ thể, nhu cầu tạo hình thẩm mỹ, làm đẹp bộ phận này là chính đáng. Tiêm tai cũng là thủ thuật rất đơn giản và thường gặp với các bác sĩ. Tuy nhiên, nếu không được thực hiện bởi người có chuyên môn, trong môi trường đảm bảo, việc làm này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.
Nguy cơ nhiễm trùng
"Tiêm filler là thủ thuật có xâm nhập - sử dụng các chất liệu bên ngoài đưa vào lớp dưới da. Thủ thuật này bắt buộc phải do bác sĩ thực hiện", thạc sĩ Minh khẳng định.
Da có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của các vi khuẩn. Do đó, trên bề mặt da và dưới lỗ chân lông, vi khuẩn có sẵn thường tồn tại với số lượng lớn. Trong điều kiện thông thường, các loại vi khuẩn này vẫn sống chung với chúng ta mà không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tuy nhiên, khi tiêm filler trong điều kiện không đạt tiêu chuẩn, dụng cụ chưa vô khuẩn, việc sát trùng không đúng quy cách..., chúng ta sẽ phá vỡ lớp bảo vệ, tạo điều kiện để các loại vi khuẩn đó xâm nhập vào cơ thể xuyên qua da, gây nhiễm trùng nghiêm trọng.
Các cơ sở spa quảng cáo rầm rộ dịch vụ tiêm tai dù không được phép mang đến nhiều nguy cơ cho sức khỏe người dân. |
"Nhiều trường hợp nhiễm khuẩn gây ra các micro áp-xe, trở thành một lớp vỏ bọc cho vi khuẩn khu trú trong cơ thể. Một số bệnh nhân nặng có thể nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng", thạc sĩ Minh nói.
Vì vậy, bác sĩ thực hiện phải kiểm soát tác nhân gây nhiễm trùng khi thực hiện phẫu thuật, tiểu phẫu. Cụ thể, dụng cụ được diệt khuẩn, phòng thực hiện thủ thuật được cấy không khí và hoàn toàn không có vi khuẩn.
Chất liệu
Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ và hàm mặt cho biết chất liệu tiêm filler tiêu chuẩn là axit hyaluronic. Đây là một dạng axit hữu cơ có trong cơ thể người, thường được triết xuất từ bò và có thể tan trong cơ thể sau khoảng 1-1,5 năm.
Tuy nhiên, một số cơ sở thẩm mỹ kém chất lượng vẫn sử dụng silicone công nghiệp để thay thế. Trong lịch sử, chất liệu này từng được sử dụng để tiêm làm đầy nhưng đã bị cấm do những tác hại của nó.
Khác với axit hyaluronic, silicone lỏng tồn đọng trong cơ thể vĩnh viễn và trở thành dị vật, gây ra tình trạng viêm mạn tính.
Bên cạnh đó, silicone cũng không vón cục và cố định như mong muốn. Chúng có thể phân tán khắp nơi trên cơ thể và gây viêm mủ, ảnh hưởng các bộ phận khác. Hậu quả chúng gây ra hầu như không thể chữa khỏi do đây là phản ứng của cơ thể với dị vật, không phải nhiễm trùng.
Ngoài ra, các chất chưa được cấp phép khi được tiêm vào cơ thể, tỷ lệ dị ứng cao hơn rất nhiều.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện E. Ảnh: Ngọc Hiền. |
Liều lượng
Chất làm đầy khi được tiêm vào cơ thể sẽ định hình và nằm cố định tại bộ phận thực hiện. Do đó, việc tiêm số lượng lớn chất làm đầy vào lòng mạch hoặc xung quanh mạch máu tạo ra một khối chèn ép vào mạch gây tình trạng thiếu máu, dẫn đến hoại tử.
"Dấu hiệu đầu tiên bệnh nhân cảm nhận được khi tắc mạch là cơn đau khủng khiếp. Lúc này, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế lớn để điều trị nhanh nhất có thể", thạc sĩ Minh cho biết.
Bác sĩ Nguyễn Đình Minh nhận định nhu cầu làm đẹp tai rất lớn. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, người dân cần tới bệnh viện uy tín hoặc các phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép để thực hiện các thủ thuật có xâm nhập như tiêm filler, tiêm botox, căng chỉ da mặt..., tránh các nguy cơ gây hại cho sức khỏe.