Đại dịch Covid-19 khiến việc đào tạo lực lượng lao động khắp châu Á - Thái Bình Dương ít nhiều bị gián đoạn. Để hỗ trợ lực lượng này thích nghi với thị trường việc làm khi thế giới bước ra khỏi đại dịch, Cơ quan Giáo dục New Zealand (Education New Zealand - ENZ) phối hợp Viện Công nghệ và Kỹ năng New Zealand (New Zealand Institute of Skills and Technology - Te Pūkenga), và Skills Consulting Group tổ chức Diễn đàn Giáo dục Nghề nghiệp về Phát triển Kỹ năng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APAC TVET 2021).
Nghề nghiệp lĩnh vực kỹ thuật số “lên ngôi”
Là một trong những diễn giả được mong chờ, ông Raghav Gupta - Giám đốc điều hành nền tảng Coursera khu vực Ấn Độ và APAC - mang đến diễn đàn APAC TVET 2021 bài phát biểu về “Xây dựng thế giới công bằng khi bước ra khỏi đại dịch”.
Mở đầu phần chia sẻ, ông cho biết ngành nghề thuộc lĩnh vực kỹ thuật số đang có xu hướng phát triển mạnh trên toàn cầu. Các ngành nghề này gồm có kỹ sư mạng, an ninh mạng, phát triển phần mềm, công việc liên quan đến học máy, dữ liệu lớn, lưu trữ đám mây, tiếp thị trực tuyến, tiếp thị trên nền tảng thương mại điện tử…
Xu hướng này cũng được chỉ rõ trong “Báo cáo tương lai việc làm” của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) - hơn 97 triệu công việc mới (kết hợp giữa con người và máy móc) sẽ xuất hiện vào năm 2025. Theo báo cáo này, các công ty ước tính khoảng 40% nhân viên cần được đào tạo lại trong nửa năm hoặc ít hơn.
Ông Raghav Gupta - Giám đốc điều hành nền tảng Coursera khu vực Ấn Độ và APAC. Ảnh chụp từ sự kiện. |
Trong xu hướng này, ông Raghav Gupta chỉ rõ nguồn lao động đang phải đối mặt 2 thử thách lớn: 80 triệu công việc sẽ biến mất 2025 và 40% người dân toàn cầu phải làm việc từ xa sau đại dịch (số liệu trích dân từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới).
“Có thể nói, người lao động làm công việc truyền thống, tay chân, hàm lượng kỹ thuật số thấp đang gặp áp lực lớn”, ông Raghav Gupta nói.
Điều này buộc người lao động phải học cách thích nghi, hoặc tự trang bị kiến thức và kỹ năng để đón đầu cơ hội mới trong tương lai, hoặc chấp nhận bị đào thải. Một trong nhiều cách để nâng cao năng lực là tham gia các chương trình học ngắn hạn trực tuyến và nhận chứng chỉ, khóa học độc lập, học tập kết hợp đa ngành…
Ở khía cạnh doanh nghiệp, ngày càng nhiều công ty chấp nhận chứng chỉ giáo dục trực tuyến, đặc biệt là kỹ năng mới như khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo… Bên cạnh đó, đại dịch là cơ hội để các nhà lãnh đạo chuyển sang nền tảng trực tuyến, góp phần giúp nhân viên tiếp cận lĩnh vực kỹ thuật số thành thạo hơn.
Đào tạo nghề trực tuyến ngày càng được chú trọng
Khi công việc trong lĩnh vực kỹ thuật số xuất hiện nhiều hơn, học trực tuyến trở thành xu thế. Vào tháng 2/2020, nền tảng Coursera có 50 triệu người học, hiện tại con số này tăng lên 92 triệu. Người học tập trung chủ yếu tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi có nhiều người lao động chịu áp lực về công việc và trình độ.
Bà Bridget Dennis - Phó chủ tịch nhóm tư vấn giáo dục nghề nghiệp Skills Consulting Group - cho biết: “Trong giai đoạn sắp tới, các đơn vị giáo dục cần tạo điều kiện cho người học bổ sung kỹ năng để đón đầu cơ hội nghề nghiệp, trong khi doanh nghiệp cần bồi dưỡng thêm chuyên môn cho lực lượng lao động, và hình thức trực tuyến là một trong những giải pháp thiết thực về thời gian và chi phí cho nhu cầu của người lao động và doanh nghiệp”.
Bà Dennis nói thêm người dân ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn “kỳ thị” học nghề. Trong khi đó, đào tạo nghề là một trong những lĩnh vực đang được quan tâm và ngày càng nắm giữ vai trò quan trọng trong nền giáo dục toàn cầu.
Ông Stephen Town - Giám đốc điều hành Te Pūkenga. Ảnh: Nzherald. |
Đồng quan điểm, ông Stephen Town - Giám đốc điều hành Viện Công nghệ và Kỹ năng New Zealand (New Zealand Institute of Skills and Technology - Te Pūkenga) - cho rằng đào tạo nghề đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển năng lực của lực lượng lao động, doanh nghiệp.
