Nhiều người có thói quen hút thuốc lá khi căng thẳng, buồn chán hoặc đơn giản là giải trí, hút vui với bạn bè. Tuy nhiên, họ không lường trước được những tác hại nguy hiểm mà thuốc lá gây ra cho sức khỏe con người.
Dưới đây là quá trình phá hủy cơ thể của thuốc lá từ lúc bạn bắt đầu châm lửa, tới khi khói xâm nhập vào thực quản, phổi, tim mạch. Nguy hiểm hơn, việc bạn thở khói thuốc ra ngoài làm tăng gấp đôi tác hại tới các bộ phận này.
Khi bạn hút hơi đầu tiên
Theo The Health Site, cho dù bạn đốt thuốc lá bằng que diêm hay bật lửa, làn khói đầu tiên luôn nguy hiểm nhất. Khói thuốc bắt đầu phát ra đậm đặc, có thể để lại một lớp màng nhầy trong mũi, gây hư hại cho khu vực này.
Ngoài ra, nhiệt độ từ thuốc lá ảnh hưởng đến da mặt, đặc biệt vùng da quanh mũi và miệng. Nhiệt độ làm đôi môi tối lại, dẫn đến nếp nhăn và lão hóa. Bạn có thể dễ dàng phát hiện ra điều này khi người hút thuốc bĩu môi sẽ xuất hiện nếp nhăn quanh môi - điều này thường không xảy ra ở những người không hút thuốc.
Khi khói thuốc vào bên trong miệng
Khi xâm nhập vào bên trong miệng, khói thuốc bắt đầu phá hủy lớp men răng, bao phủ một lớp màng nâu, làm răng xỉn màu.
Các rất nhiều hóa chất độc hại trong thuốc lá, chúng tạo thành một lớp màng ngăn chặn lưỡi, vòm họng, vùng bên trong má. Điều này khiến bạn mất vị giác, cản trở tuyến nước bọt làm việc, dẫn đến khô miệng. Đây là nguyên nhân vì sao bạn lại muốn uống nước sau khi hút thuốc.
Sau đó, khói thuốc lá xâm nhập xuống vòm họng, bao phủ ở đây một lớp cặn màu trắng với những đốm nhỏ màu đỏ nhô lên. Hút thuốc lá cũng giết chết các vi khuẩn có lợi trong miệng, khiến hơi thở hôi và nấm miệng. Người hút thuốc lá cũng thường bị bệnh nướu răng, úa màu nướu, dẫn đến sâu răng, thậm chí là ung thư miệng.
Ngoài ra, hút thuốc cũng ảnh hưởng đến hệ thống khứu giác, khiến bạn ngửi kém hơn, thậm chí là không thể ngửi được các loại mùi nữa.
Hút thuốc lá có thể gây ra rất nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng mà bạn không ngờ tới. Ảnh: Thehealthsite. |
Khi khói thuốc thuốc đi vào cổ họng
Khi khói thuốc bắt đầu chạm vào mặt sau của miệng, xuống đến cổ họng, chúng khiến các mạch máu co lại ngay lập tức. Điều đó cũng ảnh hưởng đến các tế bào niêm mạc lót cho cổ họng, cuối cùng làm giảm hiệu quả bảo vệ của niêm mạc, gây kích ứng và khô cổ họng. Một trong những triệu chứng phổ biến của người hút thuốc là họ cảm thấy một cảm giác ngứa ở khu vực này.
Sau khi đi xuống thấp xuống phía dưới cổ họng, khói thuốc tiếp tục gây kích ứng, một số người sẽ phản ứng ho. Theo các chuyên gia, nguồn formaldehyde và acrolein dồi dào trong thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra điều này.
Bên cạnh đó, các hóa chất trong thuốc lá tác động vào các dây thanh âm, khiến giọng nói thay đổi như khản giọng. Nghiêm trọng hơn, hút thuốc nhiều có thể kích thích liên tục lớp niêm mạc họng, đồng thời các tế bào ở cổ họng bị tổn thương và xói mòn dẫn đến sự thay đổi ở các tế bào hình thành và tái tạo, dẫn đến ung thư vòm họng.
Khi khói thuốc xâm nhập vào khí quản
Khí quản là ống dẫn đến phổi của cơ thể, nó được bao bọc bởi các lông mao, ngăn chặn vật thể lạ xâm nhập. Tuy nhiên, khi bạn hút thuốc, các lông mao này bị hư hại nhiều bởi khói thuốc và hoạt động kém hiệu quả hơn. Điều này dẫn đến ngứa ở khí quản, gây ho.
Khi khói thuốc đến thực quản
Các hóa chất và nhiệt từ khói thuốc ảnh hưởng đến cơ vòng thực quản, đây là cơ chịu trách nhiệm lưu giữ thực phẩm và axit trong dạ dày để chúng không quay ngược trở lại cổ họng. Sự suy yếu của cơ bắp này là một trong những lý do chính của bệnh trào ngược dạ dày, ợ chua, viêm loét dạ dày và một số vấn đề khác.
Phế quản và phế nang
Đây là khu vực khói thuốc gây thiệt hại nhiều nhất. Chúng tấn công cơ chế làm sạch khói của hệ thống hô hấp theo lông mao và chất nhầy. Thông thường, các lông mao có nhiệm vụ loại bỏ các chất nhầy có chứa bụi, vi khuẩn... ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, ở những người hút thuốc, lông mao bị tê liệt, khói thuốc sẽ làm tăng sản xuất chất nhầy, càng hủy hoại các lông mao, dẫn đến triệu chứng ho khi hút thuốc.
Ngoài ra, hút thuốc làm hư hại cho các tế bào tiểu phế quản, gây ra xơ cứng bề mặt ngoài, khiến chúng ít có khả năng trao đổi khí với các túi phế nang xung quanh. Cuối cùng, các túi khí vỡ ra, gọi là triệu chứng khí thũng, một tình trạng phổ biến ở người nghiện thuốc lá.
Hơn nữa, hút thuốc cũng dẫn đến tích tụ nhựa thuốc lá trong tiểu phế quản, dần dần dày lên, gây khó thở, thở khò khè, mệt mỏi, chóng mặt. Carbon monoxide trong thuốc lá có thể gây tử vong khi nó kết hợp với haeme (sắt) trong máu, cản trở quá trình vận chuyển oxy đến các cơ quan khác từ miệng, não, thận, gan, hệ thống tiêu hóa và máu.
Khi bạn thở ra
Khi bạn thở ra, toàn bộ quá trình trên được lặp lại và tất cả hóa chất, khói, nhựa thuốc lá bám vào đường thở của bạn lại tăng lên gấp đôi.
Các vấn đề sức khỏe khác
Ngoài các thiệt hại trên, hút thuốc lá còn dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như bệnh tim mạch do hình thành các mảng bám, co thắt mạch máu gây rối loạn mạch máu. Hút thuốc cũng làm giảm mật độ xương, gây viêm xương khớp, rụng răng sớm và đau xương.