Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Điều ít biết về người phụ nữ gốc Việt đầu tiên bay vào vũ trụ

Amanda Ngọc Nguyễn, người phụ nữ gốc Việt đầu tiên sắp bay vào vũ trụ, hay Celine Nhã Nguyễn, người phụ nữ Việt chinh phục Everest, đều mong truyền cảm hứng cho những cô gái khác.

"Nói sợ mọi người không tin, nhưng tôi vốn mắc chứng sợ độ cao", câu nói của Celine Nhã Nguyễn - người phụ nữ Việt Nam đầu tiên chinh phục nóc nhà thế giới Everest - khiến những người có mặt tại sự kiện "Breaking boundaries: Everest, không gian và hành trình phá vỡ giới hạn của hai người phụ nữ Việt" hôm 10/5 ồ lên kinh ngạc.

Chị Celine tự hào khi vượt qua được nỗi sợ hãi của bản thân, chỉ còn một ngọn núi cuối cùng để hoàn thành mục tiêu chinh phục "thất đỉnh" (7 ngọn núi cao nhất tại các châu lục).

Sự kiện với chủ đề "Breaking boundaries" (Phá vỡ giới hạn) còn có sự góp mặt của Amanda Ngọc Nguyễn, nhà hoạt động nhân quyền và phi hành gia sắp sửa là người Mỹ gốc Việt đầu tiên bay vào vũ trụ.

Với Amanda Ngọc Nguyễn, niềm tự hào của cô là đã phá vỡ giới hạn và định kiến để chinh phục ước mơ bay vào vũ trụ, sau khi vượt qua và giành chiến thắng trong việc tìm lại công lý cho bản thân trong vụ tấn công tình dục cách đây 10 năm. Phi hành gia 32 tuổi cũng là người góp công lớn trong việc thay đổi luật pháp nước Mỹ, bảo vệ quyền của những nạn nhân sống sót sau tấn công tình dục.

"Ranh giới lớn nhất mà chúng ta đều phải đối mặt là khả năng dũng cảm với những điều chúng ta muốn", Amanda Ngọc Nguyễn nói.

Những người phụ nữ phá bỏ giới hạn

Cả hai diễn giả Celine Nhã Nguyễn và Amanda Ngọc Nguyễn đều đồng ý rằng trên khắp thế giới, vẫn còn tồn tại nhiều giới hạn và rào cản đối với phụ nữ. Nhưng sự đấu tranh không bao giờ dừng lại.

Amanda Ngọc Nguyễn tốt nghiệp Đại học Harvard và từng thực tập tại Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) vào năm 2013. Nhưng khi đó, biến cố ập đến khi cô bị bạn học tấn công tình dục.

amanda ngoc nguyen anh 1

Amanda Ngọc Nguyễn tự hào khi phá bỏ giới hạn để chinh phục ước mơ của mình. Ảnh: L’Officiel Vietnam.

Là nạn nhân, cô nhận thấy được sự thiếu sót trong luật pháp. Cô gái gốc Việt quyết định tạm gác lại ước mơ phi hành gia để bắt tay vào soạn thảo và vận động cho dự luật về quyền của những người sống sót sau tấn công tình dục.

Năm 2016, dự luật được Quốc hội Mỹ thông qua và được tổng thống khi đó là ông Barack Obama ký thành luật vào tháng 10 cùng năm.

Amanda còn là người sáng lập tổ chức RISE, một tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ những nạn nhân sống sót sau tấn công tình dục. Năm 2019, cô trở thành người phụ nữ gốc Việt duy nhất được đề cử giải Nobel Hòa Bình.

Khi lắng nghe con số khảo sát được thực hiện vào năm 2023 cho thấy có tới 87% phụ nữ Việt Nam từng bị quấy rối (từ lời nói đến hiếp dâm), Amanda đã bày tỏ sự thông cảm sâu sắc.

"Trên khắp thế giới, sự kỳ thị vẫn còn tồn tại khi chúng ta chia sẻ về những trải nghiệm của mình. Có sự ám ảnh bủa vây. Điều đó là hoàn toàn đúng và vẫn tiếp tục tồn tại", cô nói.

Amanda cũng nhấn mạnh rằng mọi thứ sẽ được cải thiện. Không có gì sai khi những nạn nhân dành thời gian để chữa lành sau cú sốc, làm mọi thứ để đòi lại công lý cho mình và giấc mơ của bất kỳ ai cũng quan trọng.

"Hãy nhớ rằng công lý luôn tồn tại trong nhiều hình thức khác nhau. Nó không chỉ tồn tại trong công lý hình sự như tôi đã trải qua mà còn được hiểu theo cách khác biệt dưới góc nhìn của mỗi người. Tôi muốn nói rằng tôi luôn bên cạnh bạn. Bạn sẽ không phải trải qua mọi thứ một mình. Cùng nhau, chúng ta sẽ vượt qua", nữ phi hành gia gửi gắm.

amanda ngoc nguyen anh 2

Là một người sợ độ cao nhưng Celine Nhã Nguyễn đã phá bỏ giới hạn, tiến tới chinh phục những đỉnh núi cao nhất thế giới. Ảnh: @celine_nha_nguyen/Instagram.

