Câu chuyện Điều ước thứ 7 tuần này kể về cựu chiến binh Phạm Văn Mão (76 tuổi, thôn Minh Lai, xã Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa). Hàng chục năm qua, ông băng rừng, lội suối về những nơi từng chiến đấu để tìm lại kỷ vật tri ân đồng đội.
Day dứt khi chưa trao được chiếc lược
Năm 17 tuổi, ông Mão nhập ngũ, được biên chế vào đội Trinh sát E30, Đoàn 559, Bộ đội Trường Sơn. Ông tham gia các chiến dịch đường 9 Nam Lào, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Về nghỉ hưu, ông vác ba lô lên đường vào Nam ra Bắc đi tìm những kỷ vật thời chiến. Đời sống kinh tế gia đình khó khăn, có lúc, người cựu binh tưởng phải dừng đam mê của mình lại.
Gần 20 năm qua, ông Mão vượt rừng, lội suối tới những nơi cùng đồng đội từng chiến đấu. Hiện, ông sưu tầm được gần 150 kỷ vật. Tất cả đều được đặt vào nơi trang trọng nhất trong ngôi nhà của người lính già.
Một trong những kỷ vật được ông trân trọng và gìn giữ như báu vật đó là chiếc lược được làm từ vỏ máy bay đã cũ. Mỗi lần nhìn chiếc lược, ông lại nhớ lời đồng đội năm nào: "Anh mang về trao cho người yêu em với".
Chiếc lược của đồng chí tên Nhượng quê ở Hà Bắc (cũ). Trước lúc lên đường nhập ngũ, người yêu Nhượng mong được tặng chiếc lược bằng vỏ máy bay. Từ đó, anh lính trẻ luôn đem theo chiếc lược bên mình, gìn giữ cẩn thận.
Một lần, ông Mão cùng đồng đội đi trinh sát thì bị địch tập kích. Nhượng yểm trợ cho ông chạy trước. Đến bờ sông, Nhượng bị thương nặng. Trước lúc hy sinh, chàng trai dặn dò đồng đội đưa tận tay chiếc lược cho người yêu ở quê nhà.
Chiến tranh qua đi, ông Mão về quê tìm lại người con gái ấy, song cô đã chuyển đi nơi khác sinh sống.
"Sau khi có báo tử, cô gái đã nhận bố mẹ Nhượng là bố mẹ chồng. Tôi rất xúc động về người con gái chung thủy đến thế. Điều duy dứt của tôi là không thể trao được kỷ vật mà cô ấy mong muốn", ông Mão xúc động nói.
![]() |
Giây phút gặp nhau xúc động của những đồng đội. Ảnh cắt từ clip. |
Cuộc gặp gỡ sau 40 năm
Ước nguyện lớn nhất cuộc đời của người lính già là có được một bảo tàng kỷ vật kháng chiến cho riêng mình và đồng đội. Khi ước mơ đó đang dần trở thành hiện thực, nỗi lo tuổi già sức yếu lại đến với ông. Ông Mão không biết sau này ai sẽ tiếp tục thay mình gìn giữ những kỷ vật thiêng liêng ấy.
Những nỗi niềm còn canh cánh của cựu binh Phạm Văn Mão đã thôi thúc ê-kíp chương trình Điều ước thứ 7 "làm điều gì đó". Sau buổi họp, nhóm sản xuất lên ý tưởng về sân khấu giúp hồi tưởng những kỷ niệm thời chiến của ông Mão cùng đồng đội.
Với sự giúp đỡ nhiệt tình của bà con xã Minh Lai, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa, một "sân khấu dã chiến" được dựng lên theo đúng ý tưởng của ê-kíp.
Một đêm nhạc ý nghĩa diễn ra tái hiện kỷ niệm thời chiến oanh liệt mà người cựu binh Nguyễn Văn Mão và các đồng đội. Trên sân khấu, ông Mão xúc động khi lần đầu gặp lại đồng chí hơn 40 năm trước. Hai người tay bắt mặt mừng, trao cho nhau cái ôm thân tình.
Điều bất ngờ thứ hai là chương trình đã bày trí lại hơn 150 kỷ vật thời chiến của ông Mão thành bảo tàng nhỏ trong nhà để mọi người có thể tham quan.