Hồi tháng 8 vừa qua, 21 nữ giáo viên ở Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh, được điều phục vụ liên hoan dân ca ví dặm do UBND thị xã chỉ định tên tuổi rõ trong văn bản hành chính, thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều độc giả cho rằng việc điều giáo viên đi tiếp khách là vô lý.
Giáo viên bị điều đi tiếp khách là vô lý
Bạn đọc Lam Trí cho rằng giáo viên chỉ làm công việc giảng dạy, lãnh đạo không được phép điều động làm việc khác. Việc điều động này sai quy định của Luật Giáo dục và làm mất hình ảnh nhà giáo.
"Từ trước đến nay, người thầy luôn được trân trọng, là tấm gương cho mọi người noi theo, bởi có những phẩm chất cao quý. Giờ giáo viên đi tiếp khách trên bàn tiệc, làm sao giữ được hình ảnh đẹp trong mắt phụ huynh, học sinh?", thành viên Duy Bảo nêu vấn đề.
Bên cạnh đó, không ít độc giả nhận định điều giáo viên đi tiếp khách là sai mục đích công việc, ảnh hưởng không nhỏ cuộc sống cá nhân, gia đình.
"Đây là việc làm quá vô lý. Các giáo viên dạy ngày 2 buổi, còn phải dành thời gian chăm sóc gia đình. Lãnh đạo điều một số cô giáo đi tiếp khách có thể ảnh hưởng rất lớn hạnh phúc gia đình họ", thành viên Huy Phạm nêu quan điểm.
Thậm chí, bạn đọc này đề nghị Bộ GD&ĐT có biện phạm giải quyết dứt điểm tình trạng nêu trên.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời báo chí bên lề Quốc hội. Ảnh: Anh Tuấn. |
'Giáo viên phải tự kiểm điểm bản thân'
Ngược lại, không ít độc giả cho rằng bản thân thầy, cô tham gia tiếp khách phải tự kiểm điểm. Bởi giáo viên là người có học thức, hiểu rõ hành động của mình, không thể đổ tất cả lỗi cho lãnh đạo.
Liên quan vụ việc, ông Nguyễn Văn Hổ, Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh, cho biết việc huy động giáo viên tiếp khách có từ nhiều năm qua.
Ông khẳng định những người được cử đi phải hãnh diện, vì là người được chọn tiếp khách cho địa phương và mọi việc đều trong sáng.
Bạn đọc Minh Công nhận định, bên cạnh việc rèn luyện chuyên môn, giáo viên còn là tấm gương của phụ huynh, học sinh. Vì thế, các thầy, cô giáo cần chấp hành quy định cả trong lẫn ngoài giờ hành chính, nhằm giữ vững hình ảnh nhà giáo trong mắt mọi người.
"Theo tôi, giáo viên là người có tri thức, phải giữ nguyên tắc, phẩm chất. Thầy, cô giáo bị lôi kéo, ép buộc mà vẫn thực hiện cần phải hỏi trách nhiệm của chính thầy, cô đó, sau mới tính đến người ép buộc", độc giả Tuấn Anh Trần bình luận.
Trả lời báo chí về vấn đề này, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ yêu cầu địa phương kiểm tra, báo cáo việc ép giáo viên đi tiếp khách tại Hà Tĩnh.
"Các thầy cô phải tự xem xét lại chính mình, khi thấy không đúng thì phải đề nghị, kiến nghị. Còn lãnh đạo địa phương cứ ép, mình phải kiến nghị, chứ thực hiện là vi phạm. Tôi đề nghị nghiêm từ trong ngành, từng thầy cô phải nghiêm túc đã", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Đồng tình quan điểm đó, không ít độc giả nhấn mạnh giáo viên cũng cần phát huy bản lĩnh, phẩm chất, không thể đổ lỗi cho người khác.
"Lãnh đạo điều giáo viên là không đúng, nhưng các thầy, cô làm theo mà không kiến nghị lên cấp trên cũng cần xem xét lại", thành viên Trang Nguyễn khẳng định.
Ngày 14/11, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ ký công văn số 5579, nêu rõ: Theo phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng, thời gian qua, UBND thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đã điều động một số giáo viên phục vụ các sự kiện, hội nghị tổ chức tại địa phương.
Bộ GD&ĐT cho rằng việc bố trí giáo viên làm các công việc có thể ảnh hưởng tới uy tín, hình ảnh của giáo viên và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn là không phù hợp.
Bộ GD&ĐT đề nghị kiểm tra, làm rõ thông tin trên; chỉ đạo UBND thị xã Hồng Lĩnh tổ chức rút kinh nghiệm kịp thời nếu đúng như báo chí phản ánh; đồng thời, đề nghị chính quyền Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh.