Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Điều kỳ lạ mới xuất hiện ở New York

Nhiều người dân ở New York diện đồ đẹp, ăn tối sớm, về nhà nghỉ ngơi trước nửa đêm. Đây là điều chỉ mới xuất hiện ở nơi được gọi là "thành phố không ngủ".

Các bữa ăn khuya, nhịp sống về đêm ở New York dần hiu quạnh hơn trước đây.

18h22, Rachel Sugar, cây viết của tờ New York Times, đang ăn khoai tây chiên tại The Odeon thì thấy nhân viên phục vụ liên tục kiểm tra chỗ ngồi cho vài vị khách mới. Sau đó, cô quay ra thông báo nhà hàng đã kín bàn.

Theo Sugar, cảnh tượng này có chút kỳ lạ với một nơi được mệnh danh là “thành phố không bao giờ ngủ” như New York (Mỹ). 18h là quá sớm để người dân dùng bữa tối thay vì bình thường điều này chỉ bắt đầu từ 20h trở đi.

“Đôi khi chúng tôi không bận rộn cho đến 20h30. Nhưng gần đây tôi thấy rất nhiều người đặt chỗ trước 17h, điều chưa từng có cách đây vài năm. Thật kỳ lạ”, Roya Shanks, nhân viên lâu năm tại The Odeon, nói.

Ăn tối sớm hơn

Megan Sullivan, giám đốc điều hành của Meyer's Union Square Hospitality Group, cho biết ở khu phố xa hơn, tại Ci Siamo và Gramercy Tavern của Danny Meyer, thực khách đến đông nhất vào 18h30 và nhà hàng nhanh chóng kín chỗ.

“Trước đây, 20h là thời gian vàng với người dân New York. Nhưng giờ đây, từ trưa mọi người đã gửi email đặt bàn lúc 18h”, Roni Mazumdar, chủ của Dhamaka, một nhà hàng Ấn Độ khó đặt trước ở Lower East Side, cho biết.

Trước đại dịch Covid-19, ở New York, một thành phố ăn khuya theo tiêu chuẩn của Mỹ, dân địa phương thường dùng bữa muộn hơn những khu vực khác trên khắp châu Âu và Nam Mỹ. Điều này diễn ra tương tự ở Los Angeles, Austin, Texas.

Tuy nhiên, ngày nay, khi ranh giới giữa công việc và cuộc sống cá nhân sụp đổ, mọi thứ phát triển theo hướng khác.

Mùa thu năm nay, giới văn phòng đã quay trở lại làm việc, nhưng chỉ 8% nhân viên Manhattan tuân thủ đến công ty 5 ngày/tuần, theo một cuộc khảo sát vào tháng 5 từ Partnership.

Khi văn phòng và nhà không có giới hạn rõ ràng, ăn tối sớm hơn là một trong những cách dễ dàng nhất để khẳng định rằng một ngày đã hết.

“Không nhất thiết 17h là lúc mọi người muốn ăn. Chỉ có điều họ muốn rời khỏi nhà và đến một nơi khác”, S. Margot Finn, giảng viên nghiên cứu thực phẩm tại Đại học Michigan, nói.

thanh pho new york my anh 1

Thói quen ăn tối muộn dần biến mất sau đại dịch Covid-19. Ảnh: Time Out.

Thói quen này có thể được hình thành từ lệnh giới nghiêm trong thời gian dịch bệnh hoành hành. Dù hầu hết quy định hạn chế của giới chức “quả táo lớn” dành cho các cơ sở ăn uống đã bị dỡ bỏ từ lâu, nhiều nhà hàng vẫn duy trì giờ hoạt động rút ngắn vì thiếu nhân viên hoặc nhu cầu của khách hàng.

LittleMad, một địa điểm của NoMad French Korean, từng mở cửa đến 23h vào cuối tuần, nhận khách sau 21h45, nhưng hiện đại chỉ hoạt động trễ nhất là 22h.

