Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh này có thể làm tăng tỷ lệ học sinh trượt tốt nghiệp trong kỳ thi năm tới. Các trường THPT cũng lên phương án ôn tập, đặt mục tiêu mức điểm cần đạt trong kỳ thi THPT quốc gia tới cho học sinh.
Tăng tốc ôn tập
Thầy Trần Thanh Sơn, giáo viên dạy Toán một trường THPT ở Hà Nội, cho rằng việc điều chỉnh tỷ lệ điểm thi lên 70% là phù hợp. Bởi có như vậy, học sinh mới có kế hoạch học tập nghiêm túc ở tất cả môn thi, đồng thời việc này sẽ có tác động một phần đến điều chỉnh điểm học bạ của học sinh.
Ông Đào Tuấn Đạt, Hiệu trưởng trường THPT Anhxtanh (Hà Nội), cho biết sau khi có điều chỉnh của Bộ GD&ĐT, trường vừa có kế hoạch tăng thời lượng ôn tập các môn học cho học sinh lên gấp đôi đồng thời có bảng tính toán để học sinh tự biết và nỗ lực.
Ông Đạt ví dụ với cách tính như năm nay, một học sinh có điểm tổng kết trung bình là 7,5 thì điểm thi THPT quốc gia trung bình các môn phải đạt 3,93 điểm mới đỗ.
Tương tự, học sinh có điểm tổng kết trung bình môn học là 7,6, điểm thi THPT quốc gia trung bình các môn phải đạt 3,89. Những em có điểm tổng kết 9,9 hoặc 10, điểm thi trung bình các môn cũng phải đạt 2,9 đến 3 điểm.
Thí sinh làm bài thi THPT quốc gia 2018 tại hội đồng thi THCS Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình,TP.HCM. Ảnh: L.Q. |
Theo ông Đạt, việc điều chỉnh tăng tỷ lệ điểm thi trong xét tuyển tác động không nhỏ đến học sinh. Tuy nhiên, nhà trường cũng không quá lo lắng bởi theo đề minh họa Bộ GD&ĐT công bố năm nay, cấu trúc 3-3-2-2, nghĩa là, 3 điểm dễ, 3 điểm trung bình, 2 điểm trên mức trung bình và 2 điểm khó.
“Phần kiến thức cơ bản trong đề minh họa năm nay chiếm tới 8 điểm. Như vậy, học sinh sẽ không khó khăn khi đạt mức điểm đủ để xét tốt nghiệp THPT. Vì vậy, tôi dự đoán tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của các địa phương năm nay cũng sẽ không thấp hơn năm trước”, ông Đạt nói.
Hiệu trưởng trường THPT Đồng Quan (huyện Phú Xuyên, Hà Nội), ông Lê Văn Dũng, cũng cho rằng lâu nay không ai khẳng định được việc các trường có nâng điểm “làm đẹp” học bạ cho học sinh lớp 12 không, nhưng khi có kết quả thi THPT quốc gia, một số thí sinh đạt điểm tổng kết rất cao, điểm thi lại quá thấp.
“Nâng tỷ lệ điểm thi để xét tốt nghiệp lên 70% cũng là phương thức để hạn chế các trường nâng đỡ quá mức kết quả học tập của học sinh, đồng thời phân hoá học sinh tốt hơn”, ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, ở trường, ông không khuyến khích giáo viên “rộng tay” với học sinh, bởi như thế học sinh nghĩ mình giỏi rồi nên không cần cố gắng. Bên cạnh đó, trường lên kế hoạch ôn tập từ sớm, đặc biệt học sinh lớp 12 năm nay đã có sự chuẩn bị từ lớp 11 nên học đến đâu được ôn tập cuốn chiếu đến đó. Kết thúc học kỳ I, học sinh lớp 12 cũng đã được kiểm tra, đánh giá dựa theo ma trận đề minh hoạ của bộ để đánh giá chất lượng học sinh.
Sẽ tăng tỷ lệ học sinh trượt tốt nghiệp?
Trước đây, cách tính điểm xét tốt nghiệp 50-50, nghĩa là điểm thi THPT quốc gia chiếm 50% và điểm tổng kết trung bình các môn học lớp 12 chiếm 50%. Với cách tính đó, nhiều năm qua, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp của các địa phương ở mức cao từ 90-99%.
Với tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp cao như vậy, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi, có nên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia hay không bởi mục đích chính của kỳ thi là xét tốt nghiệp đã không đạt được.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch hội đồng quản trị trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), dự đoán việc điều chỉnh tỷ lệ điểm thi như năm nay chắc chắn sẽ làm giảm tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp của các địa phương, tuy nhiên giảm ở mức độ nào thì phụ thuộc đề khó hay dễ. Nếu đề đảm bảo 80% kiến thức cơ bản, 20% kiến thức nâng cao, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp cũng sẽ cao.
Ông Lâm cũng nhìn nhận việc điều chỉnh tỷ lệ điểm xét tuyển là phù hợp, tiệm cận chất lượng của kỳ thi THPT quốc gia hơn trước. Tuy nhiên, ông Lâm cũng cho rằng tuy tỷ lệ điểm xét tuyển của học bạ chỉ chiếm 30%, điều đó không có nghĩa các trường sẽ không nâng điểm.
Ông Phạm Tất Dong, Nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, cho rằng trước đây, Bộ GD&ĐT để tỷ lệ điểm xét tốt nghiệp của học bạ cao, các trường sẽ không khó khăn khi điều chỉnh điểm cho học sinh. Với điều chỉnh mới, tuy điểm học bạ chiếm tỷ lệ 30%, không phải vì vậy mà hạn chế được các trường nâng điểm, làm đẹp học bạ.
Tuy nhiên, ông Dong cũng cho rằng chỉ nên lấy điểm học bạ để xem học sinh học khá, tốt môn nào để hướng nghiệp, phân luồng đi học nghề, học ĐH sẽ phù hợp hơn xét tốt nghiệp. Bởi sau 12 năm học, không nhất thiết phải có hình thức nào đó để siết việc cấp bằng tốt nghiệp cho học sinh vì bằng tốt nghiệp không có ý nghĩa trong định hướng nghề nghiệp. Sau đó, học sinh vẫn phải đi học ngành, nghề nào đó mới có thể đi làm việc.
Cũng theo ông Dong, nên có nghiên cứu lộ trình cụ thể về những thay đổi trong kỳ thi THPT quốc gia. Không nên năm trước cho tỷ lệ điểm thi và điểm học bạ 50-50 và khi thực hiện không hợp lý lại đi chữa bằng cách điều chỉnh tỷ lệ điểm thi lên 70%.
“Nếu vậy, trong năm tới, kết quả không phù hợp dựa vào cơ sở khoa học nào để điều chỉnh tăng tỷ lệ % lên?”, ông Dong đặt câu hỏi.