Chiều 22/4, TAND tỉnh Sóc Trăng cho biết, đã trả hồ sơ vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Phương Nam (Thủy sản Phương Nam, Sóc Trăng).
Theo cơ quan xét xử, ngoài 5 ngân hàng được đề cập trong cáo trạng của VKSND tối cao, Thủy sản Phương Nam còn vay vốn của 3 ngân hàng khác có chi nhánh tại Bạc Liêu và Sóc Trăng. Vì vậy, phải làm rõ các ngân hàng này liên quan gì đến sai phạm đã xảy ra tại Thủy sản Phương Nam. Nếu có dấu hiệu hình sự, thì gộp chung vào hồ sơ để xét xử thành một vụ.
"Trong hồ sơ thể hiện một số người liên quan, có tên trong các hợp đồng vay vốn. Cần làm rõ những người này có sai phạm gì hay không. Các ngân hàng cũng phải nêu ra các yêu cầu liên quan đến các khoản nợ, để HĐXX xem xét. Trong hồ sơ hiện nay, chưa có những điều vừa nêu, nên trả hồ sơ điều tra bổ sung là cần thiết", một cán bộ có trách nhiệm nói.
Nguyên kế toán Lâm Minh Mẫn. Ảnh: Việt Tường. |
Nửa năm trước, VKSND tối cao truy tố 27 người trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, xảy ra tại Thủy sản Phương Nam. Trong đó, nguyên kế toán Lâm Minh Mẫn và phó giám đốc Trịnh Thị Hồng Phượng (cùng 35 tuổi) bị truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
25 người nguyên là cán bộ của 5 ngân hàng có chi nhánh tại Sóc Trăng, Bạc Liêu và Hậu Giang, cùng bị cáo buộc Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Theo hồ sơ vụ án, Công ty TNHH Phương Nam thành lập năm 1998, trở thành công ty cổ phần sau đó 2 năm, với vốn điều lệ 295 tỷ đồng. Ngoài Chủ tịch HĐQT Lâm Ngọc Khuân, 3 cổ đông còn lại là bà Trần Thị Mỹ - vợ ông này và con gái Lâm Ngọc Hân, cùng cháu trai Quỳnh Phúc Quế (chỉ đứng tên 24% cổ phần, nhưng thực tế không góp vốn).
Từ năm 2008 đến tháng 9/2012, Công ty Phương Nam được nhiều ngân hàng cho vay vốn kinh doanh thủy sản. Tuy nhiên, ông Khuân đã sử dụng vốn sai mục đích vào các việc như dùng để trả nợ vay, kinh doanh bất động sản, liên doanh, liên kết đầu tư với công ty KM Phương Nam (do chính ông Khuân làm Chủ tịch Hội đồng thành viên) và chiếm hưởng trên 52 tỷ đồng.
Do kinh doanh thua lỗ 5 năm liên tục, dẫn đến mất khả năng thanh toán, ông Khuân chỉ đạo con gái và thuộc cấp lập hồ sơ khống để tiếp tục vay tiền. Trong 19 báo cáo tài chính khống, thể hiện kết quả kinh doanh có lãi để gửi ngân hàng và ngành thuế do Mẫn trình, ông Khuân ký duyệt 13 bản, Hân 4 bản, Phượng 2 bản.
Ngoài ra, nhóm này còn lập báo cáo xuất, nhập, tồn kho tôm đông lạnh khống để nâng giá trị từ 123 tỷ đồng lên 747 tỷ đồng và sử dụng một bộ chứng từ mua tôm nguyên liệu để sao y ra nhiều bản đưa vào hồ sơ thế chấp. Đối với căn biệt thự lớn nhất Sóc Trăng (nằm cạnh Thủy sản Phương Nam), ông Khuân lấy tiền vay của ngân hàng để xây dựng với mục đích làm văn phòng công ty, nhưng sau đó sang tên cho vợ. Sau đó, bà Mỹ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất.
Trong thời gian này, ông Khuân yêu cầu kế toán với con gái chi tạm ứng trên 71 tỷ đồng, nhưng chỉ hoàn hơn 65 tỷ. Nội dung hoàn tạm ứng, chủ yếu là tiếp khách và đi công tác nước ngoài, còn lại gần 6 tỷ không quyết toán, chiếm đoạt.
Kết quả trưng cầu giám định tài chính cho thấy, từ năm 2008 đến 2012, Thủy sản Phương Nam thua lỗ trên 996 tỷ đồng và tổng tài sản thế chấp chỉ giá trị gần 640 tỷ đồng. Gần 2 năm trước, ông Khuân bỏ trốn ra nước ngoài với vợ con khi dư nợ các ngân hàng trên 1.700 tỷ đồng. Nếu được trừ tài sản thế chấp và giá trị hàng tồn kho gần 41 tỷ đồng, dư nợ còn lại hơn 1.679 tỷ đồng.
Qua điều tra, nhà chức trách xác định đến thời điểm này, Phương Nam không có tài sản bảo đảm để hoàn trả vốn vay cho 5 ngân hàng với số tiền gần 785 tỷ đồng. Số tiền này, cha con ông Khuân được cho là đã chiếm đoạt.
Hai thuộc cấp Phượng và Mẫn, được cho là có vai trò đồng phạm tích cực. Do cha con cầm đầu vụ lừa đảo đã bỏ trốn, cơ quan điều tra truy nã đối với ông Khuân và con gái, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.