Liên quan đến đường dây lừa đảo Muaban24 (MB24), ngày 8/1/2015, TAND tỉnh Bắc Giang đã tuyên Vũ Ngọc Thuyển (40 tuổi, ở huyện Lạng Giang, Bắc Giang) 4 năm tù về tội Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Theo hồ sơ vụ án, tháng 8/2011, MB24 thành lập công ty MB24 Chi nhánh Bắc Giang và bổ nhiệm Vũ Ngọc Thuyển làm Giám đốc. Quá trình hoạt động, Thuyển đã tổ chức tuyên truyền việc kinh doanh của công ty là giao dịch thương mại điện tử và bán các gian hàng ảo để được hưởng hoa hồng kiếm lời, nhưng thực chất là để lừa đảo người khác thu lợi bất chính.
Sau một năm hoạt động, Thuyển và chi nhánh chiếm đoạt số tiền gần 170 triệu đồng. Đầu tháng 3/2013, Công an tỉnh Bắc Giang khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Thuyển. Sau thời gian ngắn bị tạm giam, Thuyển được cho tại ngoại.
Đến tháng 1/2015, Thuyển bị tòa sơ thẩm tuyên án 4 năm tù. Đến giữa năm 2015, Thuyển xuất hiện trên báo chí với chức danh Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Liên minh tiêu dùng Việt Nam (Vietnet).
Cổng thông tin TAND tối cao đăng tải Thuyển bị tuyên 4 năm tù. |
Một lãnh đạo công ty Vietnet xác nhận với phóng viên, ông Thuyển về làm việc tại đơn vị này từ năm 2013, là một trong những cổ đông chính của công ty. Khi công ty diễn ra các sự kiện, cuộc họp thì thường giới thiệu ông Vũ Ngọc Thuyển là Phó Chủ tịch HĐQT chứ không hề có văn bản bổ nhiệm.
Trao đổi với Zing.vn, ông Thân Quốc Hùng - Phó Chánh án TAND tỉnh Bắc Giang xác nhận, việc Vũ Ngọc Thuyển bị tuyên 4 năm tù là chính xác.
Theo ông Hùng, Thuyển được tại ngoại trước khi vụ án được TAND tỉnh Bắc Giang đưa ra xét xử. "Việc cho tại ngoại là do cơ quan điều tra và viện kiểm sát quyết định. Sau khi bị kết án, Thuyển đã làm đơn kháng cáo. Hiện, vụ án đang được Tòa án cấp cao tại Hà Nội thụ lý", ông Hùng nói.
Liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Văn Hà - Chánh án Tòa cấp cao tại Hà Nội cho biết, Tòa án cấp cao đã nhận được đơn kháng cáo của ông Thuyển và hồ sơ vụ án.
Nói về vụ án đã kéo dài hơn một năm nhưng chưa đưa ra xét xử phúc thẩm, ông Hà nói nguyên nhân là do chuyển giao thẩm phán và đã từng hoãn một lần. "Trước đây, vụ án được giao cho một thẩm phán nhưng vị này về hưu, lại bàn giao cho một thẩm phán khác nên thời gian đưa vụ án ra xét xử kéo dài. Chúng tôi đã có lịch đưa vụ án ra xét xử vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5 tới", ông Hà khẳng định.
Vũ Ngọc Thuyển. Ảnh: QĐND. |
Luật sư Lê Minh Công - Trưởng văn phòng Luật sư số VI (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, việc áp dụng cho Thuyển tại ngoại là hoàn toàn bình thường bởi theo quy định của pháp luật, trong một số trường hợp có thể áp dụng biện pháp cho tại ngoại đối với bị cáo.
"Trước khi bị đưa ra xét xử, Thuyển được tại ngoại. Sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo này chỉ bị bắt giam nếu như có dấu hiệu cho thấy có thể anh ta bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội. Hoặc, Thuyển chỉ bị bắt tạm giam khi bản án có hiệu lực pháp luật", luật sư Công khẳng định.
Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, Công ty Vietnet được thành lập theo giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp. Công ty này được đăng ký lần đầu ngày 21/6/2013 do Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cấp.
Thời điểm này, Thuyển tham gia công ty Vietnet với vai trò là Tổng giám đốc. Đối chiếu với hồ sơ vụ án, thì sau khi khởi tố 3 tháng, Thuyển lại làm lãnh đạo của Vietnet. Trong khi đó, tại điểm e, khoản 2, điều 18 Luật Doanh nghiệp có quy định: "Tổ chức, cá nhân đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành án phạt tù không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam".
Về việc này, trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Phương - Trưởng phòng Thương mại Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang trần tình: "Khi duyệt cấp phép hoạt động kinh doanh đa cấp cho công ty Vietnet, tôi không biết Thuyển đã bị khởi tố mà chỉ căn cứ vào hồ sơ. Nếu biết việc này chắc chắn chúng tôi đã không cấp phép".