Năm nay, sau khi biết điểm thi của mình, thí sinh có quyền điều chỉnh nguyện vọng bằng cách điều chỉnh trực tuyến (từ ngày 15/7 đến 21/7) hoặc bằng phiếu điều chỉnh nguyện vọng (từ ngày 15/7 đến 23/7).
Với phương thức trực tuyến, thí sinh có thể thay đổi nguyện vọng hoặc thứ tự nguyện vọng nhưng phải giữ nguyên số nguyện vọng đã đăng ký. Những em muốn bổ sung nguyện vọng cần điều chỉnh bằng phiếu nộp tại nơi đăng ký dự thi và nộp thêm lệ phí cho nguyện vọng được thêm vào.
Một trong những ngành thí sinh quan tâm từ lúc nộp hồ sơ và cả thời điểm điều chỉnh nguyện vọng tới đây là Công nghệ Thông tin.
Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thị trường cần đến nguồn nhân lực lớn ngành Công nghệ Thông tin.
Theo báo cáo mới nhất của Vietnamworks, nhu cầu nhân sự ngành IT đang ở mức cao với gần 15.000 việc làm được tuyển dụng trong năm 2016 và đến cuối năm 2018, nước ta sẽ thiếu khoảng 70.000 nhân lực hoạt động trong ngành này.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong mùa tuyển sinh đại học năm 2017, ngành này có số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng lớn thứ 5 trên cả nước với 22.663 em đăng ký nguyện vọng 1.
Điểm chuẩn năm 2016, chỉ tiêu tuyển sinh 2017 của ngành Công nghệ Thông tin tại một số trường đại học. |
Ngành IT thường được phân chia thành 5 chuyên ngành phổ biến là Khoa học Máy tính, Kỹ thuật Máy tính, Hệ thống Thông tin, Mạng máy tính Truyền thông, Kỹ thuật Phần mềm.
Ngành Công nghệ Thông tin xét tuyển với tổ hợp môn đa dạng, với Toán là môn chủ đạo.
Thông thường, ngành xét tuyển theo tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Tiếng Anh), D07 (Toán, Hóa, Tiếng Anh), D01 (Toán, Văn, Tiếng Anh), C01 (Toán, Văn, Lý).
Điểm chuẩn ngành này cũng dao động trong khoảng rộng, cho phép thí sinh dễ dàng lựa chọn trường có điểm trúng tuyển phù hợp với kết quả thi THPT quốc gia của mình.
Tại Hà Nội, nếu tổng điểm tổ hợp xét tuyển đạt trên 22 điểm, thí sinh có thể đăng ký vào những trường có điểm chuẩn năm 2016 khá cao như ĐH Bách khoa (8,82 theo thang điểm 10), ĐH Thủy Lợi (20,5 điểm), ĐH Kinh tế Quốc dân (22,95 điểm), ĐH Giao thông Vận tải (22,5 điểm).
Trong trường hợp kết quả thi chỉ nằm trong khoảng từ 18 đến 22 điểm, ĐH Kiến trúc Hà Nội, Viện Đại học Mở, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Hà Nội hay ĐH Thủy lợi sẽ là lựa chọn tương đối vừa tầm. Điểm chuẩn năm ngoái của các trường này lần lượt là 19 điểm, 18,5 điểm, 18,25 điểm, 19 điểm và 6,72 điểm (theo thang điểm 10).
Nếu điểm thi chỉ ở mức 15, 16 điểm, thí sinh yêu thích ngành Công nghệ Thông tin nên cân nhắc ứng tuyển vào Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ĐH Mỏ Địa chất hoặc Học viện Quản lý Giáo dục.
Tại TP.HCM, thí sinh nên lựa chọn ĐH Công nghệ Sài Gòn nếu điểm thi không quá cao. Năm ngoái, trường lấy điểm chuẩn 15 cho ngành này.
Nếu điểm tổ hợp xét tuyển nằm trong khoảng từ 18 đến 22 điểm, thí sinh có thể xem xét những trường có điểm chuẩn năm 2016 cũng thuộc khoảng này như ĐH Sư phạm TP.HCM (19,75), ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TP.HCM (20,75), ĐH Giao thông Vận tải (19).
Trong trường hợp điểm xét tuyển đạt trên 22 điểm, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào ĐH Sài Gòn. Năm ngoái, trường lấy 25,5 và 25,75 điểm cho tổ hợp xét tuyển A00, A01.
Các trường thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM như ĐH Công nghệ Thông tin, ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học tự nhiên cũng là lựa chọn tốt. Năm ngoái, ĐH Bách khoa lấy 25,5 điểm cho ngành này. Hai trường còn lại cùng lấy 23 điểm.
Ở các khu vực khác, thí sinh có thể chọn đăng ký vào ĐH Khoa học Huế. Năm ngoái, điểm chuẩn ngành CNTT của trường là 24,5 điểm.
ĐH Bách khoa Đà Nẵng cũng đào tạo ngành IT với điểm chuẩn năm 2016 là 23,75 điểm cho tổ hợp xét tuyển A00, A01.
Tuy nhiên, điểm chuẩn năm ngoái chỉ mang giá trị tham khảo. Thí sinh nên tìm hiểu thêm về phổ điểm năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh cùng dự đoán điểm chuẩn của các trường để điều chỉnh nguyện vọng hợp lý.