Đã gần 6 năm sau vụ 4 anh chị em ở khu nghèo khó thuộc tỉnh Quý Châu (Trung Quốc) uống thuốc độc tự tử vì bị cha mẹ bỏ rơi gây rúng động dư luận. Theo Sixth Tone, thảm kịch ấy đã tạo nên mối lo về hàng triệu "đứa trẻ bị bỏ lại" - con em của những lao động nhập cư tại thành phố lớn.
Cha mẹ rời quê đi làm ăn xa, những đứa trẻ này bị bỏ lại vùng nông thôn, thường do các thành viên khác trong gia đình coi sóc. Câu chuyện ở Quý Châu là trường hợp cực đoan, song các nhà nghiên cứu mô tả những đứa trẻ bị bỏ lại là "nạn nhân vô vọng của cuộc di cư trong thời kỳ cải cách".
Nhiều luồng ý kiến về thực trạng cha mẹ bỏ đi làm ăn xa như trẻ em thiếu sự chăm sóc, dễ tổn thương và gặp vấn đề tâm lý, gián tiếp phá vỡ giá trị gia đình. Nhưng thay vì giúp giải quyết hoặc kêu gọi sự chú ý đến vấn đề cơ bản trong việc nuôi dạy con cái của người di cư, các định kiến trên lại góp phần tạo ra một vòng luẩn quẩn, khiến gia đình và những đứa trẻ trở nên tự ti hơn.
Những đứa trẻ bị bỏ lại ở nông thôn Trung Quốc bị cho là nạn nhân của cuộc đại di cư, dễ gặp vấn đề tâm lý khi thiếu vắng cha mẹ. |
Định kiến sai lầm
Gu Xiaorong - nhà nghiên cứu thuộc National University of Singapore’s Asia Research Institute - cho rằng những định kiến xuất phát từ các sự việc đau lòng song theo nghiên cứu, các tình huống tương tự không phổ biến. Có rất ít bằng chứng về việc giảm sút thành tích học tập hay rối loạn tâm lý ở những đứa trẻ bị bỏ lại.
Một nghiên cứu do Đại học Bắc Kinh và Đại học California (Mỹ) đồng thực hiện cho thấy mặc dù các gia đình di cư bị chia cắt về mặt vật lý, họ vẫn nguyên vẹn về mặt xã hội, và quyết định làm việc xa nhà thực sự cho thấy cam kết mạnh mẽ hơn của cha mẹ đối với phúc lợi của con cái.
Theo nghiên cứu do nhóm của Gu Xiaorong thực hiện, trái với quan niệm phổ biến rằng cha mẹ đi làm xa ít có thời gian và tâm sức để quan tâm đến kết quả học tập của con, thực tế cho thấy những phụ huynh này có phong cách giáo dục lấy con cái làm trung tâm. Họ coi việc hỗ trợ, chăm sóc và giáo dục con là điều tối quan trọng.
Giống như những phụ huynh thuộc tầng lớp trung lưu ở thành thị, các bậc cha mẹ nhập cư từ nông thôn mong muốn con mình trở thành người đạt thành tích cao trong học tập và có tương lai tươi sáng. Sự chênh lệch lớn nhất giữa họ là về kinh tế.
"Khoảng cách trong sự phát triển của thanh thiếu niên Trung Quốc không nằm ở việc họ được sống cùng cha mẹ nhiều hay ít. Khoảng cách thực sự nằm ở kiểu môi trường họ lớn lên: nông thôn hay thành thị", Gu Xiaorong nhận định.
Những trẻ em có cha mẹ đi làm ăn xa thấu hiểu sự hy sinh của cha mẹ và nỗ lực học tập. |
Cha mẹ của Cheng (sinh năm 2001) để cậu cho ông bà nuôi từ nhỏ cho đến năm lớp 2. Khi Cheng được 8 tuổi, cha mẹ cậu nhận ra trong 3 năm ở quê, cậu chưa từng học cách viết tên mình.
Họ quyết định bỏ công việc ở nhà máy và chuyển về gần nhà và đăng ký cho cậu học một trường công lập ở địa phương. Sau đó, cha mẹ cho Cheng vào học một trường cấp 2 tư thục đắt tiền.
Cha của Cheng làm cho các dự án xây dựng trong thị trấn, mẹ cậu làm công việc bán thời gian trong một cửa hàng bán lẻ. Trong cuộc phỏng vấn, họ bày tỏ nguyện vọng con vào được một trường quân sự, giúp cậu có cuộc sống ổn định và quyền lợi tốt trong tương lai.
Trong 40 gia đình tham gia nghiên cứu của nhóm Gu Xiaorong, đa số các em nhỏ do ông bà chăm sóc. Dù sức khỏe yếu, không quen với cách học hiện đại, nhiều ông bà vẫn làm việc chăm chỉ để chăm sóc cháu, lấp đầy khoảng trống khi thiếu vắng cha mẹ, hoặc đơn giản giúp kết nối cha mẹ ở xa với con nhỏ ở nhà.
Những ông bà có trình độ sẽ dạy cháu học. Một đứa trẻ tham gia khảo sát cho biết ông của em là một cán bộ thôn về hưu, đã dạy cho em rất nhiều chữ Hán trước khi cháu đi học.
Con cái của những gia đình này có xu hướng kìm nén niềm khao khát về việc đoàn tụ và ổn định, thấu hiểu hơn cho sự hy sinh và cố gắng của cha mẹ. Quan trọng hơn, các em phấn đấu để thành công trong học tập như một cách đáp lại sự hy sinh của cha mẹ.
Đối với những người đã tận mắt chứng kiến cảnh cha mẹ họ vất vả ở thành phố, nhận thức về sự hy sinh và lòng biết ơn càng tăng cao. Một học sinh lớp 5 ở tỉnh Hồ Nam bật khóc khi mô tả về chuyến thăm cha mẹ ở Quảng Châu.
"Ở đó rất nóng và cha mẹ em sống trên tầng cao nhất. Lúc nào mọi người cũng đổ mồ hôi và việc tắm rửa là vô ích. Em nhận ra tại sao cha mẹ nghiêm khắc và đặt ra những tiêu chuẩn cao cho việc học của con đến vậy", cậu nói.
Những cha mẹ di cư từ nông thôn lên thành thị ở Trung Quốc rất kiên cường, tự chủ và cam kết vì sự thành công của con cái, không chỉ vì tương lai của con mà vì lợi ích của cả gia đình. Gu Xiaorong cho rằng mọi người nên ngừng đổ lỗi cho các phụ huynh về những bất cập và tập trung thực hiện cải cách chính sách một cách hệ thống.