Vận động viên marathon có thể gặp nhiều vấn đề nguy hiểm tới tính mạng nếu có vấn đề tim mạch tiềm ẩn hoặc không bù nước, bù khoáng đủ. Ảnh minh họa: Unsplash. |
Mới đây, thông tin về một vận động viên tử vong khi tham gia một giải chạy marathon khiến nhiều người bất ngờ.
Theo chia sẻ từ ban tổ chức, khi đang chạy, người này bắt đầu xuất hiện bất thường về sức khỏe và ngất xỉu. Dù được sơ cứu khẩn cấp và chuyển đến bệnh viện cấp cứu ngay sau đó, vận động viên vẫn không thể qua khỏi.
Sốc nhiệt, bỏ qua nhịp tim
Anh Sơn Phan, một TikToker chuyên làm các nội dung về chạy bộ và chia sẻ quan điểm về môn thể thao này, cho biết "rất buồn và đau lòng trước sự ra đi đột ngột của người em, cũng là người bạn sau khi tham gia giải chạy".
Là người có nhiều kinh nghiệm tham gia các chạy marathon lớn nhỏ, anh Sơn đánh giá điều khắc nghiệt nhất trong các giải chạy là nhiệt độ, đặc biệt là các giải chạy diễn ra vào mùa hè như trong giai đoạn hiện nay.
Trong một lần tham gia giải chạy marathon tại Côn Đảo, runner này từng hỗ trợ một người em gặp vấn đề trên đường chạy. Khi đưa người này vào khu vực hỗ trợ y tế, anh choáng váng khi khu vực này có rất đông người chạy khác cũng bị sốc nhiệt.
"Người nhẹ thì truyền nước biển, nặng hơn thì nôn ói và nặng nhất là không thể nhớ gì hết", anh Sơn Phan chia sẻ.
Theo runner này, nguyên nhân khiến những người tham gia chạy cự ly dài bị kiệt sức là luyện tập chưa đủ và không quen với nhiệt độ nóng ngoài trời, đặc biệt là những người chạy thường xuyên làm văn phòng, ngồi trong không gian điều hòa lạnh.
Anh nhấn mạnh người tham gia các giải chạy marathon luôn cần nhớ phải ưu tiên sự an toàn của bản thân bằng cách hạ nhiệt độ cơ thể; bổ sung muối, điện giải và quan sát, lắng nghe những thay đổi của cơ thể mình.
"Nếu có đồng hồ, hãy luôn xem nhịp tim mình đang ở mức nào. Nếu nhịp tim cao hơn nhiều so với lúc tập luyện, cần tìm cách giảm nhịp tim liền như giảm tốc độ, xối nước lên người...", anh cho biết.
Luôn theo dõi đồng hồ thông minh là cách giúp các runner kiểm soát cơ thể để không gặp các vấn đề sức khỏe khi chạy. Ảnh: Unsplash. |
Gắng sức, quá tải... và đột tử
Chia sẻ với Tri thức - Znews, PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, Giảng viên cấp cao bộ môn Tim mạch, Đại học Y dược TP.HCM, đột tử có thể xảy ra với bất kỳ ai chơi các bộ môn cần gắng sức như marathon.
Một số người bên ngoài trông rất khỏe mạnh nhưng có thể hệ tim mạch đang có vấn đề tiềm ẩn chưa phát hiện ra như hội chứng WPW (bệnh lý rối loạn nhịp tim), bệnh cơ tim phì đại...
Chỉ đến khi gắng sức, nhịp tim đập nhanh hơn, những bệnh này mới bắt đầu xuất hiện, gây ngưng tim đột ngột, khiến nạn nhân đột tử.
Chuyên gia khẳng định việc chạy bộ đúng cách có thể giúp cải thiện tình trạng sức khỏe của nhiều người ở nhiều độ tuổi khác nhau. Tuy vậy, mọi người không nên chạy gắng sức, những người có bệnh lý nền như tim mạch, cao huyết áp... không nên chạy bộ, chỉ nên đi bộ.
Đối với những người bình thường, cự ly chạy, tốc độ chạy, thời gian chạy bao lâu phải căn cứ vào lứa tuổi, thể trạng của từng người, không phải người nào cũng tập giống nhau.
Bên cạnh đó, theo bác sĩ Nguyễn Tiến Lộc, giảng viên bộ môn Ngoại, khoa Y, Đại học Nguyễn Tất Thành (TP.HCM), chạy bộ cũng khiến vận động viên gặp một số yếu tố sức khỏe khác.
"Những nguy cơ chấn thương này được chia làm 2 nhóm là nguyên nhân tránh được và không tránh được. Những nguyên nhân tránh được bao gồm: yếu tố thời tiết, nhiệt độ môi trường, khởi động chưa kĩ càng, mất nước, điện giải… Các nguyên nhân không tránh được bao gồm các tình trạng nền vốn có như suy tim, thoái hóa khớp, tuổi già, tăng huyết áp...", bác sĩ Lộc giải thích.
Ngoài ra, điều nguy hiểm nhất các vận động viên phải đối mặt khi chạy bộ là tình trạng mất nước, điện giải.
"Ở thế giới và cả Việt Nam đã từng có các chân chạy marathon đột tử vì vấn đề này. Khi chạy đường dài hoặc mới bắt đầu chạy, cơ thể sẽ bị mất một lượng điện giải nhất định qua mồ hôi. Nếu không bổ sung kịp thời các loại điện giải bị hao hụt, người tập sẽ đối diện với những nguy cơ về sức khỏe, thậm chí là tính mạng", bác sĩ Lộc phân tích.
Theo PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, để tránh các trường hợp tử vong tương tự khi tham gia các giải chạy, ban tổ chức các giải chạy marathon cần kiểm tra sức khỏe kỹ càng đối với những người đăng ký tham gia, đặc biệt về tim mạch.
"Thay vì người đăng ký chỉ cần nộp giấy khám sức khỏe sẽ được tham gia giải chạy, ban tổ chức cần tổ chức thêm buổi khám đánh giá tình trạng sức khỏe, xem người đăng ký có phù hợp tham gia hay không", ông chia sẻ.
Tại đây, mỗi người cần được đo nhịp tim, siêu âm tim, đo điện tim gắng sức để phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây đột tử.
Tò mò về nghề y, về một nghề nghiệp luôn có tác động đến cuộc đời bạn nhưng luôn đầy những thông tin kỹ thuật khó hiểu? Đây là một số giới thiệu của mục Sức khỏe dành cho bạn:
Ký túc xá - Cá tốc ký: Cuốn sách kể về đời sống của sinh viên Đại học Y Hà Nội, chủ yếu xoay quanh đời sống ký túc xá, nơi tác giả đã trải qua tuổi trẻ cùng 10 thành viên khác trong phòng 110 E2.
Chạy trời không khỏi đau: Tập hợp các ghi chép của tác giả Adam Kay trong 6 năm hành nghề y từ 2004 đến 2010, cuốn sách là bản báo cáo không khoan nhượng về công việc của đội ngũ y tế của Vương quốc Anh đang làm việc ngày đêm nhưng chưa được nhìn nhận và tôn trọng đúng mức.