Khi New York phục hồi sau đại dịch toàn cầu, nhiều người tự hỏi sự đổi mới liệu danh tiếng của một thành phố sôi động suốt 24 giờ có đang bị đe dọa hay không.

Theo Mazumdar, ngành F&B đang thay đổi và các xu hướng mới sẽ tiếp diễn trong ít nhất nửa thập kỷ tới. Điều này có thể ảnh hưởng đến cách New York và các thành phố tương tự đi theo hướng khác mãi mãi.

Có nhiều lý do cho việc đóng cửa sớm. Một số nhà hàng mệt mỏi vì khách hàng say xỉn trong những giờ gần sáng. Số khác lo lắng về sự an toàn của nhân viên khi về nhà. Ngoài ra, những cơ sở ăn uống quy mô nhỏ vẫn còn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự trợ giúp, ngay cả khi đang có dấu hiệu cải thiện.

New York được nhận xét là lấy lại năng lượng chậm hơn so với phần còn lại của đất nước. Nhiều việc làm trong ngành khách sạn và nhà hàng đã biến mất vì ít người đến thăm thành phố hoặc ăn uống hơn.

New York đã thay đổi

Vào thế kỷ 19, bữa ăn chính trong ngày thường diễn ra vào buổi trưa. Thời điểm đó, hầu hết người Mỹ là nông dân, làm việc chân tay trong hoặc gần các tòa nhà nơi họ sống. Họ bắt đầu lao động từ sáng sớm và sẽ đói vào giữa trưa.

Người dân quen thuộc với "supper", bữa ăn nhẹ, được chế biến nhanh vào buổi tối, trước khi ngủ. Đó cũng là lần dùng bữa cuối cùng trong ngày.

Nhà văn Abigail Carroll từng giải thích việc nấu nướng trong thời đại này qua cuốn sách “Three Squares: The Invention of the American Meal” (2013).

Trong cuộc cách mạng công nghiệp, một số lượng lớn người dân thuộc tầng lớp trung lưu chuyển sang làm việc tại nhà máy và văn phòng. Sự thay đổi đó đã dẫn đến cả gia đình không còn nhất thiết phải ở nhà để ăn cùng nhau trước buổi trưa.

“Trong những thập kỷ tiếp theo, người giàu ở xứ cờ hoa bắt chước phong cách quý tộc, họ có xu hướng ăn tối muộn và phải có đầu bếp phục vụ đồ kiểu Pháp”, Paul Freedman, một nhà sử học tại Đại học Yale, cho biết.

New York là một nơi đặc biệt bị ám ảnh bởi việc sáng tạo lại các nghi thức và động thái khẳng định quyền lực của mình. Điều này khiến “quả táo lớn” luôn là thành phố dẫn đầu xu hướng.

Ngoài ra, việc ăn tối sớm hơn phù hợp với những ai ưu tiên giấc ngủ và muốn dành cho cơ thể một vài giờ để tiêu hóa trước khi lên giường. Với người trẻ, thói quen này thường thấy ở tuổi già.

Nhưng giờ đây, phần lớn người dân lại tập thích nghi với việc kết thúc bữa tối sớm hơn để nghỉ ngơi.

“Diện đồ đẹp đẽ, ăn tối và sau đó về nhà xem chương trình yêu thích rồi đi ngủ lúc 23h. Đại dịch đã đẩy tất cả chúng tôi đến cuộc sống nghỉ hưu sớm”, Anthony Geich, khách quen ở một nhà hàng Ấn Độ được trang trí bằng vàng ở quận Flatiron, chia sẻ.

Bên trong khách sạn cho giới siêu giàu ở New York

Các khách sạn cao cấp ở New York (Mỹ) có đầy đủ tiện nghi, dịch vụ sang trọng, tầm nhìn đắt giá và thường chỉ dành cho những người giàu có.

Thảo Ngân

Bạn có thể quan tâm