Chiều 16/9, Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công vụ hỗ trợ.
Trình bày dự án luật, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam cho hay Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được ban hành sẽ là văn bản pháp luật điều chỉnh thống nhất về lĩnh vực này.
Luật sẽ bảo đảm tính kế thừa và phát huy tác dụng tốt của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; khắc phục được những bất cập trong công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ...
Phó viện trưởng VKSND tối cao đề nghị trang bị vũ khí cho lực lượng điều tra ngành Kiểm sát. Ảnh:Quochoi.vn. |
Cho ý kiến về dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga nhận định báo chí và người dân trong thời gian qua phản ánh rất nhiều, có những cá nhân lạm dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, và thực tế cũng có trường hợp bị xử lý nhưng báo cáo không đề cập đến.
"Mảng sử dụng chưa tổng kết thì quy định trường hợp nổ súng là khó khăn”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội nói.
Bà Nga cũng thắc mắc tại sao cơ quan điều tra của VKSND tối cao lại không được trang bị, sử dụng vũ khí. Phó tổng cục trưởng Tổng Cục cảnh sát, Trung tướng Nguyễn Công Sơn giải trình lực lượng điều tra viên của Viện KSND tối cao thường điều tra tội phạm liên quan đến xâm phạm tư pháp nên ít gặp nguy hiểm và số vụ án, tội phạm cũng ít nên Ban soạn thảo không đưa vào dự án luật.
Trong khi đó, Phó viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hải Phong cho rằng luật chưa quy định lực lượng điều tra của Viện kiểm sát được trang bị vũ khí nên khi làm nhiệm vụ gặp nhiều khó khăn. Theo thống kê của VKSND tối cao, trong 5 năm qua, tội phạm tư pháp bình quân mỗi năm có khoảng 141 vụ với 300 bị can.
"Như làm vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), khi bắt đối tượng phạm tội Lý Nguyễn Chung ở Đắk Lắk thì mất cả tháng mà không có gì cả. Vũ khí không có, còng số 8 là còng cũ", ông Phong nêu dẫn chứng
Ông Phong nói tiếp: “Có lần tôi đã báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là có tình trạng điều tra Viện kiểm sát bắt người bằng dây thừng. Đây là điều rất thật! Nếu như không được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, thì nguy hại trực tiếp đến lực lượng điều tra viên của VKSND tối cao".
Vị Phó viện trưởng trao đổi thêm Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát cũng như cơ quan điều tra của Bộ Công an, Bộ quốc phòng cũng phải bắt người, nếu không được trang bị vũ khí sẽ rất nguy hiểm.
"Chúng tôi đề nghị nghiên cứu chỗ này, chứ không rất tủi thân. Năm 2013 đã đề nghị rồi nhưng bị quên, tại phiên họp mới đây Thủ tướng cũng đồng ý cần trang bị vũ khí cho lực lượng điều tra của Viện kiểm sát”, ông Phong nói.
Về vấn đề này, bà Lê Thị Nga đồng ý với ý kiến cần trang bị vũ khí cho lực lượng điều tra chuyên trách của Viện kiểm sát, tuy nhiên cũng cần quy định trường hợp được nổ súng và trình tự thủ tục thế nào.
Đồng quan điểm về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng đối với lực lượng điều tra của Viện kiểm sát cũng cần được trang bị vũ khí, vì lực lượng này luôn đối diện với các đối tượng phạm tội nguy hiểm, trong khi đó lực lượng này chỉ có hơn 100 người.