Tại chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm 21, Nguyễn Hoàng Khánh giành vòng nguyệt quế với 315 điểm. Đây là thành tích cao thứ 3 trong số 21 nhà vô địch tính đến hiện tại. Cậu là học sinh đầu tiên của trường THPT Bạch Đằng và thứ 3 của tỉnh Quảng Ninh vô địch Olympia. Trước Hoàng Khánh, đất mỏ từng có 2 quán quân là Đặng Thái Hoàng (năm 12) và Nguyễn Hoàng Cường (năm 18) - đều là cựu học sinh THPT Hòn Gai. Với chiến thắng của Hoàng Khánh, Quảng Ninh vươn lên dẫn đầu danh sách tỉnh, thành có nhiều thí sinh vô địch Olympia nhất. Xếp sau là các tỉnh Vĩnh Long, Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị với 2 đại diện. Ảnh: Phạm Thắng. |
Nguyễn Thị Thu Hằng (đại diện THPT Kim Sơn A, Ninh Bình) vượt qua 3 nam sinh để giành vòng nguyệt quế Olympia năm 20 với 235 điểm. Cô là nữ sinh vô địch Olympia sau 9 năm các nam sinh chiếm ưu thế. Thu Hằng hiện là sinh viên ngành Kinh doanh tại ĐH Swinburne Việt Nam. Cô chưa thể sang Australia du học theo dự định vì dịch Covid-19. Trước cô gái này, Olympia từng có quán quân nữ gồm Trần Ngọc Minh (năm 1), Lương Phương Thảo (năm 3), Phạm Thị Ngọc Oanh (năm 11). Ảnh: Quỳnh Trang. |
Tại chung kết Olympia năm 18, Nguyễn Hoàng Cường (đại diện THPT Hòn Gai, Quảng Ninh) trở thành nhà vô địch với 240 điểm. Ở sân chơi này, cậu được mệnh danh là “Vua kỷ lục Olympia” khi có nhiều thành tích ấn tượng: kỷ lục 120 điểm Khởi động, điểm thi quý cao nhất (320 điểm) và tổng điểm cao nhất (370 điểm) của năm 18. Hoàng Cường sang Australia du học từ tháng 2/2020. Điểm đến của cậu là ĐH Swinburne giống như phần lớn quán quân Olympia. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Năm 2017, Phan Đăng Nhật Minh (đại diện THPT Hải Lăng, Quảng Trị) thu hút nhiều sự chú ý khi tham dự Olympia. Trước đó, chàng trai được mệnh danh là “cậu bé Google”, gắn với hàng loạt khả năng, thành tích ấn tượng: 6 tháng tuổi nhận biết được các con số và làm phép tính đơn giản, tự học xong chương trình lớp 11 khi học lớp 9, tính nhẩm siêu tốc, quán quân cuộc thi Chinh phục. Nhật Minh từng chia sẻ bản thân cảm thấy áp lực rất lớn từ kỳ vọng của mọi người. Chàng trai 21 tuổi hiện là sinh viên ngành Hóa học tại ĐH Swinburne, Australia. Cậu từng chia sẻ dự định học lên thạc sĩ và tiến sĩ sau khi tốt nghiệp đại học. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Trong số 21 nhà vô địch Olympia, Hồ Đắc Thanh Chương (đại diện THPT Quốc học Huế, Thừa Thiên - Huế) nắm giữ điểm số cao nhất ở trận chung kết với 340 điểm. Đầu năm 2018, Thanh Chương sang Australia theo học ngành Kỹ sư phần mềm tại ĐH Swinburne. Cậu cũng tham gia hội sinh viên Việt Nam ở Swinburne. Chia sẻ về cuộc sống ở xứ sở chuột túi, Thanh Chương cho biết cậu từng làm bồi bàn, phụ bếp và gia sư cho một trung tâm. Trong tương lai, nhà vô địch Olympia năm 16 mong muốn làm việc ở công ty có môi trường năng động, hỗ trợ khởi nghiệp, tạo ra những giá trị có ích cho cộng đồng. Ảnh: Việt Hùng. |
Do sai sót ở cuộc thi quý III, trận chung kết Olympia năm thứ 9 là lần đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này có sự góp mặt của 5 nhà leo núi. Nhà vô địch của năm đó là Hồ Ngọc Hân - đại diện THPT chuyên Quốc học Huế, Thừa Thiên - Huế. Sau Olympia, chàng trai còn gây ấn tượng với thành tích thủ khoa khối B của ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM. Giống như hầu hết quán quân Olympia, Ngọc Hân chọn ĐH Swinburne (Australia) làm nơi học tập. Anh từng có thời gian trở về Việt Nam làm việc, sau đó trở lại xứ sở chuột túi để theo đuổi giấc mơ nghiên cứu khoa học. Ảnh: FBNV. |
Hoàng là tên của nhiều nhà vô địch Olympia nhất tính đến nay với 3/21 người. Đó là Đỗ Lâm Hoàng (năm 5), Lê Vũ Hoàng (năm 6) và Đặng Thái Hoàng (năm 12, trong ảnh). Sau Olympia, cả 3 quán quân này đều sang Australia du học tại ĐH Swinburne và lập gia đình, định cư. Ảnh: FBNV. |