Kể từ tháng 4/2020, Te Pūkenga ghi nhận số lượng gấp đôi người học so với trước đại dịch. Sự thay đổi này diễn ra âm thầm và sẽ tiếp diễn trong thời gian tới. Tại New Zealand, việc đào tạo nghề không chỉ diễn ra trực tiếp ở trường mà còn trên website, nền tảng học tập trực tuyến…
Bên cạnh đó, đội ngũ Te Pūkenga sẽ hợp nhất các chứng chỉ để giảm tải bộ máy hành chính; ra mắt một số chương trình phát triển trong ngành thiết kế, kỹ thuật. Mục tiêu của đơn vị này là hợp nhất chương trình đào tạo để nâng cao chất lượng và tạo sự nhất quán.
Để có sự “chuyển đổi trơn tru”, Te Pūkenga đang thực hiện mô hình thử nghiệm, cho phép người học di chuyển đến nơi khác trong nước hoặc tạm nghỉ. “Tức là dù gặp vấn đề gì trong cuộc sống, họ có thể tiếp tục việc học theo các hình thức khác nhau. Bên cạnh đó, chúng tôi đang nỗ lực đào tạo, phát triển số lượng giảng viên”, ông nói.
Ông Grant McPherson - Giám đốc Điều hành Cơ quan Giáo dục New Zealand (Education New Zealand - ENZ) - cho biết New Zealand có nhiều thế mạnh về đào tạo nghề, nổi bật trong khu vực APAC.
“Sau đại dịch, chúng ta cần tập trung giải quyết tình trạng thiếu kỹ năng bằng cách xây dựng và củng cố chuyên môn nghề nghiệp. Nền giáo dục New Zealand trang bị cho sinh viên kỹ năng để làm việc và học tập, đặc biệt là lĩnh vực dạy nghề ứng dụng”, ông khẳng định.
Hành trang kỹ năng để bắt nhịp xu thế mới
Báo cáo của Microsoft chỉ ra đến năm 2025, toàn cầu có thêm 149 triệu công việc mới liên quan đến lĩnh vực phát triển phần mềm, nghiên cứu dữ liệu, AI… Đây là những nghề nghiệp có thể làm từ xa.
Đánh giá về xu hướng này, ông Raghav Gupta khẳng định sự thay đổi thị trường việc làm đang tác động đến lĩnh vực giáo dục đào tạo nghề. Bên cạnh đó, thế hệ trẻ có thể dựa trên xu hướng này để chuẩn bị hành trang kỹ năng cho tương lai.
Sự chuyển dịch trong khóa học kỹ năng trên Coursera trong năm 2019-2020. Ảnh chụp từ sự kiện. |
Quan sát nhu cầu người học trên Coursera vào năm 2019, ông cho biết kỹ năng được quan tâm nhiều tập trung vào lĩnh vực kỹ thuật như lập trình Python, thuật toán, dữ liệu, quản lý… Sự chuyển dịch diễn ra âm thầm cho đến năm 2020, người học chuyển sang kỹ năng quản lý cá nhân và làm việc chung (viết, đọc, cấu trúc, một số kỹ năng mềm như thiền, suy nghĩ sâu, tối ưu hóa tư duy…). Trong vòng một năm, nền tảng này ghi nhận sự chuyển đổi rất lớn về nhu cầu của người dùng từ các kỹ năng công nghệ, kỹ thuật số sang kỹ năng giao tiếp, tư duy.
Về lâu dài, Diễn đàn kinh tế thế giới dự đoán hệ thống kỹ năng của người lao động năm 2025 sẽ có nhiều khác biệt. Theo đó, các kỹ năng phối hợp giữa kỹ thuật - con người (giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, lãnh đạo và tạo ảnh hưởng trên mạng xã hội, thiết kế kỹ thuật số, nguyên nhân và cách giải quyết vấn đề…) được xem là thiết yếu cho tương lai.
Các chuyên gia thảo luận về việc xây dựng và đổi mới kỹ năng cho người lao động sau Covid-19. Ảnh chụp từ sự kiện. |
Cũng trong sự kiện, ông Raghav Gupta nói thêm về sự thay đổi của chứng chỉ hành nghề. Ông dẫn chứng ghi nhận từ Google IT - nền tảng học tập dành cho người chưa bao giờ làm việc trong ngành IT - với hơn 700.000 chứng chỉ đã được cấp trong tháng 9. Đầu ra của người học là 150 doanh nghiệp hợp tác với Google IT như Intel, Infosys, Walmart…
“Nhiều người học đang lựa chọn con đường này để phát triển sự nghiệp. Họ không cần tốt nghiệp đại học bài bản mà theo học các chứng chỉ, kết quả có được nghề nghiệp như mơ ước tại các trung tâm lớn”, ông Raghav Gupta khẳng định.
Bình luận