Là một nữ luật sư vô tình tìm thấy đam mê chinh phục các đỉnh núi - một lĩnh vực vốn được coi là đam mê của đàn ông - chị Celine Nhã Nguyễn cho biết phải cố gắng để cân bằng cuộc sống, đảm đương những vai trò khác nhau khi vừa là mẹ, là vợ, vừa là người phụ nữ có sự nghiệp riêng.

Ví dụ nhớ lại cách đây hơn 10 năm, khi chị mới bước chân vào bộ môn leo núi, rất khó để tìm thấy những trang phục, đồ chuyên dụng phù hợp cho nữ giới.

"Người ta từng nói bộ môn leo núi chỉ phù hợp với nam giới, với những người mạnh mẽ, dẻo dai. Thời đại ngày nay, tư tưởng xã hội đã cởi mở hơn, nhưng vẫn còn đó những sự bất bình đẳng giới trong công việc, cuộc sống", chị nói.

Khi được hỏi về việc liệu phụ nữ thời hiện đại có nên lúc nào cũng gồng mình để chứng tỏ bản thân, hay nên dịu dàng để sống đúng với tính nữ, chị Celine nói rằng điều đó tùy thuộc vào lựa chọn của mỗi người.

"Chúng ta phải xác định được thứ gì đáng để chúng ta phải gồng mình lên và cố gắng 100% sức lực để đạt được nó. Nếu chúng ta muốn có một cuộc sống bình thường, sẽ có không kỳ tích nào xảy ra cả", chị nói.

Muốn truyền cảm hứng cho phụ nữ Việt

Amanda Ngọc Nguyễn nói rằng cô tự hào khi là người phụ nữ gốc Việt đầu tiên sắp sửa bay vào vũ trụ và muốn truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ Việt Nam khác. Cô hy vọng mình là người đầu tiên, nhưng sẽ không phải là người cuối cùng.

Nữ phi hành gia cũng chia sẻ luôn muốn thể hiện sự yêu quý sâu sắc đối với dòng máu Việt Nam. Như việc cô nuôi mái tóc dài màu đen cũng là với hy vọng khi bay vào không gian, những phụ nữ khác sẽ nhìn thấy và tự hào, bởi mái tóc đó có thể coi là một phần của bản sắc phụ nữ Việt. Hay khi tham gia các sự kiện đấu tranh cho quyền phụ nữ, Amada cũng chọn áo bởi nó thể hiện cho niềm tự hào dân tộc.

amanda ngoc nguyen anh 3

Nữ phi hành gia luôn bày tỏ niềm tự hào và muốn truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ Việt Nam chinh phục ước mơ. Ảnh: @amandangocnguyen/Instagram.

Với Celine Nhã Nguyễn, chị cảm thấy có nhiều áp lực khác nhau, nhưng áp lực lớn nhất không phải từ bên ngoài xã hội mà xuất phát từ chính nội tại của mình.

"Tôi mong muốn có thể làm sao để cân bằng, để gia đình nhỏ của mình luôn tràn ngập tiếng cười và khi về nhà, mình cũng cảm thấy được yêu thương. Trong xã hội, tôi muốn mình có đóng góp tiếng nói, để truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ khác để họ cũng có thể lên đỉnh Everest, bay vào không trung hay biết đâu tương lai sẽ có người phụ nữ Việt đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng".

Nữ luật sư 37 tuổi đã chinh phục được nhiều đỉnh núi hữu hình khắp thế giới, trải qua những khoảnh khắc sinh tử nên càng hiểu rõ về giá trị cuộc sống.

"Với tôi, thành công nhất là sống cuộc đời mình mong ước, trở thành người mình muốn trở thành. Tôi nghĩ đỉnh núi còn là khái niệm vô hình. Chúng ta có rất nhiều 'đỉnh Everest' khác để vượt qua, trong công việc và cuộc sống", chị chia sẻ.

Sau nhiều năm, quan điểm của Celine Nhã Nguyễn về những chuyến đi mạo hiểm cũng có sự thay đổi. Hiện tại, trong vai trò là người phụ nữ của gia đình, chị thừa nhận mình bớt "liều" hơn vì còn phải nghĩ cho các con.

Theo dự kiến, tháng 6 này, Celine Nhã Nguyễn sẽ lên đường chinh phục Denali - đỉnh núi cuối cùng trong thất đỉnh. Nhưng khi trở về sau chuyến tập huấn tại Mỹ, chị nhận thấy mình chưa đủ thể lực và quyết định sẽ dời lịch để chuẩn bị kỹ hơn cho thử thách không hề đơn giản.

"Khi còn độc thân, tôi sẵn sàng chấp nhận cái chết để theo đuổi đam mê. Nhưng có gia đình rồi, tôi chấp nhận thử thách nhưng phải đảm bảo mình an toàn trở về cùng các con", chị bày tỏ.

Để có một cuộc sống chất lượng vượt trội

Trong cuốn sách Đầu tư thông minh của Anthony Robbins, tác giả cho rằng sự giàu có đích thực không chỉ dừng lại ở tiền bạc mà nằm ở cảm xúc, tâm lý và tâm hồn. Nếu bạn không hạnh phúc, bạn không thể có một cuộc sống tuyệt vời, bất kể ví tiền của bạn dày như thế nào.

Pakistan không còn đủ kền kền cho tập tục 'thiên táng'

Vô tình đầu độc những chú chim ăn xác trên khắp Nam Á, một số cộng đồng ở khu vực này buộc phải từ bỏ tập tục lâu đời của mình.

Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm