Cảnh sát Hàn Quốc đang mở một cuộc điều tra về một người bán hàng trực tuyến trên mạng. Cụ thể, người này ra giá 10 triệu won (gần 7.000 USD) cho chiếc mũ từng được đội bởi thành viên Jungkook của nhóm nhạc nam BTS trên nền tảng chợ trời trực tuyến Bungae Jangteo, Korea Herald đưa tin.
“Vì Jungkook là cái tên nổi tiếng ở quy mô toàn cầu, nên giá trị của món đồ sẽ tăng lên. Tôi sẽ không chấp nhận mặc cả vì chiếc mũ đáng giá hơn nhiều so với giá gốc của nó", trích bài đăng.
Chiếc mũ do thành viên BTS đội bị "hét" mức giá lên tới 10 triệu won. Ảnh: Korea Herald. |
Người này tự xưng đang làm việc tại Seoul, cho một cơ quan ngoại giao của chính phủ. Lời giải thích cho nguồn gốc của món đồ là nam ca sĩ Jungkook đã để quên mũ trong phòng chờ khi đến lấy hộ chiếu và người bán nhặt được.
Để chứng minh cho lời nói, người bán này còn đăng kèm hình ảnh thẻ làm việc ở cơ quan của bản thân.
Theo Văn phòng Cảnh sát quận Seocho ở thủ đô Seoul, người bán đã tự đến đồn cảnh sát ở tỉnh Gyeonggi trình diện vào ngày 18/10, sau khi bài đăng bán thu hút đông sự chú ý của cộng đồng mạng nước này.
Ở Hàn Quốc, luật pháp hiện hành quy định người nhặt được tài sản bị đánh rơi phải báo lại cho cảnh sát. Nếu cá nhân giữ lại hoặc cố gắng thu lợi từ món đồ, người nhặt có thể bị xử phạt vì tội tham ô tài sản thất lạc.
Người bán nói trên tuyên bố đã có quyền sở hữu chiếc mũ một cách hợp pháp vì đã trình báo món đồ với cảnh sát, nhưng thành viên BTS đã không liên lạc hay tới để nhận lại đồ thất lạc trong 6 tháng.
Tuy nhiên, tuyên bố này vẫn vướng vào nghi vấn, khi truyền thông địa phương đưa tin rằng cảnh sát chưa từng nhận bất kỳ báo cáo nào như vậy.
Bài đăng bán chiếc mũ trên Bungae Jangteo sau đó đã bị xóa vì nhiều tranh cãi gay gắt xuất hiện. Tuần này, vụ việc tiếp tục được đưa ra trong cuộc kiểm toán của Quốc hội Hàn Quốc với Bộ Ngoại giao.
Với hệ thống CCTV dày đặc, người Hàn Quốc có thể để quên đồ có giá trị ở nơi công cộng mà không sợ người lạ lấy mất. Ảnh: Korea JoongAng Daily. |
Trong câu trả lời của mình, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Park Jin, nói rằng nếu người bị nghi vấn được xác nhận là nhân viên thuộc cơ quan này, người đó sẽ phải đối mặt với "hậu quả nghiêm trọng theo các quy định liên quan". Bộ trưởng từ chối bình luận thêm chi tiết về cuộc điều tra nội bộ do có khả năng lộ thông tin cá nhân.
Người dân xứ kim chi ít có nỗi lo bị mất ví, điện thoại nếu lỡ để quên ở nơi công cộng. Gói hàng để trước cửa vài tuần trong lúc chủ nhà đi vắng cũng ít khả năng biến mất, không rõ ai lấy.
Ngoài các lý do về văn hóa, thực tế là một số lượng lớn các camera giám sát (CCTV) hoạt động khắp mọi ngóc ngách trên đường phố. Tại các cửa hàng, trong thang máy tòa nhà, thiết bị này luôn được lắp đặt.
Ngoài ra, người Hàn còn có xu hướng tìm cách trả lại đồ đạc đã mất về lại với chủ nhân của chúng. Tại ga tàu điện ngầm Seoul, hơn 101.000 món đồ được giao cho quầy thất lạc đồ vào năm ngoái. Hơn 66.000 món đồ, tương đương 65%, được trả lại cho chủ sở hữu trong vòng 1 tuần.
Những món đồ này thường được lưu giữ tại quầy trong 1 tuần, trước khi chuyển về đồn cảnh sát địa phương.
Mục Đời sống gửi đến độc giả gợi ý về những tác phẩm hay, mang hơi thở thời đại. Hội mê sách cũng có thể tìm thấy những bí kíp để "sống chất" hơn với sở thích của mình.